Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba “thủ tục giải quyết vụ án tại toà án cấp phúc thẩm” của bộ luật tố tụng dân sự do Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 05/2006/NQ-HĐTP
Ngày ban hành 04/08/2006
Ngày có hiệu lực 05/09/2006
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Văn Hiện
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng,Quyền dân sự

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 05/2006/NQ-HĐTP

Hà Nội, ngày 04 tháng 08 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH TRONG PHẦN THỨ BA “THỦ TỤC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN TẠI TOÀ ÁN CẤP PHÚC THẨM” CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ vào Luật tổ chức Toà án nhân dân;

Để thi hành đúng và thống nhất các quy định tại Phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại Toà án cấp phúc thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự (sau đây viết tắt là BLTTDS);

Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT NGHỊ

I. VỀ CHƯƠNG XV “TÍNH CHẤT CỦA XÉT XỬ PHÚC THẨM VÀ KHÁNG CÁO, KHÁNG NGHỊ BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN CẤP SƠ THẨM”

1. Về Điều 243 của BLTTDS

1.1. Đối tượng mà đương sự, người đại diện của đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện có quyền làm đơn kháng cáo để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm bao gồm: bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm.

1.2. Đương sự là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của đương sự có kháng cáo. Đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, đương sự đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.

1.3. Đương sự là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi không mất năng lực hành vi dân sự, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình là đương sự trong vụ án về tranh chấp có liên quan đến hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự đó có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của đương sự có kháng cáo. Đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, đương sự đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.

1.4. Đương sự được hướng dẫn tại tiểu mục 1.2 và tiểu mục 1.3 mục 1 này nếu không tự mình kháng cáo, thì có thể uỷ quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo, trừ kháng cáo bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm về ly hôn. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo uỷ quyền có kháng cáo; họ, tên, địa chỉ của đương sự uỷ quyền kháng cáo và văn bản uỷ quyền. Đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo uỷ quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.

1.5. Đương sự là cơ quan, tổ chức có quyền kháng cáo. Người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi tên, địa chỉ của đương sự là cơ quan, tổ chức; họ, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức. Đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo pháp luật phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó.

Trường hợp người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức uỷ quyền cho người khác đại diện cho cơ quan, tổ chức kháng cáo, thì tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo uỷ quyền kháng cáo; tên, địa chỉ của đương sự là cơ quan, tổ chức uỷ quyền; họ, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức đó và văn bản uỷ quyền. Đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo uỷ quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.

1.6. Người đại diện theo pháp luật của đương sự là người chưa thành niên (trừ trường hợp được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 này), người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo pháp luật; họ, tên, địa chỉ của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, người kháng cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ.

Trường hợp người đại diện theo pháp luật của đương sự uỷ quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo, thì tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo uỷ quyền và văn bản uỷ quyền; họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo pháp luật của đương sự uỷ quyền; họ, tên, địa chỉ của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo uỷ quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.

1.7. Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 162 của BLTTDS là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ. Người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó; họ, tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích hợp pháp được bảo vệ. Đồng thời ở phần cuối đơn, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó.

1.8. Việc uỷ quyền được hướng dẫn tại các tiểu mục 1.4, 1.5 và 1.6 mục 1 Phần I của Nghị quyết này phải được làm thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp, trừ trường hợp văn bản uỷ quyền đó được lập tại Toà án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc cán bộ Toà án được Chánh án Toà án phân công. Trong văn bản uỷ quyền phải có nội dung đương sự uỷ quyền cho người đại diện theo uỷ quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm.

2. Về Điều 244 của BLTTDS

2.1. Để bảo đảm cho việc làm đơn kháng cáo đúng và thống nhất, Toà án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo làm đơn kháng cáo theo đúng mẫu và ghi đầy đủ nội dung theo hướng dẫn sử dụng mẫu đơn kháng cáo được ban hành kèm theo Nghị quyết này. Toà án cấp sơ thẩm phải niêm yết công khai tại trụ sở Toà án nhân dân mẫu đơn kháng cáo và hướng dẫn sử dụng mẫu đơn kháng cáo.

2.2. Việc nhận đơn kháng cáo và xử lý đơn kháng cáo tại Tòa án cấp sơ thẩm.

a) Tòa án cấp sơ thẩm phải có sổ nhận đơn kháng cáo để ghi ngày, tháng, năm nhận đơn kháng cáo làm căn cứ xác định ngày kháng cáo.

b) Toà án cấp sơ thẩm thực hiện thủ tục nhận đơn kháng cáo như sau:

b.1) Trường hợp người kháng cáo trực tiếp nộp đơn kháng cáo tại Toà án cấp sơ thẩm, thì Toà án cấp sơ thẩm ghi ngày, tháng, năm người kháng cáo nộp đơn vào sổ nhận đơn kháng cáo. Ngày kháng cáo được xác định là ngày nộp đơn kháng cáo.

b.2) Trường hợp người kháng cáo gửi đơn kháng cáo đến Toà án cấp sơ thẩm qua bưu điện, thì Toà án phải ghi ngày, tháng, năm nhận đơn kháng cáo do bưu điện chuyển đến và ngày, tháng, năm người kháng cáo gửi đơn theo ngày, tháng, năm có dấu bưu điện nơi gửi đơn vào sổ nhận đơn. Phong bì có dấu bưu điện phải được đính kèm đơn kháng cáo. Ngày kháng cáo được xác định là ngày có dấu bưu điện nơi gửi đơn.

Trường hợp không có hoặc không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu điện nơi gửi trên phong bì, thì Toà án phải ghi chú trong sổ nhận đơn và vào góc bên trái của đơn kháng cáo là “không xác định được ngày, tháng, năm”. Trường hợp này ngày kháng cáo được xác định là ngày Toà án nhận được đơn. Khi kiểm tra đơn kháng cáo, nếu thấy đơn kháng cáo này quá hạn thì Toà án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trình bày rõ lý do bằng văn bản theo quy định tại khoản 2 Điều 246 của BLTTDS và hướng dẫn tại tiểu mục 5.1 mục 5 Phần I của Nghị quyết này. Nếu đơn kháng cáo đúng hạn quy định tại Điều 245 của BLTTDS, thì Toà án cấp sơ thẩm tiến hành các thủ tục quy định tại Điều 248 của BLTTDS và hướng dẫn tại mục 6 Phần I của Nghị quyết này.

b.3) Toà án phải ghi (hoặc đóng dấu nhận đơn kháng cáo có ghi) ngày, tháng, năm nhận đơn vào góc trên bên trái của đơn kháng cáo.

[...]