Nghị quyết 04/2008/NQ-HĐND về chủ trương, giải pháp chủ yếu phát triển nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập, công nghiệp, hiện đại hóa thành phố đến năm 2010, 2020 do Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng khóa XIII, kỳ họp thứ 12 ban hành
Số hiệu | 04/2008/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 18/04/2008 |
Ngày có hiệu lực | 28/04/2008 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hải Phòng |
Người ký | Nguyễn Văn Thuận |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương |
HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2008/NQ-HĐND |
Hải Phòng, ngày 18 tháng 4 năm 2008 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
HẢI PHÒNG
KHOÁ XIII, KỲ HỌP THỨ 12
(Từ ngày 17 đến ngày 18 tháng 4 năm 2008)
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Sau khi xem xét Tờ trình số 07/TTr-UBND ngày 08/4/2008 và Đề án số 1798/UBND -VX ngày 08/4/2008 của Uỷ ban nhân dân thành phố về một số chủ trương, giải pháp chủ yếu phát triển nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố đến năm 2010, 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân thành phố; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Đề án số 1798/UBND-VX ngày 08/4/2008 của Uỷ ban nhân dân thành phố về một số chủ trương, giải pháp chủ yếu phát triển nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố đến năm 2010, 2020 và nhấn mạnh một số vấn đề sau:
Phát triển nhân lực chất lượng cao, tập trung vào nhân lực lãnh đạo, quản lý; nhân lực khoa học công nghệ; nhân lực lao động kỹ thuật đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, có cơ cấu phù hợp nhu cầu sử dụng, từng bước tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế; sử dụng có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu về nhân lực xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội của thành phố nhanh, bền vững, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tích cực tham gia có hiệu quả vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao đời sống nhân dân.
Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu; đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục và hợp lý giữa các thế hệ; bảo đảm nguồn cán bộ để mỗi nhiệm kỳ đổi mới 30 - 40% cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành.
Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp có trình độ, khả năng quản lý điều hành doanh nghiệp hoạt động đạt hiệu quả cao. Đến năm 2015, 80% cán bộ quản lý doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế trọng điểm của thành phố thông thạo tin học, ngoại ngữ, am hiểu pháp luật, cập nhật kiến thức hội nhập quốc tế.
Phấn đấu đến năm 2020, nhân lực khoa học công nghệ trực tiếp tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có cơ cấu hợp lý, có 240 tiến sĩ, 1.650 thạc sĩ ; tiến dần tới trình độ khá của khu vực. Chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, cán bộ khoa học công nghệ đầu đàn.
Nhân lực lao động kỹ thuật có 720.000 người vào năm 2010 và 900.000 người vào năm 2020; nhanh chóng nâng cao chất lượng lao động (lao động qua đào tạo nghề đạt 60 - 65% vào năm 2010 và 85 - 90% vào năm 2020), chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật, ý thức và kỷ luật lao động, ngoại ngữ, tin học, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp.
3. Một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
3.1. Tập trung sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp chính quyền dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng; huy động sự tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể, các tổ chức kinh tế - xã hội, các cơ quan, đơn vị trong phát triển nhân lực, nhân lực chất lượng cao đến năm 2010, 2020. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trước mắt và lâu dài, gắn với quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính, đổi mới công tác lãnh đạo, điều hành, thu hút đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lao động; đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tạo môi trường phát triển nhân lực chất lượng cao, đảm bảo đủ nhân lực thực hiện các nhiệm vụ của thành phố.
3.2. Các cấp, các ngành, các cơ quan thông tin tuyên truyền của thành phố đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động thông tin, tuyên truyền về vị trí, vai trò của nhân lực chất lượng cao đối với sự nghiệp phát triển của Thành phố nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi quan điểm, hành động và tâm lý xã hội trong việc lựa chọn nghề nghiệp, đảm bảo nhân lực thành phố phát triển cân đối, đáp ứng các nhu cầu của xã hội, tạo động lực phát triển nhân lực chất lượng cao.
3.3. Xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực
Căn cứ quy hoạch định hướng và mục tiêu phát triển chung của thành phố đến năm 2010, 2020, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiến hành rà soát, đánh giá, phân loại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, khoa học công nghệ, lao động kỹ thuật cao và trên cơ sở nhu cầu, dự báo phát triển, khẩn trương xây dựng và hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực chất lượng cao, đảm bảo tính kế thừa đáp ứng yêu cầu phát triển nhân lực, kể cả nhu cầu về đưa người lao động của thành phố đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và làm chuyên gia theo các chương trình hợp tác quốc tế.
Đối với cán bộ lãnh đạo quản lý: nhanh chóng khắc phục hạn chế, thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm quản lý và sử dụng có hiệu quả nhân lực hiện có của thành phố; đổi mới tiêu chuẩn, quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo khách quan, dân chủ, chất lượng; đẩy mạnh phân cấp tuyển dụng, đề bạt, quan tâm đến cán bộ trẻ, cán bộ nữ có năng lực, được đào tạo. Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, lý luận chính trị, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học, kiến thức hội nhập quốc tế...để nhanh chóng nâng cao năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ, quản lý.
Xác định nhu cầu, đề xuất cơ chế, chính sách, hình thức, phương pháp, cấp độ đào tạo... đối với nhân lực khoa học công nghệ, giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ sự phát triển chung của thành phố.
Điều tra, dự báo, xác định nhu cầu lao động kỹ thuật của từng ngành nghề, từng lĩnh vực và toàn thành phố, làm cơ sở xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới đào tạo nghề, đào tạo nhân lực kỹ thuật cao. Ưu tiên cho các ngành trọng điểm và yêu cầu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Sớm triển khai xây dựng sàn giao dịch việc làm và tuyển sinh học nghề, thực hiện việc tuyển sinh học nghề, tuyển dụng lao động công khai, minh bạch. Hình thành Trung tâm thông tin về thị trường lao động để nắm bắt kịp thời, chính xác thực trạng, nhu cầu lao động. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đào tạo nghề và quản lý, sử dụng nhân lực.
3.4. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu sử dụng cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề; củng cố, phát triển hệ thống cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học; đa dạng hóa loại hình, cấp độ đào tạo, đào tạo theo địa chỉ, nhu cầu xã hội
Tiếp tục phát triển toàn diện giáo dục phổ thông làm nền tảng để đào tạo nhân lực cho thành phố, hoàn thành và củng cố vững chắc kết quả phổ cập bậc trung học và nghề của thành phố; nghiên cứu xây dựng hệ thống tư vấn hướng nghiệp trong các trường phổ thông, định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh ngay khi còn học ở các bậc phổ thông, chuẩn bị mọi điều kiện về tư tưởng, trang bị kiến thức, thể chất, giúp học sinh ra trường có thể nhanh chóng tiếp cận, thích ứng với công việc hoặc nghề nghiệp mới.
Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tập trung đầu tư xây dựng và phát triển Đại học Hàng hải Việt Nam thành trường trọng điểm quốc gia, Trường Đại học Hải Phòng thành trường đại học chất lượng cao, đa ngành, đa lĩnh vực; đẩy mạnh hợp tác với các trường có uy tín trong khu vực, quốc tế để đào tạo nhân lực trình độ cao tiếp cận và đạt trình độ khu vực, quốc tế cho thành phố và một số địa phương trong vùng; tạo điều kiện để Trường Đại học Y Hải Phòng, Trường Đại học Dân lập Hải Phòng và các trường cao đẳng nghề, cao đẳng nghiệp vụ, kinh tế - kỹ thuật phát triển.