Nghị quyết 12/2017/NQ-HĐND về thông qua Đề án “Quản lý và xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”
Số hiệu | 12/2017/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 08/12/2017 |
Ngày có hiệu lực | 01/01/2018 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thái Nguyên |
Người ký | Bùi Xuân Hòa |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2017/NQ-HĐND |
Thái Nguyên, ngày 08 tháng 12 năm 2017 |
NGHỊ QUYẾT
THÔNG QUA ĐỀ ÁN “QUẢN LÝ VÀ XÂY DỰNG HỆ THỐNG GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM GIAI ĐOẠN 2018-2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN”
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
KHÓA XIII, KỲ HỌP THỨ 6
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 15/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
Căn cứ Thông tư 285/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí trong công tác thú y;
Xét Tờ trình số 198/TTr-UBND ngày 21/11/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc thông qua Đề án “Quản lý và xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Đề án “Quản lý và xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”, với các nội dung chính như sau:
1. Mục tiêu
a) Giai đoạn 2018 - 2020: Giảm 30% số hộ giết mổ động vật tại hộ kinh doanh, hộ chăn nuôi; phấn đấu 100% cơ sở giết mổ và các điểm kinh doanh sản phẩm động vật được cấp phép theo quy định; 100% các chợ, siêu thị thuộc các phường trung tâm thành phố, thị xã và thị trấn các huyện có kinh doanh sản phẩm động vật bắt buộc phải có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y; hình thành 06 cơ sở giết mổ động vật tập trung và 21 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh.
b) Giai đoạn 2021 - 2030: Xóa bỏ hoàn toàn hình thức giết mổ động vật, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không đúng quy định; 100% cơ sở giết mổ động vật được cơ quan Thú y kiểm soát giết mổ; 100% số chợ, siêu thị kinh doanh sản phẩm động vật có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y; hình thành thêm 13 cơ sở giết mổ động vật tập trung và 49 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ và xây dựng được ít nhất 01 cơ sở giết mổ động vật tập trung công nghiệp gắn với bảo quản phục vụ xuất khẩu.
2. Nhiệm vụ
a) Nhiệm vụ quản lý Nhà nước: Thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, đào tạo tập huấn về quản lý hoạt động giết mổ động vật, kinh doanh sản phẩm động vật đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; thực hiện quản lý nhà nước đối với cơ sở giết mổ động vật và các cơ sở kinh doanh sản phẩm động vật theo quy định của pháp luật.
b) Xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ động vật: Thực hiện quy hoạch, bố trí đất đai cho các cơ sở giết mổ động vật tập trung (diện tích tối thiểu 10.000 m2/cơ sở) và các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ (diện tích tối thiểu 500 m2/cơ sở); quy định công suất giết mổ tối thiểu phải đạt đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung, nhỏ lẻ, hỗn hợp.
c) Xây dựng chuỗi sản xuất chăn nuôi gắn với giết mổ tiêu thụ sản phẩm: Đến năm 2030 hình thành trên 50 chuỗi hợp tác, liên kết chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm.
3. Các giải pháp
a) Về thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, đào tạo tập huấn: Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật bằng nhiều hình thức cho các tổ chức, cá nhân chăn nuôi, giết mổ, buôn bán sản phẩm động vật và người tiêu dùng chấp hành nghiêm chỉnh Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thú y; chấp hành những quy định của chính quyền địa phương về giết mổ, buôn bán sản phẩm động vật; sử dụng sản phẩm động vật có nguồn gốc an toàn, được kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y.
b) Về quy hoạch địa điểm, bố trí đất đai xây dựng cơ sở giết mổ động vật: Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm quy hoạch địa điểm đưa vào kế hoạch sử dụng đất của địa phương để xây dựng cơ sở giết mổ; đất dành cho xây dựng cơ sở giết mổ động vật phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, quy hoạch xây dựng nông thôn mới; cơ sở giết mổ động vật phải tuân thủ quy định tại khoản 1, 2 Điều 69 của Luật thú y; cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật tuân thủ khoản 3 Điều 69 của Luật Thú y.
c) Về khoa học, công nghệ
Công nghệ giết mổ và bảo quản sau giết mổ: Tùy thuộc vào quy mô, công suất giết mổ động vật, chủ đầu tư lựa chọn công nghệ giết mổ động vật, quy trình vận hành, bảo quản, vận chuyển sản phẩm động vật cho phù hợp đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và hiệu quả kinh tế. Khuyến khích các cơ sở giết mổ động vật tập trung áp dụng quy trình công nghệ "giết mổ treo"; giết mổ gắn với sơ chế "pha lóc"; giết mổ gắn với bảo quản lạnh; công nghệ giết mổ gắn với công nghệ xử lý môi trường.