Nghị quyết 927/2010/UBTVQH12 ban hành chiến lược phát triển kiểm toán nhà nước đến năm 2020 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Số hiệu 927/2010/UBTVQH12
Ngày ban hành 19/04/2010
Ngày có hiệu lực 19/04/2010
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Nguyễn Phú Trọng
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

UỶ BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Nghị quyết số: 927/2010/UBTVQH12

Hà Nội, ngày 19 tháng 4 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Kiểm toán Nhà nước;
Theo đề nghị của Tổng Kiểm toán Nhà nước,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 19 tháng 4 năm 2010./.

 

 

TM. UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH




Nguyễn Phú Trọng

 

CHIẾN LƯỢC

PHÁT TRIỂN KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 927/2010/UBTVQH12 ngày 19 tháng 4 năm 2010 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội)

1. Quan điểm phát triển Kiểm toán Nhà nước

Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đến năm 2020 phải quán triệt các quan điểm sau:

1.1. Phát triển KTNN thành công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước; hỗ trợ, phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong thực hiện chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của các địa phương.

1.2. Phát triển KTNN đảm bảo quán triệt và phù hợp các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; tuân thủ quy định của hệ thống pháp luật của Nhà nước và đảm bảo tính độc lập đối với hoạt động kiểm toán nhà nước nhằm thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ của KTNN theo quy định của pháp luật, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước trong công cuộc đổi mới.

1.3. Phát triển KTNN phải đảm bảo quán triệt quan điểm cải cách hành chính nói chung, cải cách tài chính công nói riêng, xác định cho được quy mô hợp lý trong từng thời kỳ đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Từng bước xây dựng cơ quan KTNN chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển hợp lý về số lượng hợp lý và nâng cao về chất lượng, hết sức coi trọng về chất lượng, tinh gọn về bộ máy, tiết kiệm kinh phí, hoạt động hiệu quả. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý và hoạt động kiểm toán.

1.4. Nhà nước có chính sách ưu tiên thích đáng các nguồn lực cần thiết cho tổ chức bộ máy và hoạt động của KTNN, chính sách đầu tư phát triển công nghệ thông tin, chính sách hỗ trợ đào tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

1.5. Phát triển KTNN phải đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

2. Mục tiêu phát triển KTNN đến năm 2020

Để bảo đảm yêu cầu phát triển trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, mục tiêu phát triển KTNN đến năm 2020 là "Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế”.

3. Nội dung cơ bản của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020

3.1. Hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ và toàn diện cho tổ chức và hoạt động của KTNN

- Nghiên cứu, đề xuất bổ sung trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào thời điểm thích hợp một số điều khoản quy định (như Luật KTNN) về vị trí pháp lý, tính độc lập của cơ quan KTNN; và thủ tục, thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng KTNN với nội dung:

+ “KTNN là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

+ “Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng KTNN”.

- Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ liên quan đến KTNN nhằm khẳng định KTNN là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản để cụ thể hoá Luật KTNN:

[...]