Nghị quyết 937/NQ-UBTVQH15 năm 2023 giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Số hiệu 937/NQ-UBTVQH15
Ngày ban hành 13/12/2023
Ngày có hiệu lực 13/12/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Vương Đình Huệ
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 937/NQ-UBTVQH15

Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2021

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13;

Căn cứ Nghị quyết số 23/2022/UBTVQH15 ngày 04 tháng 8 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 và Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH15 ngày 29 tháng 8 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 709/BC-ĐGS ngày 04 tháng 12 năm 2023 của Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”; ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đánh giá việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành nội dung của Báo cáo số 709/BC-ĐGS ngày 04/12/2023 của Đoàn giám sát với những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chủ yếu như sau:

1. Việc ban hành chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng

1.1. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế nhà nước trong lĩnh vực năng lượng đã bám sát chủ trương của Đảng, triển khai việc ban hành chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch (sau đây gọi chung là chính sách, pháp luật) về phát triển năng lượng và đạt những kết quả quan trọng, góp phần đáp ứng yêu cầu quản lý, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Việc thể chế hoá chủ trương của Đảng về phát triển năng lượng đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành nghiêm túc thực hiện, trong đó trọng tâm là Nghị quyết số 18- NQ/TW ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị khóa X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị khóa XI về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chủ trương lớn khác có liên quan của Đảng, Nhà nước.

Quốc hội đã ban hành 01 Bộ luật, 26 Luật, 07 Nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 07 Nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành hơn 500 văn bản; chính quyền địa phương ban hành khoảng 600 văn bản về phát triển năng lượng.

1.2. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ban hành chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng còn một số hạn chế, bất cập.

Các luật liên quan đến điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, quy hoạch, đất đai, tín dụng, khoáng sản, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp chưa thực sự đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi. Một số văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành chưa kịp thời, chưa phù hợp cơ chế thị trường, thiếu cụ thể, hiệu lực, hiệu quả chưa cao, nhất là các chính sách về giá điện, than, khí và xăng dầu, chính sách thu hút đầu tư và nguồn lực thực hiện các dự án năng lượng. Có 13 luật cần sửa đổi, bổ sung; 02 luật cần nghiên cứu, xây dựng mới; 35 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Một số văn bản hướng dẫn quy định chung chung dẫn đến nhiều Bộ, ngành, địa phương có cách hiểu khác nhau về thời hạn thực hiện từng nhiệm vụ, làm cho kết quả thực hiện không đạt yêu cầu đề ra.

Tính khả thi, đồng bộ, liên thông, kết nối trong quy hoạch từng phân ngành, giữa các phân ngành năng lượng với nhau và các quy hoạch liên quan còn hạn chế. Yếu tố thị trường, cơ chế huy động nguồn lực còn thiếu cụ thể. Việc xác định cụ thể nhà đầu tư các công trình điện lực tại các Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trước đây, trong đó có Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) và điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) đã hạn chế thực hiện nguyên tắc thị trường, tạo cơ chế “xin - cho” trong triển khai. Công tác điều chỉnh, bổ sung quy hoạch còn bị động, thiếu kiểm soát. Một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp với quy hoạch, thiếu căn cứ pháp lý khi ban hành, có nội dung trái với văn bản chỉ đạo đã ban hành của cấp trên. Điển hình là việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời, điện gió có sơ hở, chưa sát với thực tế và chưa kịp thời, vi phạm quy định về trình tự, thủ tục quy hoạch dẫn đến đối tượng áp dụng thiếu công bằng, để xảy ra lợi dụng chính sách. Các dự án điện mặt trời, điện gió đã phát triển bùng nổ, vượt xa quy hoạch chỉ trong thời gian ngắn, phá vỡ Quy hoạch điện VII điều chỉnh, gây hệ lụy xấu và thiệt hại cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

Việc chậm ban hành Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, các quy hoạch phân ngành năng lượng, trong đó có Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), kế hoạch thực hiện các quy hoạch liên quan đã ảnh hưởng tiêu cực tới việc cụ thể hóa, triển khai các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Khả năng huy động nguồn lực, các điều kiện bảo đảm để thực hiện Quy hoạch điện VIII khó đáp ứng trong điều kiện của Việt Nam. Một số dự án trọng điểm chưa thể hiện rõ ràng trong Quy hoạch điện VIII. Đến nay, Kế hoạch phát triển điện lực quốc gia, phương án phát triển điện lực của nhiều địa phương vẫn chưa được ban hành, ảnh hưởng lớn đến triển khai các dự án nguồn điện, lưới điện. Nhiều dự án không có tên trong Quy hoạch điện VIII không thể triển khai được do phải chờ kế hoạch và phương án phát triển điện lực. Chưa có các cơ chế cụ thể để triển khai các dự án nguồn điện mới, đặc biệt đối với 11 dự án điện sử dụng khí hóa lỏng (LNG) với tổng công suất trên 19.000 MW, các dự án điện gió ngoài khơi với 6.000 MW. Thời gian triển khai các dự án trong kỳ quy hoạch đến năm 2030 chưa được quy định cụ thể dẫn đến việc khó điều hành và kiểm soát tiến độ thực hiện. Trong quá trình lập Quy hoạch điện VIII và kế hoạch thực hiện, do chưa có quy định mang tính quy phạm về trình tự, thủ tục lập kế hoạch, về tiêu chí cụ thể đưa dự án vào quy hoạch, kế hoạch và về thời gian đưa dự án vào vận hành theo kế hoạch nên dễ dẫn đến cơ chế “xin - cho”. Trong bối cảnh Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt trước Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, nên cần thiết đánh giá, rà soát lại về cơ cấu, quy mô phát triển các phân ngành năng lượng để bảo đảm tính đồng bộ và khả thi của các Quy hoạch.

2. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng

2.1. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

- Việc triển khai quy hoạch các phân ngành năng lượng, trong đó Quy hoạch điện VII, Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Nguồn cung năng lượng và nhập khẩu năng lượng cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tổng cung năng lượng sơ cấp trong nước liên tục tăng trưởng, bình quân tăng 8,7%/năm. Ngành điện phát triển nhanh, công suất đặt nguồn điện tăng trưởng trên 12%/năm, sản lượng điện thương phẩm đầu người tăng 1,42 lần. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ, là điều kiện quan trọng cho việc bảo đảm an ninh cung ứng điện. Điện lưới quốc gia được đưa tới hầu hết mọi miền của đất nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo. Hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định. Cơ cấu nguồn điện theo chủ sở hữu ngày càng đa dạng, bên cạnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) còn có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các nhà đầu tư tư nhân. Ngành dầu khí đã cơ bản hoàn thành mục tiêu chiến lược đề ra, giữ vững là ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng. Ngành than tiếp tục ổn định, đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng trong nước. Ngành năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời có bước phát triển đột phá, đã hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng, địa phương có lợi thế, góp phần đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, phù hợp với xu thế chuyển đổi năng lượng. Đến cuối năm 2021, đã có 16.364 MW điện mặt trời, 3.987 MW điện gió, 318 MW điện sinh khối. Nhà máy điện rác Sóc Sơn, Hà Nội với công suất 15/75 MW và một vài nhà máy điện rác quy mô nhỏ được đưa vào vận hành vào cuối năm 2022. Tổng sản lượng điện năng lượng tái tạo thực tế trong giai đoạn 2015-2021 là 119.374 triệu kWh, đạt 118% mục tiêu chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đã đề ra. Việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được thực hiện nghiêm túc; đồng thời đã ban hành và thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân; đã quan tâm bố trí, sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo trong các hoạt động nghiên cứu; tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân.

- Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng tăng bình quân 6,8%/năm theo hướng công nghiệp hóa, điện khí hóa; chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững đã được chú trọng nhằm bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam. Công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực năng lượng được chú trọng thông qua việc đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển các dự án năng lượng sạch. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng được quan tâm với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp.

Việc thực hiện lộ trình chuyển đổi ngành điện, than, dầu khí và sản phẩm xăng dầu sang hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đầu tư phát triển năng lượng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nòng cốt là các doanh nghiệp nhà nước đã huy động được nguồn vốn lớn; hạ tầng năng lượng ngày càng được tăng cường theo hướng đồng bộ, hiện đại. Công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng đã được quan tâm; ngành năng lượng bước đầu đã làm chủ một số công nghệ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa máy móc, thiết bị và dịch vụ. Nguồn nhân lực, việc làm phát triển ổn định và từng bước mở rộng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Công tác an sinh xã hội được bảo đảm cơ bản đối với người dân bị ảnh hưởng trong khu vực triển khai các dự án năng lượng. Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo được thực hiện tốt, 100% số xã với hơn 99,74% số hộ dân có điện.

Việc quy hoạch phát triển các dự án năng lượng gắn với công tác quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược, trong đó có việc bảo vệ các cơ sở sản xuất, truyền tải, phân phối và lưu trữ năng lượng được chú trọng. Công tác ứng phó khi xảy ra cháy, nổ liên quan đến các công trình năng lượng được triển khai tương đối kịp thời. Ngành dầu khí đã góp phần tích cực trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.

2.2. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng còn có một số hạn chế, bất cập.

- Việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối mặt với nhiều thách thức. Có 3/6 chỉ tiêu chủ yếu đánh giá đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đang biến động theo chiều hướng bất lợi, cụ thể là tỷ số trữ lượng và sản xuất than, dầu, khí tự nhiên ngày càng giảm; sự phụ thuộc vào nhập khẩu than, dầu, khí tự nhiên và tỷ trọng chi phí nhập khẩu than, dầu, khí tự nhiên trong tổng thu nhập quốc nội ngày càng tăng. Tỷ lệ nhập khẩu năng lượng sơ cấp trong tổng cung cấp năng lượng tăng từ 8,4% năm 2015 lên 48% năm 2020. Trong khi đó, trữ lượng thủy điện cơ bản đã khai thác hết; sản xuất than thiếu năng lực mở rộng, tỷ trọng sản lượng khai thác lộ thiên giảm, chỉ chiếm 35% - 40% tổng sản lượng khai thác toàn ngành; sản lượng dầu, khí ở một số mỏ lớn đang suy giảm nhanh; hoạt động phát triển mỏ dầu, khí mới trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn.

[...]