HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
03/2023/NQ-HĐND
|
Yên Bái, ngày 12
tháng 4 năm 2023
|
NGHỊ QUYẾT
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH CƠ CHẾ HUY ĐỘNG VÀ LỒNG GHÉP CÁC NGUỒN VỐN THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG
TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
KHÓA XIX - KỲ HỌP THỨ 11
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ
và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành
văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6
năm 2015;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm
2019;
Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng
5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng
12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng
4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương
trình mục tiêu quốc gia; Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2022 của
Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc
gia phát triển kinh tế - xã hội vũng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai
đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;
Căn cứ Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg ngày 23
tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng
vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1, Dự
án 4 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng
bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm
2021 đến năm 2025;
Xét Tờ trình số 24/TTr-UBND ngày 08 tháng 4 năm
2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng
nhân dân tỉnh quy định cơ chế huy động và lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các
chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025;
Báo cáo thẩm tra số 32/BC-KTNS ngày 11/4/2023 của Ban Kinh tế - Ngân sách; ý kiến
thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Nghị quyết này quy định cơ chế huy động và lồng ghép các nguồn vốn thực hiện
các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 -
2025.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn, tổ chức triển
khai thực hiện Nghị quyết này theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban
của Hội đồng nhân dân tỉnh, các tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh
giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Yên
Bái khoá XIX - Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 12 tháng 4 năm 2023 và có hiệu lực
kể từ ngày 22 tháng 4 năm 2023./.
Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ: Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Ủy ban Dân tộc;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Các ban của HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- TT. HĐND các huyện, thị xã, thành phố;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT.
|
CHỦ TỊCH
Tạ Văn Long
|
QUY ĐỊNH
CƠ
CHẾ HUY ĐỘNG VÀ LỒNG GHÉP CÁC NGUỒN VỐN THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC
GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Nghị quyết số 03/2023/NQ-HĐND ngày 12 tháng 4 năm 2023 của Hội
đồng nhân dân tỉnh Yên Bái)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định cơ chế huy động và lồng ghép
các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh
Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị,
doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến việc huy động, lồng
ghép và quản lý các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên
địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025.
Điều 3. Nguyên tắc huy động và
lồng ghép các nguồn vốn
1. Nguyên tắc huy động vốn
a) Huy động và phân bổ vốn ngân sách nhà nước phải
tuân thủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn; tỷ lệ vốn đối
ứng được quy định tại các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện từng
chương trình mục tiêu quốc gia.
b) Huy động nguồn vốn tín dụng thực hiện theo quy định
của Chính phủ về chính sách tín dụng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc
gia.
c) Huy động nguồn đóng góp tự nguyện của người dân
(bằng tiền, hiện vật hoặc ngày công lao động), cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ
chức, cá nhân thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm sự tham gia đóng
góp phải trên tinh thần tự nguyện, công khai, minh bạch, rõ trách nhiệm giải
trình theo quy định của pháp luật.
2. Nguyên tắc lồng ghép nguồn vốn
a) Lồng ghép nguồn vốn để thực hiện các dự án đầu
tư, hoạt động, nội dung, nhiệm vụ có cùng mục tiêu và trên cùng một địa bàn cấp
xã, cấp huyện.
b) Bảo đảm không làm thay đổi các mục tiêu, nhiệm vụ
của từng chương trình, dự án; giảm thiểu chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối
tượng, nội dung; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, lãng phí
trong sử dụng vốn.
c) Tập trung lồng ghép các nguồn vốn thực hiện nội
dung, hoạt động trên địa bàn các huyện nghèo; xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Quá trình lồng ghép phải được thực
hiện đồng bộ từ khâu xây dựng chính sách, lập kế hoạch, phân bổ, giao dự toán
ngân sách và sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn vốn.
d) Xác định rõ tỷ lệ huy động, đóng góp vốn từng
chương trình, dự án được lồng ghép; thống nhất định mức chi theo từng nội dung,
hoạt động được lồng ghép; thống nhất quy trình, thủ tục thanh toán, quyết toán
vốn lồng ghép phù hợp với thực tế tại địa phương. Phân công, phân cấp rõ trách
nhiệm của các cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp trong thực hiện lồng ghép các
nguồn vốn.
Điều 4. Các nguồn vốn lồng ghép
1. Nguồn vốn ngân sách nhà nước: Nguồn vốn ngân
sách trung ương hỗ trợ trực tiếp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;
nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương thực hiện các chương
trình, dự án khác; nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); nguồn vốn ngân
sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã; nguồn vốn ngân sách nhà
nước các cấp ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội.
2. Nguồn vốn tín dụng.
3. Nguồn vốn hợp pháp khác: vốn huy động từ cơ
quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; đóng góp tự nguyện của người dân
(bằng tiền, hiện vật hoặc ngày công lao động).
Điều 5. Nội dung thực hiện làng
ghép
1. Các dự án đầu tư: Các dự án đầu tư xây dựng đáp ứng
đủ các điều kiện về mục tiêu, quy mô, đối tượng, địa bàn đầu tư thì thực hiện lồng
ghép các nguồn vốn để đầu tư, gồm: giao thông, thủy lợi, cấp nước, điện, giáo dục,
y tế, văn hóa, bảo vệ môi trường, thông tin truyền thông, thương mại và các
công trình khác thuộc diện đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia.
2. Hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất theo quy định
tại Điều 20, Điều 21, Điều 22 và Điều 23 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và các quy
định có liên quan, ưu tiên lồng ghép nguồn vốn thực hiện dự án hỗ trợ phát triển
sản xuất theo chuỗi giá trị; hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; hỗ trợ phát
triển sản phẩm OCOP; các dự án, mô hình, kế hoạch, phương án thực hiện trên địa
bàn các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực
tiễn và theo đúng các quy định hiện hành.
3. Hoạt động đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp,
đào tạo nghề, tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện; thông
tin, tuyên truyền về các chương trình mục tiêu quốc gia.
4. Hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá, hội nghị
triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia các cấp.
5. Các nội dung khác thuộc các chương trình mục
tiêu quốc gia (nếu có).
Điều 6. Cơ chế huy động các nguồn
vốn
1. Huy động vốn tín dụng
a) Việc huy động và sử dụng vốn tín dụng thực hiện
các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định
số 27/2022/NĐ-CP; Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2022 của Chính
phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát
triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ
năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và các quy định
khác có liên quan.
b) Hỗ trợ tín dụng đối với người nghèo và các đối
tượng chính sách khác vay ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải
thiện đời sống thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia từ nguồn ngân sách địa
phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện theo quy định tại Nghị
định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với
người nghèo và các đối tượng chính sách khác và các quy định sửa đổi, bổ sung
(nếu có).
c) Hỗ trợ lãi suất vốn vay để sản xuất con giống lợn
an toàn cho các đối tượng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện
theo Điều 17 Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng
nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản
xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025 và các quy định
sửa đổi, bổ sung (nếu có).
d) Đối với nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính
sách xã hội và các tổ chức tín dụng: Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thông
qua các chính sách tín dụng ưu đãi để vay thực hiện các chương trình, dự án, mô
hình, kế hoạch, phương án, hoạt động thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.
đ) Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác
qua Ngân hàng Chính sách xã hội: Hằng năm, căn cứ các chính sách tín dụng thực
hiện các chương trình mục tiêu quốc gia do Chính phủ quy định; khả năng cân đối
ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định
bố trí vốn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để thực
hiện cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác thuộc các
chương trình mục tiêu quốc gia.
2. Huy động nguồn vốn hợp pháp khác
a) Huy động, thu hút tối đa các nguồn vốn từ các cơ
quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và người dân tham gia thực hiện
các dự án hỗ trợ sản xuất và các hoạt động khác thuộc các chương trình mục tiêu
quốc gia theo quy định của pháp luật, nhằm thực hiện hoàn thành mục tiêu, nhiệm
vụ của các chương trình mục tiêu quốc gia.
b) Việc huy động nguồn vốn khác gắn với các dự án
chỉ sử dụng một nguồn vốn hoặc dự án lồng ghép có chung mục tiêu, đối tượng
trên địa bàn phải dựa trên cơ sở thỏa thuận của các bên đóng góp. Giá trị huy động
các nguồn lực khác phải thể hiện rõ trong quyết định phê duyệt dự án, dự toán
và phải được theo dõi, đánh giá, tổng hợp báo cáo trong kế hoạch 5 năm và hằng
năm.
c) Huy động vốn góp từ các cơ quan, đơn vị, doanh
nghiệp, tổ chức, cá nhân: Hằng năm, Ủy ban nhân dân các cấp tuyên truyền, vận động
các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào các
công trình hoặc tài trợ, ủng hộ vốn đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng
trên địa bàn. Trên cơ sở kết quả huy động vốn, Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo
các chủ đầu tư tổng hợp số vốn huy động được vào tổng mức đầu tư của dự án
trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; đồng thời công bố công khai đến
các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp được biết.
d) Huy động nguồn đóng góp tự nguyện của người dân:
Hằng năm, Ủy ban nhân dân xã triển khai huy động đóng góp của người dân trên cơ
sở phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung đầu tư của các chương trình. Nội
dung huy động vốn phải phải được bàn bạc dân chủ, có sự đồng tình và nhất trí của
người dân trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc huy động vốn quy định tại khoản 1 Điều
3 quy định này.
Điều 7. Hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất
sản xuất thuộc Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -
xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn
I: từ năm 2021 đến năm 2025
1. Hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình và không theo dự
án đầu tư trên cơ sở danh sách đối tượng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ được cấp
có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài mức vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy
định tại Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng
Chính phủ về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một
số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1, Dự án 4 của Chương trình mục tiêu quốc
gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai
đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, hỗ trợ thêm từ ngân sách
cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực
hiện bảo đảm phù hợp với các chính sách hiện hành của tỉnh. Riêng hỗ trợ nhà ở,
ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% đối với phần vốn đối ứng của ngân sách địa phương (gồm
cả phần vốn thuộc trách nhiệm đối ứng của các huyện, thị xã).
2. Hằng năm, căn cứ mức vốn ngân sách trung ương, vốn
đối ứng ngân sách tỉnh được Hội đồng nhân dân tỉnh giao, Ủy ban nhân dân tỉnh
giao kế hoạch vốn cho các huyện, thị xã để hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng bảo
đảm theo quy định hiện hành.
Điều 8. Cơ chế lồng ghép các
nguồn vốn
1. Lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục
tiêu quốc gia
Nội dung, nhiệm vụ, hoạt động, dự án đầu tư thuộc một
trong các chương trình mục tiêu quốc gia có thể sử dụng nguồn vốn từ một hoặc
nhiêu chương trình khác nhau để đạt được mục tiêu trên cơ sở phạm vi, đối tượng
của các chương trình; nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia nào chiếm tỷ
lệ lớn nhất thì lấy mục tiêu của chương trình đó làm trung tâm.
2. Lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục
tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác
a) Vốn ngân sách trung ương: Tùy theo mục tiêu, nhiệm
vụ được ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện lồng ghép vào các dự án đầu tư,
hoạt động, nội dung, nhiệm vụ bảo đảm phù hợp các mục tiêu, nhiệm vụ và yêu cầu
của từng chương trình.
b) Vốn ngân sách địa phương: Hằng năm, căn cứ mục
tiêu, nhiệm vụ, Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân cùng cấp cân đối, bố
trí nguồn vốn ngân sách địa phương để lồng ghép vào các dự án đầu tư, hoạt động,
nội dung, nhiệm vụ bảo đảm phù hợp các mục tiêu, nhiệm vụ và yêu cầu của từng
chương trình.
c) Vốn tín dụng (bao gồm vốn cho vay của ngân hàng
chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng; vốn ngân sách nhà nước các cấp ủy
thác qua ngân hàng chính sách xã hội): Tùy theo mục đích vay của các hộ gia
đình, tổ chức, cá nhân để xác định lồng ghép vào các dự án phát triển sản xuất
(dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh
của các vùng để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị).
d) Vốn huy động đóng góp tự nguyện của các cơ quan,
đơn vị, tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện lồng ghép vào
các dự án đầu tư, hoạt động, nội dung, nhiệm vụ bảo đảm phù hợp các mục tiêu,
nhiệm vụ và yêu cầu của từng chương trình.
đ) Nguồn vốn do cấp nào huy động cấp đó tổ chức lồng
ghép để triển khai thực hiện.
Điều 9. Quản lý, thanh toán,
quyết toán các nguồn vốn
1. Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước: Thực hiện
theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định có
liên quan.
2. Đối với nguồn vốn tín dụng: Thực hiện theo quy định
của Luật các Tổ chức tín dụng; các quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng
thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các quy định có liên quan.
3. Đối với nguồn vốn huy động hợp pháp khác: Thực
hiện theo các quy định hiện hành./.