Nghị quyết 05/2013/NQ-HĐND kết quả giám sát việc thu, quản lý, sử dụng quỹ xã hội, nhân đạo, từ thiện và khoản huy động tổ chức, nhân dân đóng góp hàng năm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Số hiệu 05/2013/NQ-HĐND
Ngày ban hành 15/07/2013
Ngày có hiệu lực 21/07/2013
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Hoàng Dân Mạc
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2013/NQ-HĐND

Phú Thọ, ngày 15 tháng 7 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC THU, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG MỘT SỐ LOẠI QUỸ XÃ HỘI, NHÂN ĐẠO, TỪ THIỆN VÀ MỘT SỐ KHOẢN HUY ĐỘNG CÁC TỔ CHỨC, NHÂN DÂN ĐÓNG GÓP HÀNG NĂM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHOÁ XVII, KỲ HỌP THỨ SÁU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003; Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XVII, nhiệm kỳ 2011 - 2016;

Sau khi xem xét Tờ trình số 09/TTr-HĐND, ngày 25 tháng 6 năm 2013, kèm Báo cáo số 18/BC-HĐND, ngày 24 tháng 6 năm 2013 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát việc thu, quản lý và sử dụng một số loại quỹ xã hội, nhân đạo, từ thiện và một số khoản huy động các tổ chức và nhân dân đóng góp hàng năm trên địa bàn tỉnh và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành Báo cáo kết quả giám sát việc thu, quản lý và sử dụng một số loại quỹ xã hội, nhân đạo, từ thiện và một số khoản huy động các tổ chức và nhân dân đóng góp hàng năm trên địa bàn tỉnh với những đánh giá về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và các đề xuất, kiến nghị; đồng thời nhận thấy:

Việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân phục vụ cho mục đích khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, môi trường, nhân đạo và các mục đích phát triển cộng đồng là hết sức cần thiết, góp phần cùng Đảng và Nhà nước từng bước thực hiện xã hội hóa công cuộc xóa đói giảm nghèo, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, phấn đấu vì mục tiêu phát triển cộng đồng, an sinh xã hội. Kết quả, trong 5 năm (2008-2012): Quỹ vì người nghèo cấp tỉnh đã hỗ trợ 60.043 triệu đồng cho 7.055 hộ nghèo xây dựng và sửa chữa nhà ở; Quỹ mái ấm công đoàn đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được 160 nhà “Mái ấm công đoàn” cho công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn; Quỹ vì nữ công nhân lao động nghèo đã giải quyết cho vay 92 dự án với số tiền là 2.900 triệu đồng; Quỹ khuyến học, khuyến tài Đất Tổ mới được thành lập hơn một năm nhưng đã vận động được 13.700 triệu đồng; Hội khuyến học các cấp trên địa bàn tỉnh đã vận động ủng hộ được gần 60.000 triệu đồng, dùng để hỗ trợ học bổng và trao tặng các suất quà cho học sinh, sinh viên học tập xuất sắc và đạt giải qua các kỳ thi chọn học sinh, sinh viên giỏi các cấp, của khu vực và quốc tế,…

Nhìn chung, việc thu, quản lý và sử dụng một số loại quỹ xã hội, nhân đạo, từ thiện và một số khoản huy động các tổ chức và nhân dân đóng góp hàng năm được cấp Ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh đối với việc huy động đóng góp của nhân dân hàng năm, nên việc thu, quản lý và sử dụng các loại quỹ cơ bản thực hiện đúng quy định của Nhà nước (các khoản thu, chi được ghi chép qua hệ thống sổ sách kế toán; việc hỗ trợ cho các đối tượng được thụ hưởng bảo đảm kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai và minh bạch; việc hạch toán kế toán, quyết toán quỹ và các khoản đóng góp của nhân dân được thực hiện đúng quy định).

Tuy nhiên, việc vận động ủng hộ các loại quỹ và các khoản đóng góp hàng năm chưa bảo đảm thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện mà hầu hết các tổ chức hội hoặc cơ quan quản lý quỹ đã ấn định mức ủng hộ tối thiểu, mang tính bắt buộc, giao chỉ tiêu huy động cho các xã, khu dân cư; gắn việc huy động đóng góp với chỉ tiêu thi đua và cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng. Các loại quỹ được thành lập ở cấp huyện và cấp xã đều không đúng thẩm quyền, không phù hợp với quy định của pháp luật. Một số quỹ chưa có Quy chế quản lý và sử dụng quỹ; việc vận động các khoản đóng góp còn chồng chéo; các khoản huy động phụ huynh học sinh đóng góp chưa bảo đảm nguyên tắc tự nguyện và đều được bình quân hóa mức đóng góp,....

Để kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm và nâng cao hiệu quả việc huy động, sử dụng các loại quỹ xã hội, nhân đạo, từ thiện và các khoản đóng góp của nhân dân hàng năm, Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Tăng cường sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền đối với việc thành lập thu, quản lý, sử dụng các loại quỹ và một số khoản huy động các tổ chức, nhân dân đóng góp hàng năm trên địa bàn.

2. Hướng dẫn các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong việc thành lập, thu, quản lý, sử dụng các loại quỹ; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật và điều lệ đối với các loại quỹ trên địa bàn. Đối với Quỹ bảo trợ trẻ em, Uỷ ban nhân dân tỉnh xin ý kiến Bộ Tài chính để thống nhất việc thành lập Quỹ Bảo trợ trẻ em ở các cấp, không để tình trạng như hiện nay có huyện tự thành lập quỹ, có huyện không thành lập quỹ nhưng vẫn tổ chức thu hoặc chỉ đạo cấp xã thu của nhân dân; cần thống nhất đơn vị vận động, quản lý và sử dụng Quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, khắc phục sự trùng chéo giữa Hội Chữ thập đỏ và Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh như hiện nay.

3. Chú trọng công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của từng loại quỹ để người dân hiểu, đồng tình ủng hộ; kịp thời chấn chỉnh những sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm đúng quy định.

4. Chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức rà soát, thống kê các loại quỹ trên địa bàn, bãi bỏ ngay các nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã về huy động đóng góp của nhân dân và các loại quỹ thành lập không đúng thẩm quyền, trái quy định của pháp luật ở cấp huyện, cấp xã; quỹ thiếu thủ tục phải hoàn thiện lại theo đúng quy định của pháp luật; đối với những loại quỹ được phép thành lập ở cấp huyện, cấp xã thì trình tự thành lập quỹ phải theo đúng hướng dẫn tại Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện và Thông tư số 02/2013/TT-BNV, ngày 10/4/2013 của Bộ Nội vụ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 30/2012/NĐ-CP, ngày 12/4/2012 của Chính phủ. Việc thành lập quỹ mới cần tiến hành chặt chẽ, không để chồng chéo về đối tượng thụ hưởng, đối tượng vận động.

5. Việc huy động các tổ chức, cá nhân đóng góp các loại quỹ xã hội, quỹ từ thiện phải trên tinh thần tự nguyện, không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không được ấn định mức thu, không gắn việc huy động đóng góp với chỉ tiêu thi đua và cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng.

6. Chỉ đạo các cấp, cơ quan quản lý quỹ thực hiện nghiêm túc về chế độ tài chính kế toán; thực hiện việc công khai các nguồn thu và nội dung chi tiêu các loại quỹ để người dân được biết và tham gia giám sát.

7. Chấn chỉnh việc huy động các khoản thu không đúng quy định ở các cơ sở giáo dục; phân công trách nhiệm cụ thể theo phân cấp quản lý; đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

8. Chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Tài chính hàng năm tổng hợp tình hình tổ chức, hoạt động và thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn thu, chi các loại quỹ trên địa bàn tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thu, quản lý và sử dụng các khoản huy động phụ huynh học sinh đóng góp hàng năm, chấm dứt tình trạng lạm thu, nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh tự quy định danh mục vận động ủng hộ và mức thu, chi, gây bức xúc trong nhân dân; chấm dứt việc thu Quỹ khuyến học đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao: Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khoá XVII, kỳ họp thứ sáu thông qua ngày 11 tháng 7 năm 2013./.

 

 

Nơi nhận:
- UBTVQH, Chính phủ;
- VPQH, VPCP;
- Các Bộ: Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo;
- Bộ Tư lệnh Quân khu II;
- TTTU, TTHĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- VKSND, TAND tỉnh;
- Các đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- TTHĐND, UBND các huyện, thành, thị;
- CPVP;
- TPP, CV;
- Lưu VT.

CHỦ TỊCH




Hoàng Dân Mạc