Nghị quyết 22/NQ-CP phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2024 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 22/NQ-CP
Ngày ban hành 09/02/2024
Ngày có hiệu lực 09/02/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Trần Lưu Quang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/NQ-CP

Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT THÁNG 01 NĂM 2024

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các Thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2024, tổ chức ngày 29 tháng 02 năm 2024,

QUYẾT NGHỊ:

Trong thời gian qua, tập thể Chính phủ và từng Thành viên Chính phủ đã rất tích cực, phát huy tinh thần trách nhiệm cao, triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật với nhiều đổi mới, đạt kết quả nổi bật trong công tác xây dựng pháp luật. Năm 2023, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 16 luật, 29 Nghị quyết, cho ý kiến đối với 10 dự án luật, trong đó có nhiều đạo luật khó, phức tạp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 127 văn bản quy phạm pháp luật.

Năm 2024 và thời gian tới yêu cầu thực hiện nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện thể chế ngày càng cao, trong đó có nhiều nhiệm vụ quan trọng như: triển khai Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023; trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2025, điều chỉnh chương trình năm 2024; tổ chức thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết được Quốc hội thông qua năm 2023, có hiệu lực vào 2024; rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành.

Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan tập trung cao nhất các nguồn lực cho hoàn thiện thể chế là một trong các đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước. Việc tổ chức xây dựng pháp luật cần kế thừa các quy định pháp luật đã được thực tế chứng minh, áp dụng hiệu quả; sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhất là trong các ngành lĩnh vực then chốt, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kiến tạo phát triển. Các chính sách khi xây dựng, ban hành cần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống, tránh cơ chế “xin - cho”, phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Các cơ quan chủ trì soạn thảo cần lắng nghe, nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về những nội dung phù hợp với điều kiện của Việt Nam; nâng cao năng lực phản ứng chính sách; tăng cường chuyển đổi số trong công tác xây dựng thể chế; đẩy mạnh truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận trong quá trình lấy ý kiến với các bộ, cơ quan, tổ chức, người dân.

Tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2024, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến đối với 03 dự án Luật và 02 đề nghị xây dựng luật: (1) Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; (2) Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); (3) Dự án Luật Công chứng (sửa đổi); (4) Đề nghị xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi); (5) Đề nghị xây dựng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Chính phủ đánh giá cao các bộ: Công an, Tài chính, Tư pháp trong việc chuẩn bị, trình Chính phủ các dự án Luật, đề nghị xây dựng Luật. Các bộ, cơ quan đã tích cực tham gia ý kiến, hoàn thiện các dự án Luật, đề nghị xây dựng Luật với tinh thần trách nhiệm cao.

1. Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ:

Chính phủ đánh giá cao Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng1 về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về cảnh vệ; phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật.

Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung dự án Luật. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ, ý kiến của các cơ quan tại Phiên họp này bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 20132 về thẩm quyền áp dụng biện pháp cảnh vệ; tăng cường phân cấp, phân quyền; không làm phát sinh bộ máy, tăng biên chế.

Bộ Công an hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Giao Bộ trưởng Bộ Công an, thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5 năm 2024).

2. Về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi):

Chính phủ đánh giá cao Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật nhằm nhằm cập nhật, thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người3; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; giải quyết những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011; bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật, thông lệ quốc tế và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Chính phủ cơ bản thống nhất với dự án Luật. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ, ý kiến của các cơ quan tại Phiên họp bảo đảm tăng cường giải pháp phòng ngừa mua, bán người; cải thiện chế độ hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong triển khai thực hiện công tác này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan.

Bộ Công an hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Giao Bộ trưởng Bộ Công an, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5 năm 2024).

3. Dự án Luật Công chứng (sửa đổi):

Chính phủ đánh giá cao Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng, trình Chính phủ dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Chính phủ cơ bản thống nhất phạm vi điều chỉnh và các nội dung cơ bản của dự thảo Luật.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật với các yêu cầu sau:

- Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ về cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xã hội hóa hoạt động công chứng;

- Bám sát và thể hiện rõ 05 Chính sách đã được Chính phủ thông qua trong Đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2022 về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2022;

- Kế thừa những quy định của Luật Công chứng năm 2024 đã được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn; bổ sung các quy định để xử lý bất cập, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Công chứng hiện hành; làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, có luận giải trên cơ sở, chứng cứ khoa học của các nội dung sửa đổi, bổ sung;

- Rà soát, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là các Luật liên quan nhiều đến hoạt động công chứng như: Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở...; bảo đảm tính khả thi, hiệu lực của các quy định trong dự thảo Luật, Ngôn ngữ trình bày tại dự thảo Luật phải trong sáng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng, tạo thuận lợi cho người dân trong việc công chứng các giao dịch dân sự;

- Tăng cường phân cấp, phân quyền đi đối với phân bổ nguồn lực; cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, các chủ thể khác khi thực hiện công chứng;

[...]