Nghị quyết 205/2023/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung giai đoạn 2023-2028 do tỉnh Lâm Đồng ban hành

Số hiệu 205/2023/NQ-HĐND
Ngày ban hành 12/07/2023
Ngày có hiệu lực 22/07/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Trần Đức Quận
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước,Xây dựng - Đô thị

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 205/2023/NQ-HĐND

Lâm Đồng, ngày 12 tháng 7 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ VÀ QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN TẬP TRUNG GIAI ĐOẠN 2023-2028

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn;

Xét Tờ trình số 4694/TTr-UBND ngày 30 tháng 5 năm 2023 và Tờ trình số 5891/TTr-UBND ngày 07 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung giai đoạn 2023-2028; Báo cáo thẩm tra của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và quản lý, khai thác cho các tổ chức tham gia đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, bao gồm dự án xây dựng mới, mở rộng, cải tạo, nâng cấp và quản lý, khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2023-2028.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp công lập, hợp tác xã, tổ hợp tác, tư nhân tham gia đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.

2. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.

Điều 3. Điều kiện, cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung

1. Điều kiện hỗ trợ

a) Các dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch cấp nước, thuộc danh mục đầu tư được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.

b) Nhà đầu tư phải cam kết thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và đất đai trong quá trình triển khai dự án; có phương án tổ chức sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ; có năng lực tài chính, năng lực quản lý khai thác và cam kết cung cấp dịch vụ nước sạch phục vụ người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh theo dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận đầu tư.

2. Cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư xây dựng công trình

a) Doanh nghiệp có dự án cung cấp nước sạch cho vùng nông thôn được hỗ trợ đầu tư như sau:

- Dự án xây mới: Hỗ trợ 03 triệu đồng/m3/ngày đêm công suất theo quy mô công suất xây dựng dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Dự án nâng cấp, cải tạo nhà máy sản xuất nước sạch: Hỗ trợ 02 triệu đồng/m3/ngày đêm công suất theo quy mô công suất xây dựng dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Hỗ trợ tối đa 50% chi phí xây dựng đường ống chính dẫn đến các khu vực dân cư có từ 10 hộ trở lên theo giá trị quyết toán hoàn thành được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

- Cơ chế hỗ trợ: Khi hạng mục đầu tư của dự án hoàn thành và nghiệm thu thì được giải ngân 70% mức vốn hỗ trợ theo hạng mục đầu tư; sau khi dự án hoàn thành, nghiệm thu, đưa vào sản xuất, kinh doanh và quyết toán hoàn thành thì được giải ngân 30% mức vốn hỗ trợ còn lại.

b) Hỗ trợ giá nước sạch nông thôn:

- Trường hợp giá tiêu thụ nước sạch nông thôn do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành thấp hơn phương án giá nước sạch nông thôn do nhà đầu tư lập đã được Sở Tài chính thẩm định theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ thì hằng năm nhà đầu tư được cấp bù từ ngân sách nhà nước.

- Mức hỗ trợ giá nước sạch nông thôn: Phần chênh lệch giữa giá bán nước sạch do cấp có thẩm quyền ban hành thấp hơn phương án giá nước sạch được tính đúng tính đủ theo quy định tại Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ và Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt.

c) Hỗ trợ huy động vốn: Thực hiện theo Điều 7 Thông tư liên tịch số 37/2014/TTTL-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2014 của liên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn.

d) Ngoài các khoản hỗ trợ nêu trên, nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư cấp nước sạch nông thôn tập trung được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai, ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật.

[...]