Nghị quyết 83/NQ-CP năm 2018 triển khai thực hiện Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 về nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) do Chính phủ ban hành

Số hiệu 83/NQ-CP
Ngày ban hành 26/06/2018
Ngày có hiệu lực 26/06/2018
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Đầu tư,Giao thông - Vận tải

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 83/NQ-CP

Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 437/NQ-UBTVQH14 NGÀY 21 THÁNG 10 NĂM 2017 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TIẾP TỤC HOÀN THIỆN VÀ ĐẨY MẠNH VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ ĐẦU TƯ VÀ KHAI THÁC CÁC CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG THEO HÌNH THỨC HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG - KINH DOANH - CHUYỂN GIAO (BOT)

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21 tháng 10 năm 2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT);

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT NGHỊ:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 đã thông qua Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21 tháng 10 năm 2017 trên cơ sở Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá tình hình triển khai các công trình giao thông theo hình thức BOT trong thời gian qua, bao gồm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT và những kết quả đạt được, trên cơ sở đó đã khẳng định chủ trương huy động nguồn lực xã hội, trong đó có hình thức hợp đồng BOT là đúng đắn, giúp giảm bớt gánh nặng của ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và quá trình triển khai thực hiện các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT còn tồn tại nhiều hạn chế cần được khắc phục.

Để hoàn thiện chính sách, pháp luật, bảo đảm phát huy hiệu quả việc đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT nói riêng và hình thức đối tác công tư (PPP) nói chung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Căn cứ những nhiệm vụ, giải pháp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 với những nội dung chính như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Việc xây dựng và ban hành Nghị quyết của Chính phủ nhằm quán triệt và chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21 tháng 10 năm 2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14.

2. Việc triển khai Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 phải cụ thể hóa các yêu cầu bằng việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thiện và đẩy mạnh chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác, đảm bảo phát huy hiệu quả của việc đầu tư các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT nói riêng và các dự án theo hình thức đối tác công tư nói chung.

3. Nhiệm vụ cụ thể phải thể hiện được việc xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém, trong đó thể hiện rõ vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ, đồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình của Chính phủ và các cơ quan nhà nước các cấp trước Quốc hội và nhân dân.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Về tổng kết việc triển khai thực hiện mô hình đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT nói riêng và đầu tư theo hình thức PPP nói chung.

a) Rà soát, đánh giá, tổng kết việc lập, triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP (bao gồm các loại hợp đồng) từ tất cả các giai đoạn của quá trình đầu tư phát triển các lĩnh vực kết cấu hạ tầng trong giai đoạn từ trước tới hết năm 2017 và cập nhật đến thời điểm báo cáo, nhằm đánh giá những mặt được và những hạn chế, bất cập, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục hữu hiệu.

b) Tổng hợp những kết luận của các Đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đối với các dự án PPP, trong đó nêu rõ những vấn đề đã được xử lý, đang xử lý và các kiến nghị nếu có; nghiên cứu tiếp thu những kiến nghị của thanh tra, Kiểm toán Nhà nước để thực hiện các biện pháp hữu hiệu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông vận tải theo hình thức hợp đồng BOT, BT nói riêng.

c) Triển khai các phương án xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém và kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm.

Báo cáo tổng hợp tổng kết việc triển khai thực hiện các mô hình đầu tư theo hình thức PPP của Chính phủ bao gồm tất cả các ngành dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2018.

2. Về một số vấn đề chính còn tồn tại của cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có hình thức hợp đồng BOT cần nghiên cứu để tập trung tháo gỡ và hoàn thiện:

a) Quy định chặt chẽ về tiêu chí lựa chọn dự án để đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT nói riêng và hình thức đầu tư PPP nói chung.

b) Bổ sung quy định về tiêu chí để đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư, nghiên cứu quy định mức vốn chủ sở hữu phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng nhóm dự án, phù hợp với chủ trương huy động nguồn lực xã hội.

c) Rà soát quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác các công trình theo hợp đồng BOT trong đó tập trung sâu về các dự án giao thông.

d) Sửa đổi, rà soát, xây dựng và ban hành định mức, đơn giá và công bố chỉ số giá thị trường phù hợp với điều kiện thực tế, loại bỏ chi phí bất hợp lý của các trạm BOT.

đ) Hướng dẫn chi tiết về các nội dung liên quan đến tài chính của hoạt động đầu tư theo hình thức PPP, cơ chế sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tham gia các dự án PPP.

e) Bổ sung chế tài xử lý đối với các nhà đầu tư chậm quyết toán dự án hoàn thành, chậm thực hiện trách nhiệm công khai, cập nhật lưu lượng phương tiện, doanh thu hoàn vốn, thời gian thu phí sử dụng dịch vụ, quy định trách nhiệm và chế tài xử lý đối với nhà đầu tư trong việc bảo đảm chất lượng công trình trong thời gian vận hành và khi bàn giao cho Nhà nước.

g) Quy định về cơ chế tham vấn trước khi quyết định đầu tư và việc người sử dụng dịch vụ phản hồi về cung cấp dịch vụ đối với các cơ quan quản lý nhà nước.

[...]