Nghị quyết 28/NQ-HĐND năm 2019 về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2020 do thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu | 28/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 04/12/2019 |
Ngày có hiệu lực | 04/12/2019 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hà Nội |
Người ký | Nguyễn Thị Bích Ngọc |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/NQ-HĐND |
Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2019 |
VỀ TỔNG BIÊN CHẾ HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ 11
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Xét Tờ trình số 279/TTr-UBND, ngày 27/11/2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố Hà Nội năm 2020; Báo cáo số 379/BC-UBND ngày 03/12/2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc báo cáo giải trình bổ sung một số nội dung về biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố Hà Nội năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2020 và quyết định giao biên chế cho các cơ quan của Thành phố, quận, huyện, thị xã như sau:
1. Biên chế hành chính: 9.479 biên chế, trong đó:
- Biên chế công chức: 8.042 biên chế.
- Lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP: 1.437 chỉ tiêu.
2. Biên chế sự nghiệp: 142.564 biên chế, trong đó:
- Biên chế viên chức: 122.765 biên chế (gồm dự phòng: 2.793 biên chế).
- Lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP: 10.869 chỉ tiêu.
- Lao động hợp đồng theo định mức: 8.930 chỉ tiêu.
(Kèm theo biểu chi tiết số 1 và số 2)
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân Thành phố:
1. Tổ chức thực hiện tổng biên chế hành chính, sự nghiệp đúng số giao theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ và theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố. Trong năm 2020 nếu có phát sinh (tăng hoặc giảm) so với Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố (bao gồm cả số lượng chỉ tiêu dự phòng biên chế công chức hành chính và viên chức sự nghiệp), Ủy ban nhân dân Thành phố thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố trước khi thực hiện và báo cáo với Hội đồng nhân dân Thành phố tại kỳ họp gần nhất.
2. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện các Nghị quyết của Trung ương 6, Trung ương 7 (Khóa XII), Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, các Nghị định của Chính phủ gắn liền với kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù về khuyến khích các đối tượng nghỉ tinh giản biên chế của Thành phố, báo cáo đề xuất với Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Triển khai thực hiện tốt Nghị định 113/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện tinh giản biên chế.
3. Thực hiện việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ và sang mô hình công ty cổ phần theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đảm bảo thực hiện chỉ tiêu đến năm 2021 tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII).
4. Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn và hiệu quả; hoàn thành Đề án sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc Thành phố; các Trung tâm bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội; thành lập Trung tâm Điều hành thông minh Thành phố; thí điểm mô hình văn phòng tư vấn, cung ứng dịch vụ hành chính công tại quận Long Biên; sắp xếp các cơ quan chuyên môn theo tinh thần sửa đổi Nghị định 24/2014/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP về tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.
5. Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) và theo Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 01/11/2018 của Thành ủy, xây dựng cơ chế, định mức khoán chi thường xuyên, thực hiện thí điểm chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị của Thành phố; báo cáo HĐND Thành phố để thực hiện theo thẩm quyền.
6. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả trong công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính. Tiếp tục xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Thành phố, đơn giản đến mức tối đa các thủ tục hành chính liên quan, xây dựng quy trình giải quyết công việc theo tinh thần 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả công việc) và “một việc - một đầu mối xuyên suốt”; nâng cao dịch vụ công mức độ 3 và 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Triển khai tốt công tác đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
7. Chủ động rà soát, điều chỉnh đề án vị trí việc làm cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách, cơ chế tạo nguồn, trọng dụng tài năng, nguồn nhân lực chất lượng cao (gồm cả công chức, viên chức đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị của Thành phố) để thu hút và có chế độ đãi ngộ tương xứng. Nâng cao chất lượng đánh giá công chức, viên chức; nghiên cứu tiêu chí định lượng trong việc đánh giá trên cơ sở vị trí việc làm, gắn với công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật và bổ nhiệm cán bộ.
Tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đổi mới nội dung, hình thức thi tuyển, nghiên cứu cơ chế xét tuyển đối với một số đối tượng đặc thù để đảm bảo thu hút người có đức, có tài phục vụ cho các cơ quan của Thành phố.
8. Tiếp tục xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính và việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan Thành phố; duy trì nghiêm chế độ tự kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị.
9. Chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Tư pháp và các ngành liên quan của Thành phố thường xuyên rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố liên quan đến lĩnh vực tổ chức, bộ máy, biên chế để sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời theo đúng các quy định của pháp luật và để triển khai có hiệu quả các bước thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố, các Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND Thành phố giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Đề nghị Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị-xã hội tham gia giám sát thực hiện Nghị quyết theo chức năng, nhiệm vụ quy định của pháp luật.