Nghị quyết 109/NQ-CP về phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2018

Số hiệu 109/NQ-CP
Ngày ban hành 23/08/2018
Ngày có hiệu lực 23/08/2018
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 109/NQ-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 08 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ CHUYÊN ĐỀ VỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT THÁNG 8 NĂM 2018

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các Thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật ngày 16 tháng 8 năm 2018,

QUYẾT NGHỊ:

1. Về nhiệm vụ xây dựng thể chế, pháp luật:

Chính phủ khẳng định xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, Chính phủ đặc biệt coi trọng việc rà soát, sửa đổi các bất cập, vướng mắc tại các quy định pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch năm 2018 và các năm tiếp theo.

2. Về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi):

Dự án Luật Đầu tư công được ban hành nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế trong quản lý hoạt động đầu tư công, tạo hành lang pháp lý cho quản lý hoạt động đầu tư công chặt chẽ, hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí. Tuy nhiên, trong triển khai thi hành Luật với phương thức quản lý mới đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, hạn chế, gây khó khăn cho quản lý, Điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, làm chậm tiến độ hoạt động đầu tư công. Việc sửa đổi, bổ sung Luật này đặt ra yêu cầu vừa phải bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, hiệu quả dự án đầu tư công, gắn kế hoạch đầu tư công trong tổng thể cân đối nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm an toàn nợ công và tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách. Đồng thời, mục tiêu sửa đổi, bổ sung Luật phải giải quyết được căn bản những vướng mắc, bất cập của Luật Đầu tư công hiện hành; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các dự án đầu tư công và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; phân cấp mạnh về thẩm quyền gắn với xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động đầu tư công, có chế tài xử lý nghiêm đối với vi phạm pháp luật đầu tư công; bảo đảm tính đồng bộ của Luật này trong hệ thống pháp luật.

Chính phủ đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ trong việc nghiên cứu toàn diện, đồng bộ các vướng mắc, bất cập của Luật Đầu tư công, tiến hành lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, cơ quan, địa phương; tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, hoàn thiện dự án Luật, trình Chính phủ. Chính phủ thống nhất Điều chỉnh tên gọi dự án Luật thành dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục cập nhật, hoàn thiện các nội dung tổng kết thi hành luật, đánh giá tác động bổ sung đối với các chính sách cụ thể hóa các nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ thông qua tại Tờ trình số 127/TTr-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ trình Quốc hội; tiếp thu ý kiến Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, tập trung vào một số nhóm vấn đề sau:

- Về phạm vi áp dụng Luật: bổ sung quy định áp dụng pháp luật về thẩm quyền quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư công thực hiện ở nước ngoài để có cơ sở pháp lý thực hiện và giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện; bổ sung quy định rõ phạm vi áp dụng pháp luật đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

- Về khái niệm, phân loại vốn đầu tư công: rà soát quy định phân loại vốn đầu tư công, trọng tâm là quản lý nguồn vốn đầu tư phát triển trong cân đối ngân sách nhà nước và nguồn vốn khác chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước; chỉnh lý khái niệm vốn đầu tư công, phân loại nguồn vốn bảo đảm đồng bộ về khái niệm, phạm vi, tính chất nguồn vốn giữa Luật này với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các luật chuyên ngành khác,...; có quy định phân cấp quản lý phù hợp đối với tính chất từng nguồn vốn, đồng bộ với nhiệm vụ chi, quy trình lập, phê duyệt dự toán ngân sách nhà nước. Đối với nguồn vốn đầu tư công khác chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước cần có quy trình riêng, đơn giản để dễ thực hiện hoặc luật chỉ quy định nguyên tắc, giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện.

- Về nguồn vốn đầu tư công phục vụ công tác lập quy hoạch và nguồn vốn chuẩn bị dự án đầu tư công: nghiên cứu hoàn thiện quy định theo hướng bố trí tỷ lệ vốn nhất định trong kế hoạch đầu tư công cho các nhiệm vụ này để bảo đảm hoàn thành công tác chuẩn bị dự án cho giai đoạn tiếp theo; hoàn thiện quy định thẩm quyền, trình tự thủ tục đối với dự án sử dụng nguồn vốn ở nhiều cấp ngân sách, giải ngân nguồn vốn ODA, sử dụng vốn dự phòng, ứng trước vốn chuẩn bị đầu tư; rà soát quy định về trình tự lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án có cấu phần xây dựng bảo đảm đồng bộ về nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quản lý nhà nước về vốn đầu tư công và dự án đầu tư xây dựng, quy định rõ đầu mối cơ quan chủ trì, cơ chế phối hợp thẩm định, quyết định, bảo đảm không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, đồng bộ với pháp luật liên quan.

- Về phân loại dự án: quy định rõ hơn phân loại dự án có cấu phần xây dựng và dự án không có cấu phần xây dựng; xác định tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia trên cơ sở phân tích kỹ, bổ sung đánh giá tác động cụ thể về đề nghị nâng tiêu chí vốn dự án quan trọng quốc gia lên 35.000 tỷ đồng trên cơ sở tỷ lệ % GDP; rà soát, sửa đổi, bổ sung tiêu chí, thẩm quyền đối với dự án nhóm A, B, C phù hợp với tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.

- Về phân cấp, thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước: tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định bảo đảm yêu cầu phân cấp mạnh cho các Bộ, cơ quan, địa phương gắn với trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan theo nguyên tắc cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương, quyết định đầu tư là cấp có thẩm quyền Điều chỉnh và chịu trách nhiệm; tích hợp thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn vào quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư; bổ sung quy định về chế độ báo cáo, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, tăng cường hậu kiểm, kiểm toán, kiểm tra, thanh tra, chế tài nghiêm trong xử lý vi phạm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương quản lý nhà nước về đầu tư công; nghiên cứu quy định trong dự án Luật này việc phân cấp thẩm quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân giữa 2 Kỳ họp Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định các nội dung liên quan đến đầu tư công thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân theo luật hiện hành và báo cáo Hội đồng nhân dân tại Kỳ họp gần nhất.

- Về quy định chuyển tiếp: rà soát, hoàn thiện, bổ sung quy định chuyển tiếp áp dụng đối với các dự án đang thực hiện theo Luật hiện hành, dự án có sự Điều chỉnh làm thay đổi tiêu chí, phân loại dự án, mục tiêu, tổng mức đầu tư để tháo gỡ vướng mắc do thay đổi pháp luật qua các thời kỳ.

- Về tính đồng bộ giữa Luật Đầu tư công và các luật chuyên ngành có liên quan: bổ sung quy định để xử lý vướng mắc tại điểm a, Khoản 2, Điều 25, Luật Bảo vệ môi trường về thời điểm phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường ngay tại Luật này theo hướng áp dụng quy định tại Luật Đầu tư công hiện hành, tại giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư chỉ cần đánh giá sơ bộ tác động về môi trường; báo cáo đánh giá tác động môi trường được lập tại giai đoạn quyết định đầu tư dự án; đồng thời, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ hướng dẫn nội dung đánh giá sơ bộ tác động về môi trường. Bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật để có cơ sở Điều hành chủ động, linh hoạt trong khuôn khổ quy định của Luật; rà soát, chỉnh lý các quy định bảo đảm tính đồng bộ của Luật này với các luật liên quan trong hệ thống pháp luật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội dự án Luật này.

3. Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch:

Việc rà soát, sửa đổi các luật có quy định liên quan đến quy hoạch theo hướng: chỉ sửa đổi những nội dung của các luật liên quan đến quy hoạch, bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch năm 2017; sửa đổi tên các quy hoạch để bảo đảm thống nhất với các danh mục quy hoạch quy định trong Luật Quy hoạch; thống nhất về nội dung quy hoạch; bãi bỏ các quy hoạch về phát triển hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ cụ thể đang cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện quy hoạch; đồng thời nghiên cứu, thay thế bằng các biện pháp, công cụ quản lý nhà nước cần thiết, phù hợp, đặc biệt là công tác thông tin, dự báo; bảo đảm các mục tiêu, yêu cầu về chính sách quản lý nhà nước của các ngành, bảo đảm tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Việc lập các quy hoạch khu chức năng cần bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, mỗi khu chức năng chỉ có một quy hoạch chung; quy hoạch các khu chức năng đặc thù thì áp dụng pháp luật chuyên ngành, còn các khu chức năng khác liên quan nhiều đến hoạt động xây dựng thì áp dụng pháp luật xây dựng. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành, bảo đảm nguyên tắc tích hợp đầy đủ, thống nhất các nội dung chuyên ngành (các quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải và các lĩnh vực khác) trong nội dung quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia, phù hợp với hệ thống quy hoạch quy định trong Luật Quy hoạch. Đồng thời, phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, cơ quan trong việc chủ trì, phối hợp tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch để bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện các loại quy hoạch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình ý kiến các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan liên quan, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung vào Chương trình xây dựng, luật pháp lệnh năm 2018 dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung các pháp lệnh có quy định liên quan đến quy hoạch; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan soạn thảo dự án Pháp lệnh nói trên trình Chính phủ cho ý kiến tại Phiên họp thường kỳ tháng 10 năm 2018 để trình UBTVQH xem xét, thông qua, bảo đảm thi hành đồng bộ với Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

4. Về kết quả kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật năm 2017:

Các Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương tự rà soát, xử lý triệt để đối với văn bản trái pháp luật đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản kết luận theo đúng quy định pháp luật, gửi Bộ Tư pháp trước ngày 30 tháng 11 năm 2018.

Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện xử lý văn bản trái pháp luật, tổng hợp kết quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có hình thức công khai thông tin phù hợp, tránh tác động xã hội tiêu cực về kết quả xử lý văn bản.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ