Nghị quyết 02/2008/NQ-HĐND quy định một số chế độ, định mức chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Số hiệu 02/2008/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/04/2008
Ngày có hiệu lực 18/04/2008
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Nguyễn Viết Nên
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2008/NQ-HĐND

Đông Hà, ngày 08 tháng 4 năm 2008

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHẾ ĐỘ, ĐỊNH MỨC CHI TIÊU TÀI CHÍNH PHỤC VỤ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND CÁC CẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
KHÓA V, KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Quy chế hoạt động của HĐND kèm theo Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Nghị quyết số 1157/NQ-UBTVQH11 ngày 10 tháng 7 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định một số chế độ, định mức chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Ban của UBTVQH, Văn phòng Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội;

Căn cứ Thông tư số 127/2007/TT-BTC ngày 31/11/2007 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21/3/2007 và Thông tư số 57/2007/TT-BTC ngày 11/6/2007 của Bộ Tài chính;

Sau khi xem xét Tờ trình số 57/TTr-TTHĐ ngày 02/4/2008 của Thường trực HĐND tỉnh về việc Ban hành Quy định một số chế độ, định mức chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh và ý kiến của Đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định một số chế độ, định mức chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của HĐND các cấp như sau:

1. Nội dung chế độ hoạt động

a) Hoạt động kỳ họp HĐND

- Bồi dưỡng đại biểu HĐND nghiên cứu trước tài liệu, tham gia ý kiến xây dựng Nghị quyết;

- Hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu HĐND, đại biểu được mời tham dự kỳ họp và cán bộ, viên chức phục vụ. Nếu kỳ họp tổ chức ăn thì không chi tiền;

- Bố trí chỗ nghỉ cho đại biểu HĐND ở xa và thanh toán theo thực tế sử dụng, không cấp tiền cho đại biểu;

- Chi bồi dưỡng Chủ tọa và Đoàn Thư ký kỳ họp; xây dựng các văn bản, báo cáo phục vụ kỳ họp HĐND; chỉnh lý Nghị quyết và kiểm tra, ký ban hành các Nghị quyết đã được HĐND thông qua.

b) Hoạt động thẩm tra

Hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện nhằm xây dựng Báo cáo thẩm tra về các vấn đề theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND để trình kỳ họp HĐND.

Chỉ bồi dưỡng hoạt động thẩm tra, gồm: Xây dựng dự thảo, chỉnh sửa Báo cáo thẩm tra; bồi dưỡng thành viên các Ban nghiên cứu tài liệu, tham gia các hoạt động thẩm tra; tổ chức các cuộc họp thẩm tra, lấy ý kiến các thành viên Ban, đại diện các ngành về Báo cáo thẩm tra.

c) Lấy ý kiến tham gia các dự án Luật, Pháp lệnh, các văn bản do UBTVQH, Chính phủ yêu cầu; dự thảo Nghị quyết HĐND.

Đây là hoạt động tham gia xây dựng các dự án Luật, Pháp lệnh và các văn bản khác khi có yêu cầu của UBTVQH, Chính phủ chuyển đến Thường trực HĐND cấp tỉnh; tham gia xây dựng các dự thảo Báo cáo, Đề án, Nghị quyết do Thường trực HĐND, UBND hoặc cơ quan có thẩm quyền trình HĐND theo yêu cầu của Thường trực HĐND. Các đại biểu HĐND, đại diện cơ quan liên quan, chuyên gia được mời nghiên cứu, tham gia ý kiến được hưởng chế động bồi dưỡng.

d) Hoạt động giám sát giữa hai kỳ họp

Hoạt động giám sát giữa hai kỳ họp do Thường trực HĐND, các Ban HĐND cấp tỉnh, huyện và Thường trực HĐND cấp xã thực hiện.

Kinh phí chi bồi dưỡng hoạt động giám sát gồm: Nghiên cứu xây dựng chương trình, kế hoạch và nội dung giám sát; xây dựng báo cáo kết luận sau giám sát; hội nghị triển khai kế hoạch giám sát, thông qua báo cáo giám sát; bồi dưỡng đại biểu HĐND, đại biểu được mời tham gia Đoàn giám sát và nhân viên phục vụ.

Trường hợp Đoàn giám sát làm việc tại các xã, thôn, bản thuộc khu vực III được hỗ trợ tiền ăn cho thành viên Đoàn giám sát và các đại biểu mời.

e) Hoạt động tiếp xúc cử tri

Tiếp xúc cử tri là hoạt động của đại biểu HĐND trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, báo cáo kết quả hoạt động của mình và tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, do các tổ đại biểu phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tổ chức trước, sau mỗi kỳ họp và các cuộc tiếp xúc chuyên đề.

[...]