Nghị quyết 45/2020/NQ-HĐND về chính sách dân số và phát triển tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030

Số hiệu 45/2020/NQ-HĐND
Ngày ban hành 23/07/2020
Ngày có hiệu lực 02/08/2020
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Nguyễn Văn Hùng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/2020/NQ-HĐND

Quảng Trị, ngày 23 tháng 7 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

CHÍNH SÁCH DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2021-2025, TẦM NHÌN 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 16

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Pháp lệnh Dân số ngày 23/7/2013;

Căn cứ Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới;

Căn cứ Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 537/QĐ-TTg ngày 17/4/2020 của Thủ tướng phê duyệt Chương trình truyền thông dân số đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Tờ trình số 3179/TTr-UBND ngày 15/7/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Nghị quyết “Chính sách dân số và phát triển tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030”; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh; Ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Chính sách dân số và phát triển tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quát: Tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm sinh, tiến tới đạt và duy trì mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025:

- Đạt mức sinh thay thế 2,1 con; giảm tỷ suất sinh thô 0,2‰/năm; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 1%/năm; tăng tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai 1,5%/năm; ổn định tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên dưới 1,0%.

- Khống chế tỷ số giới tính khi sinh dưới mức 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 25%; người từ 65 tuổi trở lên khoảng 11%.

- Tối thiểu có 70% vị thành niên, thanh niên hiểu biết cơ bản một số vấn đề về dân; tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân đạt 50%.

- Tối thiểu có 35% thai phụ được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 60% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 loại bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.

- Tối thiểu có 50% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm và được lập hồ sơ quản lý; tuổi thọ trung bình đạt 70 tuổi.

b) Đến năm 2030:

- Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; ổn định quy mô dân số khoảng 700.000 người; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên (109 trẻ nam/100 trẻ nữ); duy trì cơ cấu dân số ở mức hợp lý, tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi khoảng 22%, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên không vượt quá 12%.

- Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đối với người dân tộc thiểu số; Tuổi thọ trung bình đạt 71 tuổi;

- Tối thiểu có 70% thai phụ được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật và 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 loại bệnh bẩm sinh

- Tối thiểu 50% cấp xã đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi.

[...]