Nghị quyết 08B-NQ/HNTW về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành

Số hiệu 08B-NQ/HNTW
Ngày ban hành 27/03/1990
Ngày có hiệu lực 27/03/1990
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Nguyễn Văn Linh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG ĐẢNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 08B-NQ/HNTW

Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 1990

 

NGHỊ QUYẾT
HỘI NGHỊ LẦN THỨ TÁM
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHOÁ VI)

VỀ ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUẦN CHÚNG CỦA ĐẢNG, TĂNG CƯỜNG MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐẢNG VÀ NHÂN DÂN

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH VÀ QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUẦN CHÚNG

1. Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân ta đoàn kết chiến đấu làm Cách mạng Tháng Tám thành công, kháng chiến thắng lợi, giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Thành tựu vĩ đại nói trên bắt nguồn từ chỗ Đảng ta có đường lối chính trị đúng đắn được nhân dân ủng hộ, có đội ngũ cán bộ và đảng viên tiền phong chiến đấu, gắn bó chặt chẽ với nhân dân. Quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân đã trở thành nguồn sức mạnh và truyền thống vô cùng quý báu của cách mạng Việt Nam.

Từ khi Đảng lãnh đạo chính quyền trên phạm vi cả nước, mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân bị giảm sút, có lúc có nơi khá nghiêm trọng. Bên cạnh số đông cán bộ, đảng viên vẫn giữ được phẩm chất cách mạng và gắn bó với nhân dân, một bộ phận cán bộ, đảng viên mang nặng bệnh quan liêu, mệnh lệnh, xa rời quần chúng, chuyên quyền độc đoán, ức hiếp nhân dân, tham ô, hối lộ, sống xa hoa, lãng phí. Các đoàn thể quần chúng cũng bị quan liêu hoá, hành chính hoá, không đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tập hợp các tầng lớp nhân dân; không ít tổ chức cơ sở hoạt động thất thường hoặc không hoạt động, nhiều đoàn viên, hội viên không tha thiết gắn bó với đoàn thể của mình.

Hậu quả là làm giảm nhiệt tình cách mạng và hạn chế việc phát huy khả năng to lớn của nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng Đảng, bộ máy Nhà nước và các đoàn thể quần chúng.

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình nói trên là do một mặt, Đảng và Nhà nước ta có những sai lầm và khuyết điểm trong việc lãnh đạo và quản lý các mặt của đời sống xã hội, nhất là trong một số chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; mặt khác, công tác vận động quần chúng của Đảng chưa đổi mới phù hợp với yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới; chưa đấu tranh có hiệu quả chống bệnh quan liêu và tệ tham nhũng trong điều kiện đảng lãnh đạo chính quyền.

Ba năm qua, đường lối đổi mới do Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra được nhân dân đồng tình và ủng hộ, đã đem lại những kết quả bước đầu quan trọng về nhiều mặt, nhất là về kinh tế, gây niềm phấn khởi và tin tưởng trong nhân dân. Sinh hoạt dân chủ trong xã hội được mở rộng và sự đổi mới một bước về tổ chức và hoạt động của Đảng, chính quyền và các đoàn thể đã khơi dậy được tính tích cực, sáng tạo của nhân dân.

Tuy nhiên công tác quần chúng của Đảng vẫn chưa được đổi mới một cách căn bản.

2. Để đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, cần quán triệt những quan điểm chỉ đạo sau đây:

Một là, cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân. Chúng ta cần tiếp tục phát huy khả năng to lớn của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh của cộng đồng dân tộc, phấn đấu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, vì hạnh phúc của nhân dân. Nền tảng của khối đoàn kết toàn dân, là giai cấp công nhân, nông dân lao động và trí thức xã hội chủ nghĩa. Sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước là nhằm thực hiện và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Nhân dân coi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội, xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh là sự nghiệp của chính mình. Mặt khác, nhân dân chủ động xây dựng khối đoàn kết toàn dân vững chắc, đấu tranh với những hiện tượng không lành mạnh trong nội bộ nhân dân, tích cực thực hiện đường lối của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và các chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Hai là, động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hoà các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ công dân.

Trong xã hội do nhân dân làm chủ, lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích xã hội gắn chặt và thống nhất với nhau, trong đó lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp. Công tác vận động và tổ chức nhân dân chỉ có thể thành công nếu trước hết bảo vệ và đáp ứng được trên thực tế lợi ích thiết thân của người dân, từ đó kết hợp hài hoà các lợi ích, gắn chặt quyền lợi và nghĩa vụ công dân. Việc giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng chính trị và phẩm chất đạo đức của con người mới xã hội chủ nghĩa được tiến hành đi đôi với bảo đảm lợi ích vật chất và tinh thần của nhân dân; đồng thời khắc phục tư tưởng coi nhẹ lợi ích tập thể và xã hội, chỉ thấy quyền lợi mà quên nghĩa vụ công dân hoặc ngược lại.

Ba là, các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng.

Cùng với các đoàn thể chính trị - xã hội, trong giai đoạn mới cần thành lập những tổ chức quần chúng đáp ứng nhu cầu chính đáng về nghề nghiệp và đời sống của nhân dân, hoạt động theo hướng ích nước, lợi nhà, tương thân, tương ái. Các tổ chức quần chúng được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản và tự trang trải về tài chính được tổ chức trong từng địa phương hoặc có quy mô toàn quốc, không nhất loạt giống nhau. Các đoàn thể chính trị - xã hội cần chủ động xây dựng và tham gia vào các tổ chức nói trên, qua đó vận động quần chúng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bốn là, công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể.

Công tác quần chúng không chỉ là trách nhiệm của các đoàn thể, mà còn là trách nhiệm của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, có phối hợp với nhau dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mọi cán bộ, đảng viên, nhân viên nhà nước đều phải làm công tác quần chúng theo chức trách của mình.

Đây là cuộc đấu tranh quyết liệt của các lực lượng cách mạng chống lại các thế lực thù địch trên các lĩnh vực để vận động và tổ chức nhân dân tự giác đi theo con đường cách mạng, đập tan những âm mưu và thủ đoạn chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Phần thứ hai

ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUẦN CHÚNG CỦA CÁC ĐOÀN THỂ, NHÀ NƯỚC VÀ CỦA ĐẢNG

1. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, của các đoàn thể và tổ chức quần chúng

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữ vai trò to lớn trong việc củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Các cấp uỷ đảng từ Trung ương đến cơ sở phải thực hiện tốt vai trò của Đảng vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo của Mặt trận, trình bày các chủ trương, chính sách của Đảng, lắng nghe ý kiến và cùng bàn bạc, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên của Mặt trận, động viên phong trào hành động cách mạng rộng lớn của nhân dân.

Công tác mặt trận cần đi sâu vận động các cụ phụ lão, các nhân sĩ, công thương gia, những người tiêu biểu của các dân tộc thiểu số, các chức sắc tôn giáo và của người Việt ở nước ngoài.

- Các đoàn thể và tổ chức quần chúng bao gồm:

+ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam... là những đoàn thể chính trị - xã hội của các giai cấp và tầng lớp nhân dân do Đảng lãnh đạo, là người đại diện, bảo vệ lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân tham gia quản lý Nhà nước, là trường học xã hội chủ nghĩa của đoàn viên, hội viên và là nòng cốt của phong trào cách mạng quần chúng.

[...]