Nghị quyết 539/NQ-UBTVQH13 năm 2012 kết quả giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Số hiệu 539/NQ-UBTVQH13
Ngày ban hành 30/10/2012
Ngày có hiệu lực 30/10/2012
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Bất động sản,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 539/NQ-UBTVQH13

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ ĐẤT Ở, ĐẤT SẢN XUẤT CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội số 05/2003/QH11;

Căn cứ Nghị quyết số 15/2011/QH13 của Quốc hội về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012;

Căn cứ Nghị quyết số 407/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Chương trình hoạt động giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2012;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 238/BC-ĐGS ngày 12 tháng 9 năm 2012 của Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Báo cáo số 219/BC-CP ngày 05 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2002 - 2011,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành cơ bản nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và các kiến nghị; đồng thời nhấn mạnh:

1. Trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn, diện đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất khá lớn (558.485 hộ), nhưng với quyết tâm cao nhất, trong thời gian 10 năm, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho 333.995 hộ (trong đó 148.059 hộ được hỗ trợ đất ở, 185.936 hộ được hỗ trợ đất sản xuất). Kết quả này là tiền đề rất quan trọng, căn bản bảo đảm cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo ổn định cuộc sống và sản xuất, an tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; góp phần tăng cường, củng cố đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng biên cương của Tổ quốc.

2. Chính phủ đã ban hành hệ thống chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về vấn đề này còn một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc như: số đối tượng thiếu đất ở, đất sản xuất còn nhiều; công tác điều tra, xác định đối tượng thụ hưởng chính sách chưa chính xác; một số chính sách có nội dung giống nhau nhưng lại do các cơ quan khác nhau chủ trì; nhiều chính sách được triển khai thực hiện nhưng đến nay chưa có chính sách nào hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; công tác kiểm tra, hướng dẫn chưa đồng bộ, thiếu kịp thời; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất, động viên phát huy nội lực của người dân và cộng đồng còn hạn chế.

Điều 2. Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau đây:

1. Rà soát, nghiên cứu những nội dung liên quan trực tiếp đến đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, kiến nghị các nội dung cụ thể để hoàn thiện Luật đất đai, Luật đầu tư, Luật cư trú, Luật bảo vệ và phát triển rừng và các luật, pháp lệnh khác có liên quan. Kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chính sách, dự án có nội dung giải quyết đất ở, đất sản xuất còn hiệu lực thi hành, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong báo cáo giám sát đã nêu;

2. Tập trung chỉ đạo thực hiện đạt mục tiêu từ nay đến hết năm 2015 giải quyết căn bản tình trạng hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất ở hiện nay. Nghiên cứu, ban hành chính sách giải quyết đất sản xuất gắn với giải quyết việc làm, trên cơ sở tính đến yếu tố đặc thù khó khăn của mỗi vùng, phấn đấu đến hết năm 2015 giải quyết được 70% số hộ đang thiếu đất sản xuất hiện nay;

3. Chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai; gắn trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, chính quyền địa phương các cấp với việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp trong việc hoạch định, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách. Rà soát việc giao đất, thu hồi, cho thuê đất của các nông, lâm trường, các doanh nghiệp ở các vùng có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, bảo vệ và phát triển rừng;

4. Có chính sách cụ thể, thống nhất và tập trung chỉ đạo giải quyết tình hình di cư tự do. Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu toàn diện, sâu sắc tình hình, đặc điểm tự nhiên và xã hội các địa phương có dân bỏ đi, địa phương có dân di cư tự do đến để giải quyết hợp lý tình hình di cư tự do, bảo đảm các mục tiêu về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường với tính khả thi cao nhất; quy định trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp trong việc quản lý dân cư, quản lý đất đai, quản lý và bảo vệ rừng đối với những địa phương có dân di cư tự do đi và đến; phấn đấu đến hết năm 2015 giải quyết căn bản tình trạng này.

Điều 3. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

Điều 4. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Điều 5. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 

 

Nơi nhận:
- Chính phủ;
- Thủ tướng Chính phủ;
- HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội;
- Các vị đại biểu Quốc hội;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ;
- VPTƯ Đảng, VPCP, VPCTN;
- UBTƯMTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;
- Thành viên Đoàn giám sát;
- Lãnh đạo VPQH;
- Lưu: HC, TH, DT.

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH




Nguyễn Sinh Hùng