Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giáo dục đại học sửa đổi

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 10/04/2023
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Giáo dục

CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:          /2023/NĐ-CP

Hà Nội, ngày      tháng      năm 2023

DỰ THẢO
22/3/2023

 

 

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 99/2019/NĐ-CP NGÀY 30 THÁNG 12 NĂM 2019 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

1. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 4 như sau:

“a) Điều kiện thành lập: Có ít nhất 05 ngành thuộc cùng một lĩnh vực đào tạo từ trình độ đại học trở lên, trong đó có ít nhất 03 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, ít nhất 01 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy từ 2.000 người trở lên; có quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường thuộc cơ sở giáo dục đại học. Trường hợp thành lập trường chỉ để đào tạo các chương trình theo định hướng ứng dụng thì không cần điều kiện đào tạo đến trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Trường hợp thành lập trường có quy mô đào tạo chính quy nhỏ hơn 2.000 hoặc có số ngành thuộc cùng một lĩnh vực đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ ít hơn quy định này thì phải có sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, căn cứ vào tính đặc thù của lĩnh vực hoặc trình độ đào tạo khi bảo đảm ít nhất 05 ngành đào tạo trình độ đại học và 03 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ thuộc 02 lĩnh vực đào tạo có chuyên môn gần nhau và có ít ngành được đào tạo trong nước”.

2. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1, điểm c khoản 2 Điều 5 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 như sau:

“a) Có ít nhất 3 trường đại học cùng loại hình công lập hoặc cùng loại hình tư thục liên kết thành đại học hoặc có ít nhất 3 trường đại học là trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận liên kết thành đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, trong đó mỗi trường đại học trước khi liên kết phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 4 của Nghị định này. Khi đã liên kết thành đại học phải có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người;”.

b) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 như sau:

“c) Đề án liên kết thành đại học, trong đó nêu rõ sự cần thiết, những thay đổi về mục tiêu, sứ mạng của các trường tham gia liên kết; thuyết minh về mức độ đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều này; dự thảo quy chế tổ chức, hoạt động của đại học; các giải pháp giải quyết rủi ro khi tiến hành liên kết (nếu có).”  

3. Sửa đổi, bổ sung tên điều; điểm a, d, đ khoản 1; khoản 2; khoản 5; khoản 7 và khoản 8 Điều 7 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung tên Điều 7 như sau:

Điều 7. Quy trình, thủ tục thành lập, công nhận hội đồng trường; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ chủ tịch hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm, thay thế, cho thôi tham gia hội đồng trường đối với các thành viên khác của hội đồng trường; công nhận hiệu trưởng của trường đại học công lập”.

b) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 như sau:

“a) Đối với trường đại học mới thành lập: Cơ quan quản lý trực tiếp quyết định về hội đồng trường lâm thời như sau: số lượng, cơ cấu thành viên, cách tổ chức bầu các thành viên bầu, chỉ đạo tổ chức thực hiện việc bầu các thành viên bầu và bầu chủ tịch hội đồng trường lâm thời theo quy định đối với hội đồng trường; ra quyết định công nhận hội đồng trường lâm thời và chủ tịch hội đồng trường lâm thời trước khi trường đại học đề nghị cho phép hoạt động đào tạo; nội dung quyết định ghi rõ thời gian hoạt động của hội đồng trường lâm thời, tối đa không quá 24 tháng kể từ khi được cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận. Việc thành lập hội đồng trường chính thức được thực hiện theo quy định tại điểm d khoản này”.

c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 như sau:

“d) Chậm nhất 90 ngày trước ngày hết nhiệm kỳ hoặc theo quy định tại điểm b và điểm c khoản này, tập thể lãnh đạo chỉ đạo thực hiện quy trình thành lập hội đồng trường của nhiệm kỳ mới theo quy định của Đảng, quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học và các quy định sau: Tập thể lãnh đạo đề xuất cơ quan quản lý trực tiếp cử đại diện tham gia hội đồng trường, số lượng người đại diện cơ quan quản lý trực tiếp cử không quá 50% tổng số thành viên ngoài trường đại học; tập thể lãnh đạo thống nhất về số lượng, cơ cấu thành viên của hội đồng trường với đại diện cơ quan quản lý trực tiếp và các thành viên đương nhiên khác của hội đồng trường (nếu quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học chưa quy định); chỉ đạo thực hiện việc bầu các thành viên của hội đồng trường theo từng cơ cấu; tổ chức các thành viên hội đồng trường bầu chủ tịch hội đồng trường.

Việc tổ chức giới thiệu các thành viên bầu, sử dụng hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học. Nếu sử dụng hội nghị đại biểu thì cơ cấu, số lượng thành phần đại biểu được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học nhưng tối thiểu phải chiếm trên 20% so với tổng số viên chức, người lao động của trường đại học và bảo đảm tỷ lệ đại biểu tại các đơn vị thuộc, trực thuộc phải tương đương. Trường hợp quy chế tổ chức và hoạt động chưa quy định thì tập thể lãnh đạo thống nhất với đại diện cơ quan quản lý trực tiếp và các thành viên đương nhiên khác của hội đồng trường để chỉ đạo thực hiện. Sau khi được công nhận, hội đồng trường phải chỉ đạo sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy chế tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và các quy định của pháp luật có liên quan, bao gồm nội dung nêu trên.

Trước khi kết thúc nhiệm kỳ ít nhất 60 ngày làm việc, tập thể lãnh đạo có trách nhiệm hoàn thiện, gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều này đề nghị cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận hội đồng trường và chủ tịch hội đồng trường của nhiệm kỳ mới.”.

d) Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 1 như sau:

“đ) Thành phần tập thể lãnh đạo quy định tại Điều này bao gồm: Ban thường vụ Đảng ủy hoặc cấp ủy (nơi không có ban thường vụ Đảng ủy), chủ tịch hội đồng trường hoặc quyền chủ tịch hội đồng trường, phó chủ tịch hội đồng trường (nếu có), hiệu trưởng hoặc quyền hiệu trưởng (nếu chưa có hiệu trưởng), các phó hiệu trưởng và người đứng đầu bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ. Tập thể lãnh đạo do chủ tịch hội đồng trường hoặc hiệu trưởng (trong thời gian chưa có chủ tịch hội đồng trường) chủ trì; làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, trường hợp tập thể lãnh đạo là số chẵn, có kết quả biểu quyết hoặc bỏ phiếu 50/50 thì quyết định theo ý kiến của bên có người chủ trì.”.

đ) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:  

“2. Thủ tục thay thế chủ tịch, thành viên hội đồng trường như sau:

[...]