Nghị quyết 21/2004/NQ-HĐND về Quy chế hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai

Số hiệu 21/2004/NQ-HĐND
Ngày ban hành 26/07/2004
Ngày có hiệu lực 16/07/2004
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Giàng Seo Phử
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2004/NQ-HĐND

Lào Cai, ngày 26 tháng 7 năm 2004

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA THƯỜNG TRỰC HĐND, CÁC BAN CỦA HĐND, TỔ ĐẠI BIỂU VÀ ĐẠI BIỂU HĐND TỈNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI KHÓA XIII
KỲ HỌP THỨ HAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Xét đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân tỉnh Lào Cai khóa XIII, nhiệm kỳ 2004 -2009 và ý kiến tham gia của các đại biểu dự kỳ họp;

Trong khi chờ Ủy Ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Luật tổ chức HĐND và UBND các cấp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy chế hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh Lào Cai khóa XIII, nhiệm kỳ 2004 - 2009.

Điều 2. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện Nghị quyết này; Chánh Văn phòng HĐND và Đoàn ĐBQH, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành có liên quan đảm bảo thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày được thông qua. Nghị quyết này được kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Lào Cai khóa XIII thông qua ngày 16/7/2004./.

 

 

T/M. HỘI ĐỒNG NHÂN DÂNTỈNH LÀO CAI
CHỦ TỊCH




Giàng Seo Phử

 

QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG

CỦA THƯỜNG TRỰC HĐND, CÁC BAN HĐND, TỔ ĐẠI BIỂU VÀ ĐẠI BIỂU HĐND TỈNH LÀO CAI NHIỆM KỲ 2004 - 2009
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số: 21/2004/NQ-HĐND ngày 26/7/2004)

Chương I

THƯỜNG TRỰC HĐND TỈNH LÀO CAI

Điều 1. Thường trực HĐND tỉnh do HĐND tỉnh bầu ra; Thường trực HĐND tỉnh gồm Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND và Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh. Chủ tịch HĐND tỉnh là người chịu trách nhiệm chung về mọi hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh, chịu trách nhiệm trước cấp ủy cùng cấp và nhân dân địa phương; Thay mặt HĐND tỉnh giữ mối liên hệ và phối hợp công tác với UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể và với công dân.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh là người giúp Chủ tịch HĐND tỉnh thực hiện nhiệm vụ Thường trực HĐND tỉnh, được Chủ tịch HĐND tỉnh phân công phụ trách một số lĩnh vực cụ thể. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chịu trách nhiệm trước HĐND, trước Chủ tịch HĐND tỉnh về những công việc thuộc nhiệm vụ được giao.

Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh thực hiện nhiệm vụ của Thường trực HĐND tỉnh, được Chủ tịch HĐND tỉnh phân công phụ trách một số lĩnh vực cụ thể. Trong trường hợp Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đi vắng được ủy quyền giải quyết một số công việc thuộc thẩm quyền của Chủ tịch, phó Chủ tịch HĐND tỉnh; chịu trách nhiệm trước HĐND, trước Chủ tịch HĐND tỉnh về những công việc thuộc nhiệm vụ được giao hoặc được ủy quyền.

Điều 2. Thường trực HĐND tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 53 của Luật Tổ chức HĐND và UBND. Thường trực HĐND tỉnh hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm việc tổ chức các hoạt động của HĐND tỉnh. Thường trực HĐND tỉnh chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của mình và chịu sự giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự kiểm tra và hướng dẫn của Chính phủ, chịu sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng địa phương; báo cáo hoạt động tại các kỳ họp HĐND tỉnh.

Điều 3. Thường trực HĐND tỉnh quyết định triệu tập kỳ họp thường lệ của HĐND chậm nhất là 20 ngày, kỳ họp chuyên đề hoặc kỳ họp bất thường chậm nhất là mười ngày trước ngày khai mạc kỳ họp; ngày họp, địa điểm, chương trình kỳ họp được thông báo rộng rãi cho nhân dân biết chậm nhất là năm ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp.

HĐND tỉnh họp công khai. Khi cần thiết, HĐND tỉnh quyết định họp kín theo đề nghị của Chủ tọa cuộc họp hoặc của Chủ tịch UBND tỉnh.

Kỳ họp HĐND tỉnh được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu HĐND tỉnh tham gia.

Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, người đứng đầu các đoàn thể nhân dân ở tỉnh và đại diện cử tri được mời tham dự kỳ họp HĐND tỉnh, được phát biểu ý kiến nhưng không biểu quyết.

Điều 4. Nghị quyết và biên bản các phiên họp HĐND tỉnh do Chủ tịch HĐND tỉnh ký chứng thực. Trong trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh vắng mặt thì Chủ tọa phiên họp ký chứng thực Nghị quyết và các biên bản phiên họp của HĐND tỉnh.

Điều 5. Hiệu quả hoạt động của TT.HĐND tỉnh được bảo đảm bằng hiệu quả các kỳ họp của HĐND, hiệu quả hoạt động của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh; sự phối, kết hợp hoạt động có hiệu quả của các Ban, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh; việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh.

Định kỳ hàng tháng, Thường trực HĐND tỉnh chủ trì họp với lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh để đánh giá hoạt động trong tháng, xây dựng chương trình hoạt động tháng sau, bàn biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh. Sáu tháng, một năm Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị với các Ban của HĐND tỉnh, Thường trực và các Ban của HĐND các huyện, thị xã và tổ chức các kỳ họp HĐND theo luật định.

[...]