Nghị quyết 42/NQ-HĐND năm 2017 về kết quả giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Số hiệu | 42/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 19/12/2017 |
Ngày có hiệu lực | 08/12/2017 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bình Thuận |
Người ký | Nguyễn Mạnh Hùng |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 42/NQ-HĐND |
Bình Thuận, ngày 19 tháng 12 năm 2017 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TẠI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP, CỤM CÔNG NGHIỆP ĐANG HOẠT ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 5
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2016 của HĐND tỉnh về chương trình giám sát của HĐND tỉnh năm 2017;
Căn cứ Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2016 của HĐND tỉnh về thành lập Đoàn giám sát tình hình thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, các khu công nghiệp tập trung, các cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh;
Sau khi xem xét Báo cáo số 114/BC-HĐND ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Đoàn giám sát HĐND tỉnh về kết quả giám sát tình hình thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; Báo cáo số 185/BC-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2017 của UBND tỉnh về tình hình thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh và ý kiến của các vị đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí với Báo cáo số 114/BC-HĐND ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Đoàn giám sát HĐND tỉnh về kết quả giám sát tình hình thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh với những đánh giá về kết quả đạt được, những hạn chế, nguyên nhân, đề xuất kiến nghị; đồng thời, nhấn mạnh một số vấn đề chủ yếu sau:
Trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tăng cường chỉ đạo công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề về môi trường trên địa bàn tỉnh nói chung và môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nói riêng. Trong thu hút đầu tư các dự án thứ cấp, UBND tỉnh đã có sự cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng và chỉ cho phép đầu tư các ngành nghề ít có khả năng ảnh hưởng đến môi trường; các sở, ban, ngành địa phương đã tăng cường tổ chức giám sát, kiểm tra thường xuyên tình hình môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; nhiều chủ đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp đầu tư thứ cấp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chấp hành thực hiện tốt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Nhìn chung, nhờ công tác chỉ đạo, giám sát, kiểm tra thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước, cùng với ý thức bảo vệ môi trường của các chủ đầu tư hạ tầng, các nhà đầu tư thứ cấp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nên trong thời gian qua, tình hình môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh không để xảy ra các sự cố nghiêm trọng về môi trường.
Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh của một số chủ đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp đầu tư thứ cấp chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa thực hiện đầy đủ và kịp thời các biện pháp bảo vệ môi trường. Công tác quản lý nhà nước tuy có tăng cường nhưng có lúc việc theo dõi, kiểm tra chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ và xử lý còn thiếu kiên quyết nên thời gian qua tại một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã gây ra ô nhiễm môi trường, nước thải, khí thải sau xử lý của một số cơ sở chưa đảm bảo đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Điều 2. Để thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo hạn chế tối đa, không gây ra các sự cố ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp triển khai thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã nêu tại Báo cáo kết quả giám sát số 114/BC-HĐND ngày 24/11/2017 và lưu ý tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh:
- Về quy hoạch: Xem xét kết quả thu hút đầu tư của Khu công nghiệp Phan Thiết 2 và quá trình phát triển đô thị Phan Thiết hiện nay và trong tương lai để có định hướng xử lý phù hợp. Kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp của tỉnh, đưa ra ngoài quy hoạch các cụm công nghiệp không khả thi và bổ sung quy hoạch các cụm công nghiệp có doanh nghiệp đăng ký đầu tư hạ tầng, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng và kết cấu hạ tầng của địa phương.
- Về đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Tập trung chỉ đạo công tác đền bù giải phóng mặt bằng để thu hút nhà đầu tư; rà soát điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp; huy động lồng ghép các nguồn vốn khác nhau để đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo kịp thời, đồng bộ với tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng sớm đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng bên trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhất là các công trình bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án (theo phân cấp quản lý); kiểm tra chặt chẽ việc đầu tư các công trình bảo vệ môi trường theo báo cáo, đề án được duyệt.
- Về thu hút đầu tư các doanh nghiệp thứ cấp: Ưu tiên thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm; xem xét di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường không khắc phục được trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp gần khu dân cư đến các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xa khu dân cư; gắn với việc yêu cầu doanh nghiệp có lộ trình đổi mới công nghệ sản xuất cho phù hợp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
- Đôn đốc các chủ đầu tư nhà máy xử lý rác (kể cả xử lý chất thải nguy hại) đã được chấp thuận chủ trương đầu tư khẩn trương xây dựng và đi vào hoạt động; đồng thời, tiếp tục khuyến khích, kêu gọi đầu tư các công trình xử lý chất thải rắn theo Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2095/QĐ-UBND ngày 30/8/2013 để giải quyết các khó khăn, vướng mắc về việc xử lý rác thải, chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường ở địa phương theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1169/QĐ-TTg ngày 10/8/2017 về phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường từ Trung ương đến địa phương giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Chỉ đạo các sở, ban ngành địa phương và các chủ đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của Đoàn giám sát tại Báo cáo số 114/BC-HĐND ngày 24/11/2017 về kết quả giám sát tình hình thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
2. Chủ đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp:
- Chủ đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; khẩn trương khắc phục các tồn tại, thiếu sót trong việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường theo yêu cầu của Đoàn giám sát tại các Thông báo kết quả giám sát đã gửi đến doanh nghiệp.
- Chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp khẩn trương đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư; thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động xả nước thải của các cơ sở thứ cấp vào hệ thống thu gom nước thải tập trung, đảm bảo thu gom, xử lý triệt để lượng nước thải phát sinh tại khu công nghiệp; vận hành thường xuyên trạm xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn cho phép; thực hiện chương trình quan trắc môi trường, báo cáo kết quả quan trắc định kỳ về Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường của các địa phương để theo dõi, giám sát.
- Các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp sớm lắp đặt bổ sung camera giám sát cửa xả nước thải, thiết bị lấy mẫu tự động được niêm phong và kiểm soát bởi Sở Tài nguyên và Môi trường, kết nối dữ liệu quan trắc tự động về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát theo quy định tại Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT ngày 01/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Các chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp triển khai lập, phê duyệt và thực hiện phương án bảo vệ môi trường cụm công nghiệp theo hướng dẫn tại Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Điều 3. Giao UBND tỉnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết này; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của các chủ đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; báo cáo HĐND tỉnh tại các kỳ họp thường lệ cuối năm.
Điều 4. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và các vị đại biểu HĐND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.