Nghị quyết 15/2004/NQ.HĐND7 về nhiệm vụ kinh tế - xã hội 2005 do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 15/2004/NQ.HĐND7
Ngày ban hành 09/12/2004
Ngày có hiệu lực 09/12/2004
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Võ Thanh Khiết
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2004/NQ.HĐND7

Long Xuyên, ngày 09 tháng 12 năm 2004

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI 2005

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ BA
(Từ ngày 07-12 đến 09-12-2004)

 

- Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND đã được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

- Sau khi xem xét các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh An Giang về tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2004 và phương hướng nhiệm vụ chủ yếu năm 2005; Báo cáo thẩm định của các Ban, Báo cáo của UBMTTQVN tỉnh, Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh;

QUYẾT NGHỊ

I- Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí với báo cáo "Tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2004 và kế hoạch 2005" của Ủy ban nhân dân tỉnh.

A- ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2004:

Năm 2004, mặc dù gặp nhiều bất lợi khó khăn do biến động tăng giá cả của nhiều mặt hàng, ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, điều hành của UBND, vai trò nòng cốt của UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức thành viên, đồng bào, chiến sĩ, cán bộ công chức trong tỉnh đã nỗ lực vượt khó, đoàn kết phấn đấu, khai thác mọi nguồn lực, thực hiện tốt Nghị quyết HĐND tỉnh về kinh tế - xã hội năm 2004. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; an toàn giao thông có chuyển biến tích cực. Quan hệ hợp tác hữu nghị với các tỉnh bạn Campuchia được giữ vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số mặt hạn chế như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, Khu vực II chiếm tỷ trọng rất thấp; tiến độ thực hiện các khu công nghiệp chậm; công tác xúc tiến thương mại đang chững lại, khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm công nghiệp còn yếu; đầu tư xây dựng cơ bản nhiều công trình trọng điểm không đúng theo kế hoạch. Văn hóa - xã hội còn nhiều mặt cần phải quan tâm như: chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng giáo dục và đào tạo, công tác xã hội hóa trong phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, công tác cải cách hành chính chưa đạt so với yêu cầu.

B- NHIỆM VỤ NĂM 2005

1- Các chỉ tiêu chủ yếu:

- Tốc độ tăng trưởng (GDP) đạt 10-11%; trong đó khu vực I tăng 2-2, 5%, khu vực II tăng 15-16%, khu vực III tăng 14-15%.

- Cơ cấu kinh tế: Khu vực I: 35,2%; khu vực II: 12,4% và khu vực III: 52,4%.

- GDP bình quân đầu người trên 8,3 triệu đồng.

- Kim ngạch xuất khẩu đạt 270-300 triệu USD.

- Thu ngân sách: 1.600 tỷ đồng.

- Vốn đầu tư xã hội chiếm 40,3% GDP.

- Tỷ lệ tăng dân số: 1,4%.

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,2%.

- Tỷ lệ đi học so với độ tuổi: 58%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 20%.

- Thực hiện tiến độ phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS đúng lộ trình của Đề án đã thông qua kỳ họp thứ 2 - HĐND tỉnh.

2- Một số nhiệm vụ và giải pháp chính:

- Tiếp tục phát huy thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Quan tâm đúng mức công tác quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao và đạt được sự phát triển ổn định và bền vững. Tiếp tục củng cố, nâng chất hoạt động của các hợp tác xã và phát triển theo mô hình trang trại.

- Tạo điều kiện giúp các cơ sở sản xuất công nghiệp phát triển tốt. Đẩy nhanh việc thực hiện dự án các khu công nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp. Từng địa phương chủ động, tích cực tạo mặt bằng cho các nhà máy, các cụm công nghiệp.

- Có biện pháp tích cực để tăng thu ngân sách; trong đó, biện pháp cơ bản là thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp có mặt hàng sản xuất kinh doanh đóng góp nhiều cho ngân sách. Có kế hoạch cân đối từ nhiều nguồn thu ngân sách để trả nợ vay.

[...]