Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 304, 305, 306, 307 và 308 của Bộ luật Hình sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 03/2022/NQ-HĐTP
Ngày ban hành 09/09/2022
Ngày có hiệu lực 01/11/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Hòa Bình
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2022/NQ-HĐTP

Hà Nội, ngày 09 tháng 9 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 304, ĐIỀU 305, ĐIỀU 306, ĐIỀU 307 VÀ ĐIỀU 308 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;

Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;

Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng các điều 304, 305, 306, 307 và 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự) về các tội liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật.

Điều 2. Về một số từ ngữ

1. “Vũ khí” là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

2. “Vũ khí quân dụng” là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện quy định tại khoản 2 và khoản 6 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

3. “Phương tiện kỹ thuật quân sự” là các loại xe, khí tài, phương tiện khác được thiết kế, chế tạo và trang bị cho lực lượng vũ trang để huấn luyện, chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

4. “Vật liệu nổ” là vật liệu quy định tại khoản 7 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

5. “Súng săn” là súng quy định tại khoản 3 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

6. “Vũ khí thô sơ” là vũ khí quy định tại khoản 4 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

7. “Vũ khí thể thao” là vũ khí quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

8. “Công cụ hỗ trợ” là phương tiện, động vật nghiệp vụ quy định tại khoản 11 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

9. “Vũ khí có tính năng tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ” là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ.

Điều 3. Về một số tình tiết là dấu hiệu định tội

1. “Chế tạo trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là làm mới hoàn toàn hoặc lắp ráp từ những bộ phận chi tiết của vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự và có giá trị sử dụng theo tính năng tác dụng của chúng mà không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

Cũng được coi là chế tạo trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự đối với trường hợp cơ sở sản xuất của lực lượng vũ trang và những cơ sở khác có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được sản xuất, lắp ráp vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (theo danh mục) nhưng lại sản xuất, lắp ráp vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự loại khác (ngoài danh mục) hoặc chế tạo nhiều hơn số lượng cho phép, trừ trường hợp nghiên cứu cải tiến sản xuất vũ khí mới theo đề tài khoa học đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

2. “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là cất giữ vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Nơi tàng trữ có thể là nơi ở, nơi làm việc, mang theo trong người, trong hành lý hoặc cất giấu bất kỳ ở một vị trí nào khác mà người phạm tội đã chọn.

Cũng được coi là tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự đối với trường hợp vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có từ bất kỳ nguồn nào (ví dụ: cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, đào được, nhặt được) mà không khai báo, giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. “Vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là hành vi chuyển dịch vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự từ nơi này đến nơi khác, từ vị trí này sang vị trí khác, từ người này sang người khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác hoặc hành vi khác chuyển dịch vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác mà không có mệnh lệnh của người có thẩm quyền hoặc giấy phép vận chuyển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bằng bất kỳ phương tiện nào (trừ hình thức chiếm đoạt), nhưng không nhằm mục đích mua bán.

4. “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là sử dụng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự mà không có giấy phép hoặc không được phép của người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm phát huy tác dụng của vũ khí, phương tiện đó. Ví dụ: Hành vi sử dụng súng quân dụng là lên đạn, bóp cò; hành vi sử dụng lựu đạn là rút chốt, giật nụ xùy.

5. “Mua bán trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là hành vi mua bán không có giấy phép hoặc không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

6. “Chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự bao gồm các hành vi cướp, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, tham ô, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt hoặc các hành vi chiếm đoạt khác.

[...]