VỀ NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2012
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ 3
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26-11-2003;
Trên cơ sở xem xét các báo cáo của UBND tỉnh,
Thường trực HĐND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, các
cơ quan hữu quan, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và thảo luận,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012, cụ thể như
sau:
I - MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU
CHỦ YẾU
1. Mục tiêu tổng quát:
Tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định và nâng cao chất
lượng tăng trưởng kinh tế, bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội và cải thiện đời sống
nhân dân; trong đó tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng,
hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, củng cố quốc phòng, đảm bảo an
ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Năm 2012 xác định là năm: “Tập trung nguồn lực để
bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình trọng điểm và nông thôn
mới”.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 11,5 - 12,0%.
Trong đó:
+ Ngành công nghiệp - xây dựng tăng 11,0 -
11,5%;
+ Ngành dịch vụ tăng 15,5 - 16,0%;
+ Ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 3,5 -
4,0%.
- Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng 55,2%,
dịch vụ 30,8%, nông - lâm nghiệp - thủy sản 14%.
- Sản lượng lương thực có hạt 40,29 vạn tấn.
- GDP bình quân đầu người đạt khoảng 49 triệu đồng,
tương đương khoảng 2.200 USD.
- Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 17.835 tỷ
đồng, tăng 6,3% so với năm 2011.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 750 - 800 triệu
USD.
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn phấn đấu đạt
18.224 nghìn tỷ đồng; tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 8.310,6 tỷ đồng.
- Thu hút đầu tư nước ngoài 20 dự án với số vốn
đăng ký 250 triệu USD, trong nước 52 dự án với số vốn đăng ký 4.900 tỷ đồng.
- Mức giảm tỷ lệ sinh 0,3%o.
- Số bác sĩ trên một vạn dân: 7,5 bác sĩ.
- Tỷ lệ hộ nghèo còn 7,05%.
- Số lao động được giải quyết việc làm 21 nghìn
người; tỷ lệ lao động qua đào tạo 57%.
- Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi 13%.
- Tỷ lệ chất thải rắn được xử lý: 75%.
- Tỷ lệ dân số đô thị chiếm 23,5% tổng số dân.
II - NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
CHÍNH
1. Tiếp tục thực hiện Kết luận số 02-KL/TW của Bộ
Chính trị và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định
kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; bảo đảm sự phối hợp đồng bộ của các cơ
quan quản lý Nhà nước, các cấp, các ngành trong tổ chức, triển khai thực hiện.
Chủ động kiểm soát giá, tăng cường công tác quản lý thị trường, ngăn chặn nạn đầu
cơ, kiên quyết chống hàng giả, hàng kém chất lượng, kiểm soát và khống chế chỉ
số giá tiêu dùng ổn định trong năm 2012.
2. Chỉ đạo, điều hành thực hiện đồng bộ các giải
pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của
các sản phẩm công nghiệp; ưu tiên các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, có suất
đầu tư lớn; khuyến khích phát triển công nghiệp thương mại phục vụ phát triển
nông nghiệp và nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến, sản xuất hàng xuất khẩu…,
tăng khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất
khẩu, các doanh nghiệp chế biến nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ trực
tiếp đời sống nhân dân, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Tập trung mọi
nguồn lực cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chủ động quỹ đất để
giao đất sạch cho các dự án và kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các
dự án theo đúng tiến độ.
3. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, trong đó tập
trung triển khai quy hoạch phân vùng, phân khu theo quy hoạch chung xây dựng đô
thị Vĩnh Phúc và cụ thể hóa Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy về phát triển dịch vụ,
du lịch. Tích cực thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới, trong đó đầu tư
mô hình điểm để nhân rộng. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, quản
lý đầu tư, nâng cao hiệu quả xây dựng cơ bản, chống thất thoát lãng phí. Rà
soát, đánh giá các dự án phát triển kết cấu hạ tầng để bố trí vốn đầu tư tập
trung cho các dự án có thể hoàn thành, đưa vào sử dụng ngay trong năm 2012 -
2013; đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là các
công trình trọng điểm, trọng tâm của tỉnh, các công trình văn hóa, thể dục thể
thao: Khu du lịch, vui chơi giải trí, bệnh viện đa khoa tỉnh, khu đào tạo huấn
luyện thể dục, thể thao, văn miếu tỉnh, Nhà hát lớn…, tăng cường quản lý, giám
sát, kiểm soát nợ trong đầu tư XDCB góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
4. Khắc phục khó khăn trong sản xuất nông nghiệp,
tăng sức thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, có giải
pháp cụ thể khắc phục kịp thời hiệu quả do thiên tai, dịch bệnh, nâng cao hệ số
sử dụng đất để tăng sản lượng lương thực, thực phẩm; sửa đổi, bổ sung cơ chế
chính sách của tỉnh cho phù hợp để thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự
án thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông
thôn; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn
mới, trước mắt đào tạo tập huấn cho cán bộ các xã, huy động tổng hợp các nguồn
vốn xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, các công trình văn hóa ở cấp
thôn, bản; từng bước hoàn thành các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí quốc gia về nông
thôn mới.
5. Quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài
nguyên, nhất là tài nguyên đất đai trên địa bàn tỉnh, có biện pháp thu hồi đất
của các dự án không thực hiện theo quy định; xử lý nghiêm những trường hợp lấn
chiếm đất công để xây dựng trái phép. Tích cực triển khai các biện pháp khắc phục
tình trạng ô nhiễm môi trường. Chủ động triển khai đề án bảo vệ môi trường nông
thôn, ngăn ngừa hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường
trong các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, bệnh viện; thường xuyên thanh tra,
kiểm tra kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm đối với những trường hợp
vi phạm.
6. Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông đại
trà và mũi nhọn, đổi mới công tác quản lý Nhà nước về giáo dục - đào tạo, hoàn thành
mục tiêu phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, tiếp tục quan tâm mở rộng diện tích, đầu tư cải
tạo, nâng cấp các trường học; đầu tư cơ sở vật chất, trang, thiết bị các trường
học, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa việc huy động các nguồn lực cho phát triển
giáo dục - đào tạo. Quan tâm đầu tư cho các cấp học, bậc học giáo dục ở các địa
bàn vùng dân tộc, miền núi, vùng khó khăn, con em thuộc hộ nghèo. Triển khai có
hiệu quả quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2020 và đề án dạy
nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo; sắp xếp và xây dựng mô hình dạy nghề
và giáo dục thường xuyên cấp huyện. Tăng cường đào tạo, dạy nghề cho lao động
khu vực nông nghiệp nông thôn. Chú ý gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng và đào tạo
theo địa chỉ. Đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở y tế, đồng thời huy động các
thành phần kinh tế nâng cao chất lượng, số lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân
dân; từng bước khắc phục tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Chủ động
và tích cực kiểm soát các dịch bệnh nguy hiểm ở người. Tăng cường công tác bảo
đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
7. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã
hội; triển khai thực hiện các chế độ, chính sách kịp thời, đúng đối tượng. Đẩy
mạnh chương trình giảm nghèo, bảo đảm giảm nghèo bền vững. Quan tâm chăm lo đời
sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tập trung đầu tư đối với những xã
nghèo, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp,
nhà ở cho sinh viên; giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc nảy sinh.
8. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, của
đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ. Xử lý nghiêm những
trường hợp vi phạm của cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính Nhà nước. Nâng
cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp.
9. Tăng cường củng cố quốc phòng đảm bảo an ninh
chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững ổn định về chính trị để tập trung
phát triển kinh tế. Tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm
có tổ chức, tội phạm kinh tế, tham nhũng; xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm
pháp luật, không để lọt tội phạm, làm oan người vô tội; ngăn chặn, đầy lùi tệ nạn
xã hội, kiềm chế tai nạn giao thông; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an
ninh Tổ quốc. Chỉ đạo xử lý kịp thời, có hiệu quả khiếu nại, tố cáo; không để
phát sinh khiếu kiện đông người, vượt cấp.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
- HĐND tỉnh giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện nghị
quyết;
- Thường trực HĐND, các Ban và đại biểu HĐND các
cấp có trách nhiệm giám sát việc thực hiện nghị quyết.
- HĐND tỉnh kêu gọi các cấp, các ngành, các tầng
lớp nhân dân trong tỉnh đoàn kết, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu
kinh tế - xã hội đã đề ra.
Nghị quyết này được HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khoá XV,
kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 14-12-2011./.