HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
50/2017/NQ-HĐND
|
Ninh Thuận,
ngày 11 tháng 12 năm 2017
|
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH NỘI DUNG,
MỨC CHI HỖ TRỢ KINH PHÍ SỰ NGHIỆP CỦA CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO
BỀN VỮNG, GIAI ĐOẠN 2016-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 5
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng
6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng
12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững
đối với 61 huyện nghèo;
Căn cứ Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng
9 năm 2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn
với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số
giai đoạn 2015-2020;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 93/2016/TT-BTC-BNNPTNT
ngày 27 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Nghị định
số 75/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách
bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ
trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020;
Căn cứ Thông tư số 15/2017/TT-BTC ngày 15 tháng
02 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp
thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn
2016-2020;
Thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02 tháng
9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia
giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020;
Xét Tờ trình số 209/TTr-UBND ngày 16/11/2017 của
UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Quy định nội dung, mức chi hỗ trợ kinh phí sự nghiệp
của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Ninh
Thuận; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế -Ngân sách HĐND tỉnh; ý kiến thảo luận
của đại biểu HĐND tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp của ngân sách
nhà nước thực hiện Chương trình theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016
của Thủ tướng Chính phủ, trừ các khoản hỗ trợ có mục đích, địa
chỉ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, hoặc các khoản hỗ trợ mà nhà
tài trợ hoặc đại diện có thẩm quyền của nhà tài trợ và Bộ Tài
chính đã có thỏa thuận về nội dung và mức chi.
2. Đối tượng áp dụng: Cơ quan,
đơn vị, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng và thụ hưởng nguồn kinh phí sự nghiệp
của ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền
vững giai đoạn 2016-2020.
Điều 2. Nguyên
tắc, điều kiện được hỗ trợ: Thực
hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 15/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017
của Bộ Tài chính.
Điều 3.
Hộ mới thoát nghèo: Là hộ gia đình
đã từng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua điều tra, rà soát hàng năm đã thoát nghèo,
cận nghèo, được Ủy ban nhân dân xã xác nhận và thời gian kể từ khi ra khỏi danh
sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tối đa là 03 năm.
Điều 4.
Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo
1. Đối tượng
được hỗ trợ: theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 15/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017
của Bộ Tài chính.
2. Nội dung
và mức chi hỗ trợ
a) Hỗ trợ xây
dựng mô hình trình diễn
- Các nhóm
mô hình được hỗ trợ: Mô hình sản xuất tiên tiến trong lĩnh vực trồng trọt, chăn
nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp đảm bảo hiệu quả tăng thu nhập cho các hộ
tham gia mô hình ít nhất từ 20% trở lên/năm và bình quân mỗi năm có ít nhất 15%
hộ gia đình tham gia dự án thoát nghèo, cận nghèo; mô hình giảm thiểu rủi ro
thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Mức hỗ trợ:
Hỗ trợ 100% chi phí mua giống, các vật tư thiết yếu để triển khai mô hình (bao
gồm: Phân bón, hoá chất, thức ăn, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vật tư
khác) theo giá thực tế. Mức hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/mô hình, nhưng không
quá 20 triệu đồng/hộ nghèo, hộ cận nghèo; đối với hộ mới thoát nghèo: mức hỗ
trợ không quá 50% mức hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo.
b) Dự án hỗ
trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo trong lĩnh vực trồng trọt,
chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp đảm bảo hiệu quả tăng thu nhập cho
các hộ tham gia mô hình ít nhất từ 20% trở lên/năm và bình quân mỗi năm có ít
nhất 15% hộ gia đình tham gia dự án thoát nghèo, cận nghèo.
- Dự án trồng
trọt: Mức hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/dự án, nhưng không quá 20 triệu đồng/hộ
nghèo, hộ cận nghèo; đối với hộ mới thoát nghèo: mức hỗ trợ không quá 50% mức
hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nội dung hỗ trợ, gồm:
+ Hỗ trợ 100%
giống cây trồng vụ đầu tiên, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
+ Hỗ trợ 100%
chi phí mua sắm trang thiết bị, máy móc, nông cụ sản xuất, sơ chế, chế biến,
bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
- Dự án
chăn nuôi:
+ Hỗ trợ 100%
giống vật nuôi theo giá thị trường, hỗ trợ thức ăn (1 triệu đồng/1 con heo hoặc
50 con gia cầm; 2 triệu đồng mua giống cỏ/nhóm hộ nuôi gia súc có sừng) và chi
phí làm chuồng trại 2 triệu đồng/chuồng. Mức hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/dự
án, nhưng không quá 20 triệu đồng/hộ nghèo, hộ cận nghèo; đối với hộ mới thoát
nghèo: mức hỗ trợ không quá 50% mức hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo.
+ Hỗ trợ 100%
kinh phí vắc xin và công tiêm phòng đối với các bệnh nguy hiểm: 77.000 đồng/con
trâu bò; 11.000 đồng/con dê cừu; 84.000 đồng/con heo; 72.000 đồng/50 con gia
cầm.
- Dự án lâm
nghiệp: Hỗ trợ 100% giống cây lâm nghiệp trồng rừng sản xuất lần đầu 5,4 triệu
đồng/ha; phân bón lót 2 triệu đồng/ha; thuốc bảo vệ thực vật 300.000 đồng/ha.
Mức hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/dự án, nhưng không quá 20 triệu đồng/hộ nghèo,
hộ cận nghèo; đối với hộ mới thoát nghèo: mức hỗ trợ không quá 50% mức hỗ trợ
hộ nghèo, hộ cận nghèo.
- Dự án
nuôi trồng thủy sản:
+ Đối với dự
án nuôi thủy sản tại các mặt nước mặn, ngọt, lợ: Hỗ trợ 100% chi phí mua giống,
thức ăn, hóa chất khử trùng và cải tạo diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản
theo giá thực tế. Mức hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/dự án, nhưng không quá 20
triệu đồng/hộ nghèo, hộ cận nghèo; đối với hộ mới thoát nghèo: mức hỗ trợ không
quá 50% mức hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo;
+ Đối với dự
án lồng bẫy cua, ghẹ, tôm hùm giống ngoài tự nhiên: Hỗ trợ 100% chi phí đầu tư
ban đầu (lồng bẫy, thùng bảo quản con giống, máy sục khí, thuyền hoặc thúng) theo
giá thực tế. Mức hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/dự án, nhưng không quá 20 triệu
đồng/hộ nghèo, hộ cận nghèo; đối với hộ mới thoát nghèo: mức hỗ trợ không quá
50% mức hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo.
- Dự án Diêm
nghiệp: Hỗ trợ 100% cát, bạt nhựa, máy móc, công cụ sản xuất muối, cải tạo hệ
thống cấp, tiêu nước, nhưng tối đa 300 triệu đồng/dự án, nhưng không quá 20 triệu
đồng/hộ nghèo, hộ cận nghèo; đối với hộ mới thoát nghèo: mức hỗ trợ không quá
50% mức hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo.
c) Dự án hỗ
trợ phát triển ngành nghề và dịch vụ:
- Hỗ trợ chi
phí xây dựng nhà xưởng, máy móc, thiết bị, công cụ, vật tư sản xuất; hỗ trợ doanh
nghiệp, hợp tác xã liên kết với người nghèo trong trong phát triển sản xuất,
phát triển ngành nghề, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
- Mức hỗ trợ 30% theo hợp đồng
thuê, mua, sửa chữa và các chứng từ chi tiêu hợp pháp, trong phạm vi dự toán được
cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá 300 triệu đồng/dự án.
Điều 5.
Hỗ trợ phương tiện nghe-xem
1. Đối tượng
được hỗ trợ: là hộ nghèo tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số
582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Điều kiện
được hỗ trợ: theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 19 Thông tư số 15/2017/TT-BTC
ngày 15/02/2017 của Bộ Tài chính.
3. Loại phương tiện, hình thức
và mức hỗ trợ:
a) Loại phương tiện: hỗ trợ 01
ti vi hoặc 01 radio/hộ.
b) Hình thức: theo hướng dẫn của
Bộ Thông tin và Truyền thông tại Điều 3 Thông tư số 06/2017/TT-BTTTT ngày
02/6/2017.
c) Mức hỗ trợ: từ 1.000.000 đồng
đến 1.500.000 đồng/hộ.
Điều 6.
Chi hỗ trợ công tác quản lý về giảm nghèo ở cấp xã: Chi tổ chức các Hội nghị triển khai nhiệm vụ, giám sát, đánh
giá, sơ kết, tổng kết thực hiện CTMTQG
1. Xã nghèo thuộc khu vực II, khu
vực III (theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ),
mức khoán: 1.500.000 đồng/xã/năm.
2. Xã, phường,
thị trấn khác, mức khoán: 1.200.000 đồng/xã/năm.
Điều 7.
Nội dung chi và mức chi xây dựng và quản lý dự án
1. Chi xây
dựng và quản lý dự án: Mức chi không quá 5% tổng kinh phí thực hiện dự án và không
quá 10% mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho dự án.
2. Nội dung
và mức chi cụ thể:
a) Chi nghiên
cứu, lập dự án, lập mô hình mới, mô hình thí điểm và xây dựng kế hoạch chi tiết
thực hiện mô hình; xây dựng dự án nhân rộng và xây dựng kế hoạch chi tiết thực
hiện mô hình đã được thử nghiệm thành công: Nội dung và mức chi thực hiện theo
quy định tại Quyết định số 65/2015/QĐ-UBND ngày 17/9/2015 của Ủy ban nhân dân
tỉnh Về việc quy định định mức xây dựng dự toán đối với nhiệm vụ khoa học và
công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
b) Chi khảo
sát, xác định, lựa chọn địa bàn thực hiện dự án, lựa chọn hộ nghèo, hộ cận nghèo,
hộ mới thoát nghèo và các hộ khác có nhu cầu và điều kiện để hỗ trợ phát triển
sản xuất, tham gia mô hình thí điểm và mô hình nhân rộng; triển khai, đánh giá,
tổng kết rút kinh nghiệm mô hình: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định
của Ủy ban nhân dân tỉnh về chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị trên địa
bàn tỉnh và Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính quy
định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc
điều tra thống kê, tổng điều tra, thống kê quốc gia;
c) Chi các
nội dung khác về quản lý dự án: Mức chi cụ thể do cấp có thẩm quyền quy định (không
quá 5% tổng kinh phí thực hiện dự án và không quá 10% mức hỗ trợ từ ngân sách
nhà nước cho dự án) quyết định trong phạm vi dự toán được duyệt.
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ
nhiệm vụ, quyền hạn triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định pháp luật.
Hàng năm,
căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền giao, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét,
quyết định quy mô mô hình, thời gian triển khai, địa bàn thực hiện để làm cơ sở
triển khai thực hiện theo quy định.
Đối
với nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020
của năm 2017 (vốn sự nghiệp) chưa giải ngân hết trong năm 2017, khi chuyển
nguồn sang năm 2018 được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết này.
2. Giao Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND
tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân
tỉnh Ninh Thuận Khoá X kỳ họp thứ
5 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 22
tháng 12 năm 2017./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc
hội;
- Chính phủ;
- Ban Công tác đại biểu – (UBTVQH);
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh;
- Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa X;
- Các Sở, ban, ngành, Đoàn thể tỉnh;
- VP: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- TT. HĐND, UBND các huyện,
thành phố;
- Trung tâm công báo tỉnh;
- Lưu: VT.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Đức Thanh
|