Nghị quyết 177/2021/NQ-HĐND về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 và ổn định đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa

Số hiệu 177/2021/NQ-HĐND
Ngày ban hành 10/12/2021
Ngày có hiệu lực 01/01/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Đỗ Trọng Hưng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 177/2021/NQ-HĐND

Thanh Hóa, ngày 10 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI THƯỜNG XUYÊN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2022 VÀ ỔN ĐỊNH ĐẾN NĂM 2025, TỈNH THANH HÓA

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019:

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành văn bản quy phạm pháp luật; số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022.

Xét Tờ trình số 278/TTr-UBND ngày 25 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị phê chuẩn nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 và ổn định đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa; Báo cáo số 1143/BC-KTNS ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thẩm tra dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 và ổn định đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nguyên tắc, tiêu chí phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 và ổn định đến năm 2025

1. Nguyên tắc phân bổ:

a) Hệ thống định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương phải góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an ninh, quốc phòng của cả tỉnh, cũng như từng ngành và từng địa phương.

b) Định mức phân bổ phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của từng cấp ngân sách; trong đó ưu tiên bố trí kinh phí cho những lĩnh vực, nhiệm vụ quan trọng và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khó khăn, đặc biệt khó khăn, biên giới.

c) Thúc đẩy từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, phấn đấu giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, góp phần cơ cấu lại ngân sách nhà nước. Định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương cho các đơn vị dự toán đảm bảo tỷ lệ cơ cấu hợp lý giữa chi thanh toán cá nhân và chi hoạt động chuyên môn của từng ngành, từng lĩnh vực; tăng cường tính chủ động, gắn với chức năng nhiệm vụ, chế độ, chính sách chi ngân sách nhà nước; thúc đẩy thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

d) Đối với các đơn vị sự nghiệp: Ngân sách nhà nước không hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập đã tự đảm bảo chi thường xuyên. Giảm mức hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp chưa đảm bảo chi thường xuyên (hoặc chi đảm bảo một phần) phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá, phí sự nghiệp công làm cơ sở để đẩy mạnh việc thực hiện chế độ tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập. Hàng năm thực hiện điều chỉnh giảm dự toán của các đơn vị sự nghiệp công lập tương ứng với việc đánh giá lại mức độ tự chủ giai đoạn 2022 - 2025.

đ) Định mức phân bổ chi thường xuyên cho ngân sách cấp huyện, cấp xã là phân bổ tạo nguồn lực cho các cấp ngân sách; các địa phương căn cứ vào đặc điểm thực tế và khả năng tăng thu ngân sách để xây dựng dự toán chi theo từng lĩnh vực, đảm bảo hoạt động nhiệm vụ chuyên môn và phù hợp với đặc thù từng địa phương.

e) Định mức phân bổ của ngân sách địa phương được xây dựng cho các lĩnh vực chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, bảo đảm chi lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ và mức tiền lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng (chưa bao gồm kinh phí phát sinh tăng thêm để thực hiện các chính sách theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021- 2025). Định mức đã bao gồm toàn bộ nhu cầu kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách do Trung ương và tỉnh ban hành đến ngày 01/9/2021.

- Các chế độ, chính sách Trung ương ban hành mới hoặc điều chỉnh tăng mức sau thời điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01/9/2021 về việc quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 được bổ sung theo quy định của Trung ương.

- Các chế độ, chính sách do tỉnh ban hành mới (sau thời điểm ngày 01/9/2021) phải trên cơ sở cân đối nguồn lực của tỉnh.

f) Đối với các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách: Căn cứ tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, khả năng thu của ngân sách địa phương, tăng thêm số bổ sung cân đối từ ngân sách tỉnh cho các địa phương so với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Tiêu chí phân bổ:

Tiêu chí phân bổ ngân sách phải rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra và giám sát; đảm bảo phân bổ công khai, minh bạch và thống nhất, cụ thể như sau:

a) Tiêu chí dân số: Theo số liệu cung cấp của Cục Thống kê năm 2021.

b) Tiêu chí phân vùng:

- Đối với định mức theo tiêu chí dân số: Áp dụng quy định phân vùng của Trung ương để phân thành 04 vùng, gồm: Vùng đặc biệt khó khăn; vùng khó khăn; vùng đô thị; vùng khác còn lại; Trong đó, nguyên tắc phân vùng dân số theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và khoản 2 Điều 4 Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ;

- Đối với định mức phân bổ theo đơn vị hành chính gồm 04 vùng, miền, cụ thể: Thành phố, thị xã; đồng bằng, trung du; núi thấp; núi cao.

[...]