Nghị quyết 21/NQ-HĐND năm 2023 thông qua Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Số hiệu 21/NQ-HĐND
Ngày ban hành 12/05/2023
Ngày có hiệu lực 12/05/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Phạm Văn Hậu
Lĩnh vực Thương mại,Xây dựng - Đô thị

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/NQ-HĐND

Ninh Thuận, ngày 12 tháng 5 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA QUY HOẠCH TỈNH NINH THUẬN THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHÓA XI KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị quyết 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Quyết định số 501/QĐ-TTg ngày 10 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét Tờ trình số 46/TTr-UBND ngày 03/4/2023 của UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chính như sau:

I. Phạm vi, ranh giới quy hoạch

Phạm vi, ranh giới quy hoạch tỉnh Ninh Thuận bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Ninh Thuận và không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

II. Quan điểm phát triển

1. Quy hoạch Tỉnh phải bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; phù hợp với các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; quy hoạch tổng thể quốc gia; quy hoạch ngành quốc gia; các quy hoạch Vùng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025;

2. Khát vọng phát triển, vươn lên mạnh mẽ; phát triển nhanh gắn liền với tăng trưởng xanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh; đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển nền kinh tế số và tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cải thiện môi trường đầu tư, khoa học công nghệ và phát huy yếu tố con người, xem con người là trung tâm của sự phát triển;

3. Phát huy lợi thế địa lý của tỉnh là cửa ngõ kết nối các vùng: Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và các tỉnh Nam Tây Nguyên; xây dựng các liên kết phát triển giữa Ninh Thuận với vùng và các địa phương lân cận; tập trung ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm theo hướng đồng bộ, kết nối cao, liên thông đa mục tiêu và tăng cường liên kết vùng;

4. Khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh, khác biệt về điều kiện tự nhiên, thiên nhiên như nắng, gió, biển, rừng; về lịch sử truyền thống cách mạng, đa văn hoá các điều kiện phát triển năng lượng tái tạo, du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp đặc hữu, công nghệ cao, kinh tế biển, kinh tế đô thị...tạo những sản phẩm hấp dẫn và giá trị khác biệt để phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

5. Phát huy tối đa yếu tố con người; coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng cho yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; gắn giáo dục, đào tạo đội ngũ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật với thị trường sức lao động; coi trọng giáo dục phổ cập để nâng cao trình độ dân trí của dân cư, đặc biệt là dân cư vùng nông thôn, miền núi, vùng ven biển; coi trọng việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật, các nhà doanh nghiệp và công nhân lành nghề đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình phát triển;

6. Tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường;

7. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội; chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế; khắc phục các tác động tiêu cực của các xu thế kinh tế quốc tế và khu vực.

III. Tầm nhìn chiến lược và mục tiêu phát triển

1. Tầm nhìn chiến lược: Ninh Thuận sẽ trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng, thịnh vượng, với tầm nhìn chiến lược “Ninh Thuận- Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”.

2. Mục tiêu tổng quát: Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững, kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực, đưa quy mô nền kinh tế đến năm 2025 tăng 1,9 lần và đến năm 2030 tăng 3,65 lần so với năm 2020. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đến năm 2025, là tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước, là một trong những trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Đến năm 2030, trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. Đến năm 2045, trở thành tỉnh phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Đến năm 2050, Ninh Thuận sẽ trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển đạt mức cao so với các địa phương khác trong cả nước; một tỉnh xanh và có môi trường sống tốt, phát triển bền vững.

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ