Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị quyết 171/NQ-HĐND năm 2023 thông qua quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Số hiệu 171/NQ-HĐND
Ngày ban hành 20/12/2023
Ngày có hiệu lực 20/12/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Mai Văn Tuất
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 171/NQ-HĐND

Ninh Bình, ngày 20 tháng 12 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA QUY HOẠCH TỈNH NINH BÌNH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ 18

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Quyết định số 1413/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 30 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 08 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Thông báo số 1310-TB/TU ngày 18 tháng 12 năm 2023 của Tỉnh ủy Ninh Bình về thông báo Hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII, nhiệm kỳ 2020-2025;

Xét Tờ trình số 230/TTr-UBND ngày 18 tháng 12 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc thông qua Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây viết tắt là Quy hoạch tỉnh) với những nội dung chính như sau:

I. PHẠM VI, RANH GIỚI QUY HOẠCH

Bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Ninh Bình với tổng diện tích tự nhiên trên đất liền 1.411,86 km2 và phần không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Phía Bắc giáp với tỉnh Hà Nam; phía Đông giáp với tỉnh Nam Định; phía Nam giáp với tỉnh Thanh Hóa và biển Đông; phía Tây giáp với tỉnh Hòa Bình.

II. QUAN ĐIỂM, TẦM NHÌN, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN; CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

a) Quy hoạch tỉnh phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước, với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch, kế hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng và các quy hoạch, kế hoạch liên quan. Bảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định và phát triển.

b) Xây dựng Ninh Bình là đô thị di sản thiên niên kỷ của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; trung tâm du lịch, dịch vụ văn hóa - xã hội, môi trường - sinh thái chuyên biệt, đặc sắc của quốc gia và quốc tế; trung tâm lớn về công nghiệp văn hóa; một trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại hàng đầu đất nước; địa bàn vững chắc về quốc phòng và an ninh (tôn giáo); hình mẫu phát triển dựa trên kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản và tăng trưởng kinh tế, hướng vào các tiêu chí xã hội phát triển và nhân dân hạnh phúc.

c) Tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế ban đêm gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số với giá trị gia tăng cao.

d) Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân; chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh tiến bộ, công bằng xã hội; giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa và thiên nhiên, đặc biệt là giá trị con người, văn hóa, văn minh, văn hiến vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử và giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An.

đ) Tăng cường bảo vệ môi trường, khai thác, quản lý sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản và bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học; bảo vệ quỹ rừng, đặc biệt là rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn và rừng sản xuất tự nhiên; bảo vệ nguồn nước và sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên biển, thực hiện các điều ước về bảo vệ môi trường mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết với quốc tế; chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh hướng tới một nền kinh tế xanh, tuần hoàn, thân thiện với môi trường thiên nhiên.

e) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; chủ động mở rộng các quan hệ hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế tạo môi trường thuận lợi cho phát triển.

2. Mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đến năm 2030

[...]