HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
06/2023/NQ-HĐND
|
Bình Phước, ngày
12 tháng 7 năm 2023
|
NGHỊ QUYẾT
QUY
ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG, MỨC HỖ TRỢ NGUỒN VỐN SỰ NGHIỆP THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC
TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2023 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
BÌNH PHƯỚC
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 11
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6
năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng
4 năm 2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 77/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng
5 năm 2018 của Chính phủ về quy định hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội
đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước;
Căn cứ Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25
tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định nguyên tắc, tiêu chí, định
mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa
phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn
2021 - 2025;
Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4
năm 2022 của Chính phủ về quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương
trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT ngày 25
tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng
dẫn một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn
mới giai đoạn 2021 - 2025 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn;
Căn cứ Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12 tháng
8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự
nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24 tháng
6 năm 2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ;
Thực hiện Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng
02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia
xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;
Thực hiện Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07 tháng
7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát
triển làng nghề nông thôn giai đoạn 2021 - 2030;
Thực hiện Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 20 tháng
7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới
hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030;
Thực hiện Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02 tháng
8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển du lịch
nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Xét Tờ trình số 57/TTr-UBND ngày 15 tháng 6 năm
2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 39/BC-HĐND-KTNS ngày 19
tháng 6 năm 2023 của Ban kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo
luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối
tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định cụ thể một số nội dung, mức
hỗ trợ nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông
thôn mới giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Các nội dung không quy định tại Nghị quyết này thực
hiện theo Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ
Tài chính quy định về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách
trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai
đoạn 2021 - 2025, các văn bản liên quan do các Bộ, ngành ban hành và theo các nội
dung quy định của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn
2021 - 2025.
2. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng,
quyết toán và thụ hưởng nguồn kinh phí sự nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc
gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025.
Điều 2. Nội dung và mức hỗ trợ
1. Chi hỗ trợ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước
a) Nội dung và mức hỗ trợ
- Hỗ trợ 50% chi phí vật liệu, máy thi công và thiết
bị để đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn,
mức hỗ trợ 40 triệu đồng/ha;
- Hỗ trợ 50% chi phí để san phẳng đồng ruộng, mức hỗ
trợ 10 triệu đồng/ha.
b) Điều kiện hỗ trợ
Tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện sau
đây:
- Đối với cá nhân: Quy mô khu tưới phải đạt từ 0,3
ha trở lên, riêng khu vực miền núi từ 0,1 ha trở lên; việc hỗ trợ cho cá nhân
được thông qua tổ chức thủy lợi cơ sở;
- Đối với tổ chức thủy lợi cơ sở: Quy mô khu tưới
phải đạt từ 02 ha trở lên, riêng khu vực miền núi từ 01 ha trở lên và phải có hợp
đồng liên kết với hộ gia đình hoặc cá nhân trực tiếp sản xuất;
- Hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phục vụ
các loại cây trồng là cây chủ lực của quốc gia, địa phương, có lợi thế, phù hợp
với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền.
2. Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin
và truyền thông cơ sở
a) Hỗ trợ chi sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng
Đài truyền thanh xã
Chi sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng của Đài
truyền thanh xã: Hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn
thông của Đài Truyền thanh xã 50 triệu đồng/xã; cụm loa ứng dụng công nghệ thông
tin - viễn thông của Đài Truyền thanh xã đến thôn 30 triệu đồng/thôn.
b) Hỗ trợ chi mua sắm, sửa chữa, thay thế phương tiện
sản xuất các sản phẩm thông tin, tuyên truyền cho cơ sở Truyền thanh - Truyền
hình huyện theo thực tế phát sinh nhưng không quá 500 triệu đồng/cơ sở Truyền
thanh - Truyền hình huyện.
3. Chi hỗ trợ phát triển các mô hình xử lý nước thải
sinh hoạt quy mô hộ gia đình, thôn
Nội dung chi: Thực hiện theo quy định tại Điều 8
Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số nội dung thực hiện chương
trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 thuộc phạm
vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Mức hỗ trợ: 70% kinh phí thực hiện mô hình được cấp
có thẩm quyền phê duyệt đối với huyện miền núi, 50% đối với các huyện còn lại.
4. Hỗ trợ chi phí tư vấn, giám sát và gắn mã vùng
trồng
Nội dung chi: Thiết lập vùng trồng, đánh giá và
giám sát định kỳ, đột xuất, hướng dẫn ghi nhật ký, nhật ký điện tử; dụng cụ lấy
mẫu vật dịch hại, phần mềm quản lý mã vùng trồng, phân tích dư lượng hóa chất,
vi sinh vật trước khi đưa sản phẩm ra thị trường nội địa hoặc xuất khẩu; dịch
thuật tài liệu báo cáo sang tiếng nước ngoài (nếu có); định danh mẫu vật dịch hại
cho đối tượng kiểm dịch của nước nhập khẩu; tập huấn, tuyên truyền trong quản
lý dịch hại tổng hợp (IPM) và (IPHM).
Mức hỗ trợ: 100% kinh phí cho các cá nhân, tổ chức
thực hiện được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5. Chi hỗ trợ cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao
trong sản xuất nông nghiệp
a) Nội dung hỗ trợ
Đối với trồng trọt và lâm nghiệp, gồm: Máy, thiết bị
phục vụ các khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, tưới tiêu, thu hoạch, sơ chế, bảo
quản, chế biến sau thu hoạch.
Đối với chăn nuôi và thủy sản, gồm: Máy, thiết bị
phục vụ cho chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp, công nghiệp; hệ thống
cung cấp thức ăn, nước uống tự động, làm mát chuồng trại, sơ chế, chế biến thức
ăn, vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi và phân bón cho cây trồng.
b) Mức hỗ trợ: 50% tổng kinh phí hỗ trợ cho 01
trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp theo dự án được cấp có thẩm
quyền phê duyệt nhưng không quá 500 triệu đồng/trang trại, tổ hợp tác, hợp tác
xã, doanh nghiệp.
6. Chi bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống
ở nông thôn
a) Nội dung hỗ trợ
- Rà soát, công nhận các làng nghề truyền thống: Thực
hiện điều tra, rà soát, thống kê, đánh giá, phân loại danh mục các làng nghề
truyền thống chưa đáp ứng được tiêu chí công nhận để có kế hoạch thực hiện hỗ
trợ bảo tồn và phát triển phù hợp. Đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ, xét công nhận
các làng nghề truyền thống đã đáp ứng được tiêu chí theo quy định để thực hiện
hỗ trợ theo chính sách;
- Khôi phục, bảo tồn các làng nghề truyền thống có
nguy cơ mai một, thất truyền;
Đối với những làng nghề đang trong quá trình mai một
và có khả năng mất đi: Hỗ trợ thực hiện công tác bảo tồn; tiến hành điều tra,
xác định và xây dựng dự án để duy trì các hộ hoặc nhóm hộ nghề, nghệ nhân hoạt
động “trình diễn” nhằm lưu giữ, truyền nghề và phục yêu cầu du lịch, văn hóa.
Đối với những làng nghề có khó khăn: Hỗ trợ và tạo
điều kiện cho các nghệ nhân, thợ tay nghề cao và các cơ sở sản xuất duy trì sản
xuất các sản phẩm độc đáo phục vụ sinh hoạt, các lễ hội của cộng đồng và hướng
tới sản xuất một số loại sản phẩm cao cấp, có giá trị kinh tế cao đáp ứng thị
hiếu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Thực hiện sưu tầm, thu thập, bảo tồn bí quyết, công
nghệ cổ truyền tinh xảo, độc đáo, các mẫu hoa văn truyền thống trên các sản phẩm
và có hướng đổi mới, phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp với sản
xuất tại làng nghề.
Tổ chức đào tạo, truyền nghề, nâng cao kỹ năng nghề
cho người lao động, cải tiến thiết kế mẫu mã, nâng cao chất lượng, tìm kiếm thị
trường tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho các làng nghề được phục hồi và phát
triển. Thành lập và duy trì hoạt động các tổ chức nghề nghiệp của làng nghề.
- Hỗ trợ để phát triển các làng nghề truyền thống
đã được công nhận đang hoạt động tốt có khả năng lan tỏa sang các khu vực khác.
Phát triển mạnh các làng nghề truyền thống sản xuất
những sản phẩm có giá trị kinh tế, hàm lượng văn hóa cao và có tiềm năng xuất
khẩu lớn như chế biến nông lâm thủy sản, mây tre đan, gốm sứ, thêu dệt, chạm khảm,
sơn mài, kim hoàn... Khuyến khích sự lan tỏa, cấy nghề truyền thống ra vùng
xung quanh và đẩy mạnh hỗ trợ sáng tạo phát triển sản phẩm mới.
Đầu tư, hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ
mới vào một số công đoạn sản xuất kết hợp với sử dụng kỹ thuật, công nghệ truyền
thống mà không ảnh hưởng đến giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ và giá trị truyền thống
của sản phẩm. Nâng cấp, hoàn thiện các biện pháp và công trình xử lý môi trường.
Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất lớn có năng
lực di chuyển vào khu, cụm công nghiệp để đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, mở
rộng quy mô sản xuất phát triển sản phẩm; các cơ sở sản xuất nhỏ liên kết với
các cơ sở lớn tiêu thụ sản phẩm ra thị trường. Thành lập và tổ chức hoạt động
hiệu quả các tổ chức nghề nghiệp của làng nghề.
b) Mức hỗ trợ: 50% kinh phí được cấp có thẩm quyền
phê duyệt.
7. Hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn và sản
phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng của địa phương
a) Nội dung hỗ trợ
Thực hiện theo Điều 16 Thông tư số
05/2022/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số nội dung thực hiện chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 thuộc phạm vi quản
lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
b) Mức hỗ trợ: 500 triệu đồng/điểm du lịch, sản phẩm
du lịch.
8. Hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống
thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở
a) Chi mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho hoạt
động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp. Mức
hỗ trợ theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó hỗ trợ: Trung
tâm văn hóa tỉnh 1.000 triệu đồng/thiết chế; Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh -
Truyền hình huyện 500 triệu đồng/thiết chế; Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã
80 triệu đồng/thiết chế; Nhà văn hóa - khu thể thao thôn 50 triệu đồng/thiết chế.
b) Hỗ trợ xây dựng tủ sách cho Thư viện cấp huyện;
tủ sách cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, Nhà văn hóa - khu thể thao thôn. Mức
hỗ trợ theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó hỗ trợ: Thư viện,
tủ sách tại Trung tâm văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện 100 triệu đồng/tủ
sách; Thư viện, tủ sách xã 50 triệu đồng/tủ sách; Tủ sách thôn, bản 30 triệu đồng/tủ
sách.
c) Chi hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với thiết chế
văn hóa, thể thao xã, thôn và hỗ trợ kinh phí tổ chức giải thể thao cấp xã,
thôn.
Hỗ trợ Trung tâm văn hóa - thể thao xã kinh phí tổ
chức giải thể thao xã 50 triệu đồng/năm; hỗ trợ Nhà văn hóa - khu thể thao thôn
kinh phí tổ chức giải thể thao thôn 30 triệu đồng/năm.
9. Chi tổ chức các hoạt động hỗ trợ xây dựng mô
hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Chi hội nông dân nghề
nghiệp, Tổ hội nông dân nghề nghiệp.
Hỗ trợ Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông
dân nghề nghiệp kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt 20 triệu đồng để tổ
chức các hoạt động hỗ trợ xây dựng mô hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt
động được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 3. Nguồn vốn thực hiện
1. Nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương bổ sung
thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
2. Nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu
quốc gia, chương trình mục tiêu khác.
3. Nguồn vốn sự nghiệp ngân sách địa phương đối ứng
thực hiện chương trình.
4. Vốn huy động, đóng góp và đối ứng của các tổ chức,
cá nhân có liên quan.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện; giao
Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ
đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát
việc thực hiện.
Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu tại Nghị quyết
này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ
sung, thay thế.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình
Phước khóa X, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 12 tháng 7 năm 2023 và có hiệu lực từ
ngày 24 tháng 7 năm 2023./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ;
- Bộ NN và PTNT, Bộ TP (Cục kiểm tra văn bản);
- TTTU, TTHĐND, Đoàn ĐBQH, UBND, BTTUBMTTQVN tỉnh;
- Các Ban của HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh;
- TTHĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Công báo tỉnh (Sở TTTT);
- LĐVP, các phòng chuyên môn;
- Lưu: VT.
|
CHỦ TỊCH
Huỳnh Thị Hằng
|