HỘI ĐỒNG CHÍNH
PHỦ
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 109-CP
|
Hà Nội, ngày 12
tháng 3 năm 1981
|
NGHỊ QUYẾT
CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 109-CP NGÀY 12 THÁNG 3 NĂM 1981 VỀ
NHIỆM VỤ, PHƯƠNG HƯỚNG, CHỦ TRƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN CÔNG TÁC DẠY NGHỀ
Trong hơn 25 năm qua, công tác dạy
nghề ngày càng phát triển và đã đạt được một số thành tích đáng kể.
Bộ máy quản lý công tác dạy nghề
và hệ thống các trường, lớp dạy nghề đã phát triển nhanh chóng. Đội ngũ cán bộ
quản lý và giáo viên các trường, lớp dạy nghề cũng dần dần trưởng thành theo sự
phát triển của hệ thống trường, lớp dạy nghề. Nội dung đào tạo trong các trường,
lớp dạy nghề đã từng bước cải tiến theo yêu cầu toàn diện chính trị - đạo đức,
văn hoá - kỹ thuật, tay nghề và sức khỏe. Nhiều trường đã áp dụng có kết quả
phương pháp thực tập kết hợp với sản xuất, do đó đã nâng cao một bước chất lượng
đào tạo, góp phần làm ra sản phẩm có ích cho xã hội, tạo thêm điều kiện để xây
dựng cơ sở vật chất và cải thiện đời sống cho nhà trường. Đội ngũ công nhân được
đào tạo ra đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước,
cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Song, trước yêu cầu của giai đoạn
cách mạng mới, công tác dạy nghề còn nhiều thiếu sót và nhược điểm:
Mạng lưới trường, lớp trước đây
hình thành theo yêu cầu riêng của từng ngành, từng địa phương, chưa được phân
công, sắp xếp hợp lý; cơ cấu ngành nghề đào tạo thiếu cấn đối; cơ sở vật chất kỹ
thuật của phần lớn các trường, lớp dạy nghề còn kém, đội ngũ giáo viên còn thiếu
và yếu về nghiệp vụ sư phạm.
Nội dung và phương pháp đào tạo,
kể cả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong nhiều trường dạy nghề chưa
quán triệt mục tiêu và nguyên lý giáo dục. Nội dung đào tạo nhiều nơi còn nặng
nề, ít thiết thực hoặc không đầy đủ. Phương pháp đào tạo còn thiếu khoa học.
Hệ thống quản lý ngành dạy nghề
từ trên xuống dưới còn yếu.
Sở dĩ có những nhược điểm và thiếu
sót nói trên chủ yếu là do các ngành các cấp chưa nhận thức đầy đủ về vị trí và
tầm quan trọng của công tác dạy nghề; ngành dạy nghề chưa được kiện toàn và
chưa được coi là một ngành giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất;
việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các trường dạy nghề chưa đúng
mức, đồng thời các ngành, các cấp chưa biết kết hợp Nhà nước với nhân dân trong
việc xây dựng và phát triển công tác dạy nghề; công tác nghiên cứu khoa học dạy
nghề chưa được coi trọng; việc chỉ đạo công tác dạy nghề của các ngành, các cấp
còn thiếu sâu sát và kịp thời.
Để quán triệt nghị quyết của Bộ
Chính trị và cải cách giáo dục, trong thời gian 5 - 10 năm tới các ngành, các cấp
cần chuyển hướng công tác dạy nghề theo phương hướng và nội dung cải cách sau
đây:
1. Các ngành,
các cấp phải coi công tác giáo dục nghề nghiệp là bộ phận quan trọng của các mạng
tư tưởng và văn hoá, khoa học và kỹ thuật; là bộ phận hữu cơ của hệ thống giáo
dục quốc dân thống nhất; là nguồn bổ sung lực lượng mới cho giai cấp công nhân
- động quân chủ lực của sự nghiệp công nghiệp hoá đất nước, cơ sở xã hội quan
trọng nhất của chuyên chính vô sản.
Chức năng chủ yếu của ngành dạy
nghề là đào tạo và bồi dưỡng công nhân, nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ. Ngoài
ra, còn có nhiệm vụ phối hợp với các trường phổ thông, các cơ sở sản xuất, các
cơ quan quản lý khoa học - kỹ thuật giúp học sinh phổ thông học tập kỹ thuật và
góp phần phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật trong nhân dân lao động.
Ngành dạy nghề có nhiệm vụ đào tạo
và bồi dưỡng với quy mô ngày càng lớn một đội ngũ công nhân, nhân viên kỹ thuật,
nghiệp vụ đồng bộ về ngành nghề, có phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng,
có trình độ tay nghề thành thạo, biết lao động có kỷ luật, đạt năng suất cao,
có tác phong đại công nghiệp và có sức khỏe thích hợp với ngành nghề, đáp ứng
yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
2. Trong 5-10
năm tới, phương hướng phát triển công tác dạy nghề như sau:
a) Từng bước bảo đảm cơ cấu
ngành nghề cân đối và đồng bộ với cơ cấu và tốc độ phát triển nền kinh tế quốc
dân, nhằm phục vụ cả lĩnh vực sản xuất, lưu thông và dịch vụ, chú trọng đào tạo
các nghề phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng và xuất
khẩu, đồng thời đào tạo có chất lượng cao các nghề phục vụ sản xuất điện, than,
dầu khí, cơ khí, xây dựng, giao thông vận tải..., vừa đào tạo lao động có kỹ
thuật sử dụng thiết bị hiện đại, đáp ứng tiến bộ kỹ thuật của các ngành sản xuất,
vừa đào tạo lao động kỹ thuật thủ công hoặc sử dụng công cụ nửa cơ khí thích hợp
với trình độ sản xuất hiện nay của từng ngành nghề, từng địa phương.
b) Đào tạo và bồi dưỡng nghề
nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu phân bổ lại lao động và bố trí lại sản xuất ở
cả thành thị và nông thôn, miền xuôi và miền núi, kinh tế trung ương và kinh tế
địa phương, kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, chú trọng đáp ứng yêu cầu của
cấp huyện. Trong những năm trước mắt phải hướng mạnh công tác đào tạo cho khu vực
kinh tế tập thể.
c) Đặc biệt chú trọng nâng cao
chất lượng đào tạo, hết sức tạo mọi điều kiện bảo đảm chất lượng theo mục tiêu
đào tạo của từng ngành nghề cụ thể.
d) Vừa đào tạo mới, vừa tích cực
bồi dưỡng không ngừng nâng cao trình độ cho công nhân, nhân viên kỹ thuật nghiệp
vụ đang sản xuất và công tác, mở rộng dần công tác dạy nghề cho thanh thiếu
niên sắp đến tuổi lao động và những người lao đồng chưa có nghề hoặc cần chuyển
nghề theo yêu cầu mới.
e) Đi đôi với đào tạo trong nước
cần tranh thủ gửi người đi đào tạo và bồi dưỡng nghề nghiệp ở các nước anh em
chủ yếu là những ngành nghề mới, những ngành nghề sử dụng thiết bị hiện đại mà
trong nước chưa có điều kiện đào tạo tốt.
3. Trong thời
gian tới ngành dạy nghề cần thực hiện 3 nội dung chủ yếu sau đây của công tác cải
cách giáo dục.
a) Từng bước hoàn chỉnh cơ cấu hệ
thống trường, lớp dạy nghề:
Hệ thống trường lớp dạy nghề phải
kế tục hệ thống giáo dục phổ thông ở các cấp học, tạo điều kiện cho thanh thiếu
niên được học nghề trước khi đi vào lao động, bảo đảm xây dựng một đội ngũ công
nhân, nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ đồng bộ về ngành nghề và trình độ theo yêu
cầu phát triển kinh tế và tiến bộ khoa học - kỹ thuật; bảo đảm cho mọi người
lao động có điều kiện thuận lợi được học nghề bằng nhiều hình thức linh hoạt đa
dạng. Trường, lớp dạy nghề phải gắn với các vùng kinh tế, các khu công nghiệp,
các cơ sở sản xuất.
Các trường, lớp dạy nghề có mục
tiêu và nội dung đào tạo hoàn chỉnh chia thành hai loại chính sau đây:
- Trường, lớp dạy nghề tuyển
thanh thiếu niên có trình độ văn hoá phổ thông cơ sở để đào tạo thành công nhân
nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ với thời gian đào tạo từ 12 đến 36 tháng tuỳ theo
yêu cầu của từng ngành nghề cụ thể;
- Trường, lớp dạy nghề tuyển
thanh thiếu niên có trình độ văn hoá phổ thông trung học để đào tạo thành công
nhân, nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ cho những ngành nghề có yêu cầu kỹ thuật phức
tạp, đòi hỏi phải có trình độ văn hoá trung học, thời gian đào tạo từ 12 đến 36
tháng tuỳ theo yêu cầu của từng ngành nghề cụ thể.
Ngoài hai loại trường ở trên có
loại trường dành cho những người lao động chưa được học nghề, chủ yếu là dạy
các nghề tương đối giản đơn hoặc học theo một chương trình giản đơn với thời
gian đào tạo từ 12 tháng trở xuống. Ở các huyện , quận, thị xã tổ chức các
trung tâm dạy nghề để dạy nghề rộng rãi cho thanh thiếu niên và nhân dân lao động
bằng nhiều phương thức thích hợp.
Trong những năm tới, tổ chức thí
điểm trường dạy nghề trung học (vừa dạy nghề, vừa học văn hóa đến bậc trung học)
để rút kinh nghiệm.
Mở những trường, lớp dạy những
nghề đặc biệt cho thương binh và người tàn tật.
Các trường dạy nghề, đặc biệt là
trường của xí nghiệp có nhiệm vụ vừa đào tạo, vừa bồi dưỡng nâng cao trình độ
cho công nhân, nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ. Các xí nghiệp liên hiệp, các xí
nghiệp nhất thiết phải tổ chức các lớp bồi dưỡng cho công nhân, nhân viên kỹ
thuật, nghiệp vụ của mình bằng hình thức tập trung, nửa tập trung hoặc tại chức.
Bên cạnh hệ thống trường lớp dạy
nghề của Nhà nước, Nhà nước khuyến khích giúp đỡ các hợp tác xã thủ công nghiệp
mở các trường lớp dạy các nghề thủ công, nhất là các nghề có truyền thống nghệ
thuật dân gian; cho phép tư nhân có tay nghề giỏi mở các lớp dạy nghề thủ công,
dịch vụ sửa chữa.... theo sự quản lý của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, huyện.
b) Cải cách nội dung đào tạo nghề
nghiệp.
Nội dung đào tạo phải toàn diện
chính trị và đạo đức, văn hóa và kỹ thuật, rèn luyện tay nghề, bồi dưỡng sức khỏe,
trong đó rèn luyện tay nghề là yêu cầu chính. Về tay nghề, trên cơ sở những hiểu
biết về công nghệ học và tổ chức sản xuất, phải chú trọng rèn luyện kỹ năng vận
hành và thao tác đúng quy cách, kỹ năng xử lý kịp thời những hỏng hóc thông thường
để đảm bảo sản xuất liên tục, kỹ năng tổ chức lao động một cách khoa học và tác
phong đại công nghiệp.
Trên cở sở mục tiêu và nội dung
đào tạo cụ thể của từng nghề, Tổng cục dạy nghề phải có kế hoạch tổ chức và chỉ
đạo việc biên soạn kế hoạch giảng dạy, chương trình môn học và giáo trình thống
nhất cho các trường, lớp dạy nghề của Nhà nước.
c) Cải cách phương pháp đào tạo
trong các trường, lớp dạy nghề.
Đối với trường, lớp dạy nghề, nhất
thiết phải kết hợp học với hành, giáo dục với lao động, sản xuất theo ngành nghề,
gắn liền nhà trường với cơ sở sản xuất, đặc biệt cần thực hiện kết hợp thực tập
tay nghề với sản xuất ra của cải vật chất bằng nhiều hình thức linh hoạt. Các
cơ sở sản xuất có trách nhiệm, tạo điều kiện cho các trường lớp tiến hành thực
tập kết hợp với sản xuất theo đúng ngành nghề đào tạo.
Thực hiện phương pháp đào tạo mới
đòi hỏi giải quyết đồng bộ những vấn đề từ mục tiêu, nội dung, giáo viên, cơ sở
vật chất kỹ thuật, v.v... Vì vậy, để xác định được các quy trình kết hợp hợp lý
nhất phải tiến hành thường xuyên việc xây dựng điển hình để rút kinh nghiệm.
Cần nghiên cứu sử dụng những
phương tiện giảng dạy và thông tin hiện đại, từng bước áp dụng các phương pháp
dạy học tiên tiến.
4. Một số chủ
trương và biện pháp.
Để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ
đã đề ra, cần tiến hành tốt các chủ trương, biện pháp dưới đây:
a) Xây dựng quy hoạch và kế hoạch
dạy nghề, quy hoạch mạng lưới trường và lớp dạy nghề.
Quy hoạch và kế hoạch đào tạo phải
dựa vào quy hoạch và kế hoạch kinh tế và là một bộ phận quan trọng của quy hoạch
và kế hoạch kinh tế.
Kế hoạch đào tạo dài hạn và hàng
năm phải gắn chặt với kế hoạch phát triển kinh tế và tiến bộ kỹ thuật, bảo đảm
cân đối chỉ tiêu đào tạo với khả năng đào tạo của các trường, lớp dạy nghề.
Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cùng với
Tổng cục dạy nghề hướng dẫn và giúp đỡ các ngành và địa phương xây dựng kế hoạch
đào tạo nghề, có sự phân công, phân cấp hợp lý giữa Trung ương và địa phương,
trong nội bộ mỗi ngành và giữa các ngành.
Cần kết hợp nhu cầu của các
ngành Trung ương và nhu cầu địa phương để sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới trường
dạy nghề trên địa bàn tỉnh, thành phố, khu công nghiệp, bảo đảm cho trường dạy
nghề có quy mô thích hợp và bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo.
Các xí nghiệp mới từ loại trung
bình (có khoảng từ 2000 đến 3000 công nhân) trở lên khi làm thiết kế xây dựng,
phải có hạng mục trường dạy nghề và coi hạng mục trường dạy nghề là một bộ phận
quan trọng trong cơ cấu thiết kế của công trình xây dựng xí nghiệp.
b) Đẩy mạnh đào tạo và bồi dưỡng
đội ngũ giáo viên dạy nghề.
Dựa vào quy hoạch, kế hoạch dạy
nghề mà làm quy hoạch và kế hoạch đào tạo và bỗi dưỡng các loại giáo viên. Trước
mắt, chú trọng đào tạo giáo viên cho các nghề đang còn thiếu như cơ khí nông
nghiệp, nghề cá, nghiệp vụ kinh tế, dịch vụ, v..v.. và các loại giáo viên chính
trị, thể dục thể thao, cán bộ quản lý nội trú, cán bộ chuyên trách công tác
đoàn.
Cần có sự phân công hợp lý giữa
Tổng cục dạy nghề và các Bộ, ngành trong việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên dạy
nghề.
Nhanh chóng cải tiến phương thức
đào tạo, sắp xếp và củng cố hệ thống trường, lớp đào tạo giáo viên dạy nghề,
bao gồm:
- Trường Cao đẳng sư phạm kỹ thuật
tuyển những người đã học nghề theo chương trình hoàn chỉnh, có tay nghề bậc 3/7
hoặc bậc tương đương trở lên, tốt nhất đã kinh qua sản xuất, có trình độ tốt
nghiệp phổ thông trung học để đạo tạo thành giáo viên dạy lý thuyết kỹ thuật
chuyên môn và có thể dạy cả thực hành.
- Trung trung học sư phạm kỹ thuật
tuyển sinh như đối tượng trên nhưng thời gian đào tạo ngắn hơn để đào tạo thành
giáo viên dạy thực hành. Có thể tổ chức lớp đào tạo giáo viên ngay trong các
trường dạy nghề đào tạo bậc thợ 3/7 hoặc bậc tương đương, bằng cách tuyển chọn
những học sinh tốt nghiệp loại giỏi, có năng khiếu giảng dạy để đào tạo thành
giáo viên dạy thực hành.
- Các khoa sư phạm trong các trường
Đại học kỹ thuật, nghiệp vụ đào tạo giáo viên dạy các môn kỹ thuật cơ sở và có
thể dạy lý thuyết kỹ thuật chuyên môn cho các trường dạy nghề.
Việc đào tạo giáo viên chính trị,
giáo viên thể dục thể thao, giáo viên văn hoá cho các trường dạy nghề do các trường
Đảng, trường thể dục thể thao, trường đại học hoặc cao đẳng sư phạm đảm nhiệm.
Các ngành, các địa phương phải hết
sức coi trọng việc chọn cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ giỏi, công nhân lành nghề,
các nghệ nhân có nghề truyền thống làm giáo viên chuyên trách hoặc kiêm chức
trong các trường, lớp dạy nghề. Những người được cử làm giáo viên dạy nghề nhất
thiết phải qua bồi dưỡng về sư phạm.
Đi đôi với đào tạo, bồi dưỡng
giáo viên ở trong nước, cần tiếp tục gửi đi đào tạo và bồi dưỡng ở ngoài nước.
Cần ban hành và thực hiện tốt
các chính sách, chế độ đối với giáo viên dạy nghề nhằm huy động được những cán
bộ kỹ thuật, nghiệp vụ giỏi và những công nhân lành nghề ưu tú, các nghệ nhân
vào làm công tác dạy nghề.
c) Xây dựng cơ sở vật chất - kỹ
thuật trường dạy nghề.
Tổng cục dạy nghề cùng các ngành
tổ chức thiết kế định hình các loại trường, xây dựng tiêu chuẩn, định mức trang
bị kỹ thuật, định mức sử dụng vật tư trong mối quá trình đào tạo các nghề, bảo
đảm yêu cầu cần thiết cho các trường dạy nghề đào tạo có chất lượng. Nhà nước
coi việc đầu tư cho dạy nghề như một loại đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật
của nền kinh tế nhằm tạo ra nguồn lao động có kỹ thuật cho xã hội.
Cần kết hợp đầu tư của Nhà nước
với sự đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, của nhân dân, của cả thầy giáo và
học sinh trong việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các trường lớp dạy
nghề.
Các ngành quản lý sản xuất, các
địa phương có thể giao cho các xí nghiệp sản xuất hoặc tổ chức sản xuất ngay
trong các trường dạy nghề các thiết bị, dụng cụ, đồ nghề, đồ dùng dạy học để chủ
động giải quyết một phần khó khăn cho các trường. Ngành dạy nghề cần tổ chức cơ
sở sản xuất thiết bị, đồ nghề, học cụ cho các trường dạy nghề.
Các trường dạy nghề cần tích cực
xây dựng cơ sở cho học sinh thực tập, đồng thời các cơ sở sản xuất có trách nhiệm
tạo điều kiện để học sinh đến thực tập sản xuất ở cơ sở mình.
Tổng cục dạy nghề có trách nhiệm
tổng hợp kế hoạch toàn ngành về nhu cầu thiết bị, vật tư, kinh phí cho khu vực
dạy nghề, đồng thời tổ chức việc phân phối và hướng dẫn việc sử dụng các vật
tư, thiết bị và kinh phí đó.
Tổng cục dạy nghề thống nhất quản
lý kế hoạch xây dựng trường dạy nghề theo đúng quy chế của Nhà nước. Việc tiếp
nhận và xây dựng các trường do nước ngoài viện trợ phải được Uỷ ban Kế hoạch
Nhà nước và Tổng cục dạy nghề nhất trí và đưa vào kế hoạch chung.
d) Xây dựng trường dạy nghề kiểu
mẫu.
Cần tổng kết kinh nghiệm của các
trường dạy nghề tiên tiến và nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để xây dựng những
trường dạy nghề kiểu mẫu.
Tổng cục dạy nghề cùng với các
ngành các địa phương đặt kế hoạch cụ thể xây dựng các trường tiên tiến thành những
trường kiểu mẫu, thành những mô hình về từng loại trường tiêu biểu cho toàn
ngành dạy nghề. Mỗi ngành, mỗi địa phương ít nhất phải xây dựng một trường kiểu
mẫu cho ngành, địa phương mình.
Từ mô hình của các trường kiểu mẫu
mà từng bước củng cố và phát triển toàn bộ hệ thống các trường, lớp dạy nghề một
cách vững chắc.
e) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu
khoa học dạy nghề.
Trước mắt, cần tập trung giải
quyết một cách có cơ sở khoa học những vấn đề do cải cách giáo dục đề ra cho
ngành dạy nghề như danh mục ngành nghề đào tạo, mục tiêu đào tạo, cơ cấu hệ thống
nội dung, phương pháp đào tạo và những vấn đề khác theo kế hoạch của Uỷ ban cải
cách giáo dục Trung ương.
Về lâu dài, cần có kế hoạch giải
quyết từng bước những vấn đề cơ bản về khoa học giáo dục nghề nghiệp, về việc
hình thành người công nhân mới xã hội chủ nghĩa ở nước ta, về giáo dục chủ
nghĩa cộng sản cho học sinh học nghề.
Cần đi sâu nghiên cứu các điển hình
tiên tiến trong ngành, tổng kết kinh nghiệm và rút ra những kết luận khoa học về
giáo dục nghề nghiệp phù hợp với đặc điểm nước ta. Kết hợp những thành tựu mới
nhất của khoa học thế giới với kinh nghiệm thực tiễn của trường, lớp dạy nghề
nước ta.
Kiện toàn viện khoa học dạy nghề.
g) Kiện toàn tổ chức quản lý và
tăng cường công tác quản lý dạy nghề.
Tổng cục dạy nghề có trách nhiệm
thống nhất quản lý công tác đào tạo và công tác bổ túc, bồi dưỡng nghề nghiệp
cho công nhân, nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ đang sản xuất và công tác.
Cần kiện toàn Tổng cục dạy nghề
để có đủ năng lực giúp Chính phủ quản lý và chỉ đạo chặt chẽ toàn ngành dạy nghề.
Các Bộ và Tổng cục có quản lý
nhiều trường cần củng cố và tăng cường bộ phận chuyên trách giúp Bộ và Tổng cục
theo dõi và chỉ đạo tốt công tác dạy nghề.
Ở các tỉnh và thành phố trực thuộc
Trung ương phải tổ chức bộ máy chuyên trách về công tác giáo dục chuyên nghiệp ở
địa phương.
Ở các huyện, ban giáo dục huyện
phải giúp Uỷ ban nhân dân huyện tổ chức chỉ đạo cả công tác dạy nghề.
Ngành dạy nghề cần nghiên cứu bổ
sung, sửa đổi và ban hành các quy chế, chính sách, chế độ đối với công tác dạy
nghề, sớm có quy chế, điều lệ trường dạy nghề. Tiêu chuẩn hoá cán bộ và tiến
hành bồi dưỡng cán bộ của ngành dạy nghề, tổ chức tốt công tác thanh tra, kiểm
tra; cải tiến công tác thông tin, thống kê và kế hoạch; coi trọng công tác tổng
kết và phổ biến kinh nghiệm của các điển hình tiên tiến. Đẩy mạnh phong trào
thi đua hai tốt, tổ chức tốt đời sống trong các trường dạy nghề.
Thực hiện cải cách công tác tuyển
sinh nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, bảo đảm công bằng hợp lý, bảo đảm quyền
làm chủ tập thể của nhân dân lao động; phải gắn kế hoạch tuyển sinh với kế hoạch
phân phối sử dụng sau khi đào tạo, gắn với hướng phân bổ và phân công lại lao động
trong từng ngành, từng địa phương và trong cả nước. Cần phối hợp với ngành giáo
dục phổ thông trong công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.
Tổng cục dạy nghề phải giúp
Chính phủ chỉ đạo và quản lý thống nhất công tác tuyển sinh học nghề trong nước
và trực tiếp phụ trách việc tuyển chọn và tổ chức đưa đi học nghề ở ngoài nước.
Để tăng cường quản lý công tác dạy
nghề, các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần phân công một
cán bộ lãnh đạo phụ trách công tác dạy nghề trong ngành hoặc địa phương; mỗi
năm một lần phải kiểm điểm, đánh giá công tác dạy nghề, đề ra nhiệm vụ, chủ
trương đối với công tác này.
Các ngành, các cấp cần nhận rõ vị
trí quan trọng của công tác dạy nghề, tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo và quản
lý, tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh nghị quyết này.
Tổng cục dạy nghề phối hợp với
các cơ quan có liên quan, có kế hoạch cụ thể hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các
ngành, các cấp thi hành Nghị quyết này.