Nghị quyết 34/NQ-HĐND năm 2023 về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác xét xử các vụ án dân sự trên địa bàn tỉnh Long An

Số hiệu 34/NQ-HĐND
Ngày ban hành 12/07/2023
Ngày có hiệu lực 12/07/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Long An
Người ký Nguyễn Văn Được
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/NQ-HĐND

Long An, ngày 12 tháng 07 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT TRONG CÔNG TÁC XÉT XỬ CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
KHÓA X - KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Xét Tờ trình số 661/TTr-ĐGS, ngày 05/07/2023 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác xét xử các vụ án dân sự trên địa bàn tỉnh Long An, ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác xét xử các vụ án dân sự trên địa bàn tỉnh Long An của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh nêu tại Báo cáo số 518/BC-ĐGS, ngày 15 tháng 6 năm 2023 và nhấn mạnh một số nội dung sau:

1. Kết quả đạt được

1.1. Đối với Tòa án nhân dân

Công tác giải quyết, xét xử các vụ án, vụ việc dân sự được TAND hai cấp thực hiện khá tốt, đạt và vượt chỉ tiêu ngành giao; cơ bản đảm bảo tuân thủ đúng quy trình, quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, công tác phân công, bố trí nhân sự, cơ sở vật chất phục vụ công tác xét xử các vụ án dân sự được đảm bảo. Trong kỳ giám sát không để xảy ra án quá hạn theo luật định, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan dưới mức quy định của TAND tối cao; hầu hết bản án, quyết định đảm bảo tính khách quan, nghiêm minh, xét xử đúng thẩm quyền, áp dụng đúng pháp luật về nội dung; chú trọng thực hiện công tác tranh tụng tại phiên tòa. Các bản án có sức thuyết phục, đảm bảo khả năng thi hành án, tạo dư luận tốt trong quần chúng Nhân dân[1]. Việc thực hiện các kiến nghị của VKSND hai cấp thông qua hoạt động kiểm sát giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự được quan tâm; cơ bản các kiến nghị của VKSND được TAND hai cấp chấp nhận và khắc phục, sửa chữa kịp thời[2].

1.2. Đối với Viện kiểm sát nhân dân

VKSND hai cấp đã chú trọng kiểm sát chặt chẽ công tác xét xử đạt và vượt chỉ tiêu ngành giao, phát huy vai trò, trách nhiệm của kiểm sát viên tại các phiên tòa, phiên họp[3]; kịp thời phát hiện các vi phạm phát sinh và thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị để khắc phục, phòng ngừa vi phạm[4].

Công tác kiểm sát thi hành án dân sự cũng được tập trung[5]. Qua kết quả kiểm sát, Cơ quan Kiểm sát đã phát hiện một số sai sót, vi phạm trong công tác thi hành án dân sự hai cấp[6], thực hiện tốt thẩm quyền kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng, Chấp hành viên Cơ quan THADS cùng cấp và cấp dưới trong công tác thi hành án dân sự[7].

1.3. Đối với cơ quan Thi hành án dân sự

Hoạt động thi hành án dân sự trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ thi hành xong về việc, về tiền đạt và vượt chỉ tiêu Tổng cục THADS giao hàng năm cho Cơ quan THADS tỉnh Long An[8]. Định kỳ hàng quý, TAND tỉnh, VKSND tỉnh, Cục THADS tỉnh và các địa phương tiến hành họp, khảo sát thực địa, rà soát, đánh giá, xác định các trường hợp bản án, quyết định tuyên không rõ, có sai sót khó thi hành để ra hướng giải quyết phù hợp, cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từng trường hợp cụ thể. Công tác theo dõi, THADS liên quan đến tổ chức ngân hàng được tập trung chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan THADS địa phương đẩy nhanh tiến độ thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, bảo đảm chất lượng, đúng trình tự thủ tục theo quy định pháp luật; xử lý kịp thời đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, đề nghị của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng khác[9].

2. Tồn tại, hạn chế

2.1. Đối với Tòa án nhân dân

Tỷ lệ giải quyết án dân sự sơ thẩm còn thấp; án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Hội đồng xét xử tuy dưới mức quy định nhưng tỷ lệ vẫn còn cao[10].

Một số hồ sơ án dân sự cấp sơ thẩm xây dựng chưa chặt chẽ, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, dẫn đến Tòa án cấp phúc thẩm phải hủy án sơ thẩm để xét xử lại; có một số sai sót về tố tụng như xác định thiếu người tham gia tố tụng; một số bản án có sai sót nhỏ về tính án phí, về lỗi chính tả phải đính chính; một số thông báo trả đơn khởi kiện chưa đúng phải hủy.

Hiệu quả công tác cải cách tư pháp lĩnh vực án dân sự chuyển biến chưa rõ nét; chưa có giải pháp hiệu quả để giải quyết đối với các bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng khó thi hành án [11].

Còn một số vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt hiệu quả chưa cao, việc áp dụng quy định pháp luật, tiếp công dân, giải trình đôi lúc chưa thuyết phục, đầy đủ dẫn tới đương sự tiếp tục thực hiện việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm[12].

2.2. Đối với Viện kiểm sát nhân dân

Chưa thực hiện tốt công tác kiến nghị và kháng nghị theo thẩm quyền; một số kháng nghị chưa phát hiện hết các vi phạm của Tòa án, chất lượng kháng nghị chưa cao, căn cứ kháng nghị thiếu tính thuyết phục nên kháng nghị chỉ được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần; còn một số vụ việc VKSND cấp cao kháng nghị giám đốc thẩm nhưng VKSND hai cấp chưa phát hiện để kháng nghị (39 vụ).

Một số việc tổ chức thi hành án dân sự có vi phạm thiếu sót nhưng Viện kiểm sát chưa kịp thời phát hiện kiến nghị khắc phục (như: quyết định thi hành án không thể hiện hết phần nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án theo quyết định của bản án và đơn yêu cầu của người được thi hành án, chậm thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án ...).

2.3. Đối với cơ quan Thi hành án

Việc xác minh, phân loại, xử lý tài sản còn chậm, các vụ việc phải giao tài sản theo bản án, quyết định của Tòa án còn nhiều, còn một số sai sót trong quá trình tổ chức thi hành án (chưa kịp thời tác nghiệp thi hành án dẫn đến kéo dài việc thi hành án, quyết định thi hành án không thể hiện hết phần nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án theo quyết định của bản án và đơn yêu cầu của người được thi hành án, chậm thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án, việc xác minh phân loại điều kiện thi hành án chưa chính xác nhưng chưa kịp thời phát hiện kiến nghị khắc phục...).

Còn một số vụ thi hành án khó khăn, phức tạp kéo dài nhiều năm đến nay chưa giải quyết xong[13], Một số vụ việc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá.

[...]