Nghị quyết 54/NQ-HĐND năm 2021 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 do tỉnh Nghệ An ban hành

Số hiệu 54/NQ-HĐND
Ngày ban hành 09/12/2021
Ngày có hiệu lực 01/01/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Thái Thanh Quý
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 54/NQ-HĐND

Nghệ An, ngày 09 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Trên cơ sở xem xét các báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, cơ quan hữu quan; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành với những nội dung đánh giá tình hình thực hiện năm 2021 và kế hoạch năm 2022 với các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được nêu trong các Báo cáo do Uỷ ban nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trình và các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:

1. Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2021

Năm 2021, toàn tỉnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng, đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ và nỗ lực của các tầng lớp Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 vẫn đạt được một số kết quả khá tích cực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) ước đạt 6,2%; thu ngân sách ước thực hiện 17.678 tỷ đồng, vượt 26% dự toán; hoạt động đối ngoại, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp tiếp tục được đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, ứng phó nhanh, cơ bản kiểm soát được tình hình; các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền, cải cách hành chính có nhiều chuyển biến. Quốc phòng, an ninh đảm bảo, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tiến độ thực hiện của một số dự án đầu tư, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm so với yêu cầu. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, đặc biệt là vốn nước ngoài. Dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, các ca nhiễm trong cộng đồng tiếp tục xuất hiện tại một số địa phương. Việc làm, sinh kế và đời sống một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn.

2. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022

2.1. Chỉ tiêu kinh tế

- Tốc độ tăng trưởng GRDP: 8,5-9,5%.

- Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm, ngư nghiệp khoảng 23-24%; công nghiệp và xây dựng khoảng 33-34%; dịch vụ khoảng 42-43%.

- Thu ngân sách nhà nước: 14.997 tỷ đồng.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu: 2.200 triệu USD.

- Tổng nguồn đầu tư phát triển toàn xã hội: 96.000 tỷ đồng.

- GRDP bình quân đầu người: 50-51 triệu đồng.

- Tỷ lệ đô thị hóa: 33%.

2.2. Chỉ tiêu xã hội

- Mức giảm tỷ lệ sinh: 0,2‰.

- Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo: 1-1,5%.

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng: 14,9%.

- Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: 74,72%.

- Tạo việc làm mới: 41.050 lao động.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 67,7%.

- Tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế: 93%.

- Số bác sỹ/vạn dân: 11,6 bác sỹ.

[...]