Nghị quyết 14/2002/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2002 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 14/2002/NQ-CP
Ngày ban hành 06/12/2002
Ngày có hiệu lực 21/12/2002
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14/2002/NQ-CP

Hà nội, ngày 06 tháng 12 năm 2002

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ SỐ 14/2002/NQ-CP NGÀY 6 THÁNG 12 NĂM 2002 THÁNG 11 NĂM 2002

Ngày 30 tháng 11 năm 2002, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11 năm 2002, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:

1. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin trình Chiến lược Phát triển văn hoá đến năm 2010.

Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Phát triển văn hoá là sự nghiệp cách mạng lâu dài của toàn dân nhằm xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nêu cao chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết toàn dân, tinh thần độc lập tự chủ, tự cường, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chiến lược Phát triển văn hoá nhằm mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, tạo mọi điều kiện cho nhân dân hưởng thụ và tham gia rộng rãi các hoạt động văn hoá, xây dựng lối sống, môi trường văn hoá lành mạnh, bảo tồn, phát huy di sản văn hoá dân tộc, sáng tạo những giá trị văn hoá mới; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong xây dựng và phát triển văn hoá ở cả hai phương diện là đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý và củng cố, xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hoá; từng bước tăng mức đầu tư cho lĩnh vực văn hoá tương xứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Giao Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và các đại biểu dự họp, hoàn chỉnh Chiến lược Phát triển văn hoá đến năm 2010 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trên cơ sở Chiến lược Phát triển văn hoá được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Bộ, ngành và địa phương cần cụ thể hoá yêu cầu, nhiệm vụ, nội dung xây dựng và phát triển văn hoá trong chiến lược, quy hoạch phát triển của ngành, địa phương mình; nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, nguồn lực và cơ sở vật chất kỹ thuật, đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hội hoá văn hoá, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá.

2. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Công an trình dự án Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự (sửa đổi); nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự án Pháp lệnh.

Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá VII thông qua ngày 4 tháng 4 năm 1981 là công cụ có hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ quyền dân chủ của công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình mới, để phù hợp với Bộ luật Hình sự (được sửa đổi năm 1999), Bộ luật Tố tụng hình sự (được sửa đổi năm 2000), Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (được sửa đổi năm 2002), việc sửa đổi Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự là một đòi hỏi khách quan và cấp thiết.

Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ hoàn chỉnh dự án Pháp lệnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

3. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng trình dự án Luật Xây dựng; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự án Luật.

Trong những năm qua, thực hiện chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, ngành xây dựng đã phát triển không ngừng cả về lượng và chất. Nhiều lĩnh vực hoạt động xây dựng như tư vấn, thiết kế, thi công xây lắp đã có bước trưởng thành đáng kể, cơ bản đáp ứng được nhu cầu về xây dựng của đất nước, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn trên toàn quốc, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, hoạt động xây dựng cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Ban hành Luật Xây dựng là nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, phân biệt rõ quản lý nhà nước với quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, bảo đảm sự tự chủ trong kinh doanh của các thành phần kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý xây dựng.

Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

4. Chính phủ xem xét Báo cáo về Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2002 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước nhưng tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng đầu năm 2002 vẫn tiếp tục có chuyển biến tích cực. Công nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, nông nghiệp phát triển ổn định, thực hiện vốn đầu tư đạt khá, thu ngân sách nhà nước có nhiều triển vọng vượt dự toán năm. Nhiều lĩnh vực xã hội có chuyển biến tốt như văn hoá thông tin, cứu trợ đồng bào vùng lũ lụt và người nghèo... Tuy nhiên, so với chỉ tiêu kế hoạch đặt ra từ đầu năm, một số chỉ tiêu còn khó khăn, đòi hỏi sự phấn đấu nỗ lực như: xuất khẩu, giải ngân tín dụng nhà nước. Một số tệ nạn xã hội về ma tuý, mại dâm và vấn đề ách tắc, tai nạn giao thông vẫn rất bức xúc.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tăng cường chỉ đạo, điều hành; tập trung triển khai thực hiện mạnh mẽ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các mặt hàng còn có khả năng tăng cao cả về khối lượng và kim ngạch; đẩy mạnh thực hiện khối lượng đầu tư thuộc vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng đầu tư phát triển, thanh toán dứt điểm khối lượng đầu tư hoàn thành năm 2002, nhanh chóng triển khai các giải pháp nhằm giảm ách tắc và tai nạn giao thông theo Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002; chủ động chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, đặc biệt chú trọng đến các vùng bị thiên tai, lũ lụt, vùng sâu, vùng xa.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)