CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:……/2020/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày
tháng năm 2020
|
DỰ THẢO
|
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NHÀ, ĐẤT PHỤC VỤ HOẠT ĐỘNG ĐỐI
NGOẠI CỦA NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng
tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Luật Đất đai ngày
29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Pháp lệnh về quyền ưu
đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan
đại diện của tổ chức Quốc tế tại Việt Nam ngày 23 tháng 8 năm 1993; Nghị định số
73/CP ngày 30 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh
về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự
và cơ quan đại diện của tổ chức Quốc tế tại Việt Nam;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ
Tài chính, Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng nhà, đất
phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định việc quản
lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu của Nhà nước (tài sản công) được giao cho Bộ
Ngoại giao quản lý để phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước (sau đây gọi
chung là nhà, đất phục vụ đối ngoại).
Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất
thuộc sở hữu của Nhà nước để phục vụ hoạt động đối ngoại thực hiện theo quy định
tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp
xếp lại, xử lý tài sản công.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
1. Bộ Ngoại giao và đơn vị sự
nghiệp công lập thuộc Bộ Ngoại giao được Bộ Ngoại
giao giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại.
2. Tổ chức nước ngoài có chức
năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài được phía Việt Nam bố trí, cho thuê nhà,
đất phục vụ đối ngoại để sử dụng làm trụ sở, nhà ở tại Việt Nam.
3. Các tổ chức, cá nhân khác có
liên quan.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các thuật
ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tổ chức nước ngoài có chức
năng ngoại giao gồm: Cơ quan đại diện Ngoại giao, Lãnh sự là cơ quan đại diện
ngoại giao, Cơ quan đại diện Lãnh sự, Cơ quan đại diện các Tổ chức Quốc tế thuộc
Liên Hợp quốc, Tổ chức Quốc tế Liên chính phủ và các cơ quan khác của nước
ngoài thực hiện chức năng ngoại giao, lãnh sự.
2. Văn phòng nước ngoài gồm:
Văn phòng đại diện của các tổ chức thuộc Chính phủ nước ngoài, Văn phòng đại diện
của các hãng thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình, Văn phòng đại diện
và Văn phòng dự án của các Tổ chức Phi Chính phủ nước ngoài và các Văn phòng nước
ngoài khác.
3. Sử dụng nhà, đất hỗ tương: là
việc sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại theo quy định tại Hiệp định hoặc Thỏa
thuận giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước
ngoài theo hình thức nước này cấp nhà, đất cho Cơ quan Đại diện Ngoại giao của
nước kia làm trụ sở, nhà ở trên lãnh thổ nước kia sử dụng và không phải trả tiền.
4. Giao sử dụng nhà, đất không
phải trả tiền: là việc Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bố trí
nhà, đất phục vụ đối ngoại cho Cơ quan Đại diện Ngoại giao hoặc các Tổ chức quốc
tế thuộc hệ thống Liên hiệp quốc hoặc các tổ chức quốc tế khác sử dụng để làm
trụ sở, nhà ở và không phải trả tiền cho việc sử dụng; số tiền thuê nhà được
xác định là phần đóng góp của Chính phủ Việt Nam cho Tổ chức Quốc tế mà Việt
Nam tham gia hoặc là thành viên.
5. Việc cho tổ chức nước ngoài
có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài thuê nhà, đất phục vụ đối ngoại
theo nhiệm vụ Nhà nước giao: là việc cho thuê nhà, đất được xem xét trên mức độ
ngoại giao, chính trị, kinh tế giữa hai nước đảm bảo nguyên tắc có đi có lại
cũng như sự đóng góp cho sự phát triển cho phía Việt Nam.
6. Nguyên tắc "có đi có lại"
trong việc xác định giá cho thuê nhà, đất phục vụ đối ngoại cho tổ chức nước
ngoài có chức năng ngoại giao thuê theo nhiệm vụ nhà nước giao: là
việc xem xét, xác định giá cho thuê nhà, đất trên cơ sở mức độ quan hệ ngoại
giao giữa hai bên.
Điều 4.
Nguyên tắc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại
1. Việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục
vụ đối ngoại thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản
công, pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng và các pháp luật khác có liên
quan; trường hợp các Điều ước Quốc tế mà Chính phủ Việt Nam là thành viên có
quy định khác thì thực hiện theo Điều ước Quốc tế đã ký.
2. Việc quản lý, sử dụng nhà, đất
phục vụ đối ngoại phải đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích,
đúng đối tượng, công khai, minh bạch.
3. Các khoản thu chi liên quan
đến việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện theo quy định
pháp luật về quản lý ngân sách nhà nước và quy định pháp luật có liên quan.
4. Giá cho thuê nhà, đất phục vụ
đối ngoại được xác định theo thị trường; đảm bảo bù đắp chi phí, có tích lũy để
bảo tồn và phát triển nhà, đất phục vụ đối ngoại; trừ các trường hợp được cơ
quan nhà nước có thẩm quyền cho phép miễn hoặc áp dụng giá cho thuê thấp hơn thị
trường để bảo đảm quan hệ đối ngoại của nhà nước.
5. Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm
toàn diện về quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại theo chức
trách, nhiệm vụ được giao; quản lý nguồn thu, các khoản chi theo quy định.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
MỤC 1. QUẢN
LÝ NHÀ, ĐẤT PHỤC VỤ ĐỐI NGOẠI SỬ DỤNG THEO HÌNH THỨC HỖ TƯƠNG, GIAO KHÔNG PHẢI
TRẢ TIỀN VÀ CHO THUÊ
Điều 5. Quản
lý nhà, đất phục vụ đối ngoại sử dụng theo hình thức hỗ tương
1. Căn cứ Hiệp định hoặc Thỏa
thuận giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước
ngoài; đơn vị được giao trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại
thực hiện:
a) Thỏa thuận với đối tượng được
sử dụng nhà, đất để ký Hợp đồng (hoặc Thỏa thuận) về trách nhiệm của các bên
trong thời gian sử dụng nhà, đất.
b) Tổ chức thực hiện bàn giao
nhà, đất cho người sử dụng. Việc bàn giao được lập thành Biên bản theo quy định
của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
c) Thực hiện nhiệm vụ thuộc
trách nhiệm của Bên Việt Nam đối với việc sử dụng nhà, đất ghi tại Hiệp định hoặc
Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ
nước ngoài.
d) Tổ chức thực hiện việc tiếp
nhận, bảo vệ nhà, đất do người sử dụng trả lại khi hết thời hạn sử dụng hỗ
tương. Lập phương án bố trí sử dụng, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Trường hợp Hiệp định hoặc Thỏa
thuận giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước
ngoài có quy định trách nhiệm của Bên Việt Nam phải thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa
nhà trong thời gian sử dụng thì chi phí bảo dưỡng, sửa chữa do đơn vị được giao
trực tiếp quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại tự đảm bảo từ nguồn thu sự nghiệp;
Trường hợp phải đầu tư, cải tạo, nâng cấp được sử dụng từ Quỹ phát triển hoạt động
sự nghiệp của đơn vị. Việc bảo dưỡng, sửa chữa, đầu tư, cải tạo, nâng cấp được
thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật
về đầu tư xây dựng, pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên
quan.
3. Nhà nước không thu tiền thuê
nhà, đất đối với diện tích nhà, đất phục vụ đối ngoại sử dụng theo hình thức hỗ
tương.
Điều 6. Quản
lý nhà, đất phục vụ đối ngoại sử dụng theo hình thức giao sử dụng
nhà, đất không phải trả tiền
1. Căn cứ Hiệp định hoặc Thỏa
thuận giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước
ngoài hoặc tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, đơn vị được giao trực tiếp
quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện:
a) Thỏa thuận với đối tượng được
sử dụng nhà, đất để ký Hợp đồng (hoặc Thỏa thuận) về trách nhiệm của các bên
trong thời gian sử dụng nhà, đất.
b) Tổ chức thực hiện bàn giao
nhà, đất cho người sử dụng. Việc bàn giao được lập thành Biên bản theo quy định
của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
c) Thực hiện nhiệm vụ thuộc
trách nhiệm của Bên Việt Nam đối với việc sử dụng nhà, đất ghi tại Hiệp định hoặc
Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ
nước ngoài.
d) Tổ chức thực hiện việc tiếp
nhận, bảo vệ nhà, đất do người sử dụng trả lại khi hết thời hạn sử dụng không
phải trả tiền. Lập phương án bố trí sử dụng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Trường hợp Hiệp định hoặc Thỏa
thuận giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước
ngoài có quy định trách nhiệm của Bên Việt Nam phải bảo dưỡng, sửa chữa nhà
trong thời gian sử dụng thì chi phí bảo dưỡng, sửa chữa do đơn vị được giao trực
tiếp quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại tự đảm bảo từ nguồn thu sự nghiệp; Trường
hợp phải đầu tư, cải tạo, nâng cấp được sử dụng từ Quỹ phát triển hoạt động
sự nghiệp của đơn vị như khoản 2 Điều 5. Việc bảo dưỡng, sửa chữa, đầu tư, cải
tạo, nâng cấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng
tài sản công, pháp luật về đầu tư xây dựng, pháp luật về ngân sách nhà nước và
pháp luật khác có liên quan.
3. Nhà nước không thu tiền thuê
nhà, đất đối với diện tích nhà, đất sử dụng theo hình thức giao sử dụng nhà, đất
không phải trả tiền.
Điều 7. Quản
lý nhà, đất phục vụ đối ngoại sử dụng đối với tổ chức nước ngoài có chức năng
ngoại giao, văn phòng nước ngoài được thuê theo nhiệm vụ Nhà nước giao theo quyết
định của cấp có thẩm quyền.
1. Bộ trưởng Bộ Ngoại
giao:
a) Xem xét, quyết định cho tổ
chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài được thuê nhà, đất theo nhiệm
vụ Nhà nước giao đối với từng trường hợp cụ thể.
b) Xem xét, quyết định giá cho
thuê nhà đảm bảo phù hợp với quan hệ đối ngoại, đảm bảo lợi ích của Nhà nước theo nguyên
tắc có đi có lại đối với từng trường hợp cụ thể.
2. Đơn vị được giao trực tiếp
quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện:
a) Ký Hợp đồng cho thuê nhà với
tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài theo quy định
của pháp luật Việt Nam.
b) Thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa
nhà theo Hợp đồng thuê nhà hoặc Thỏa thuận khác ký giữa Bên cho thuê và Bên
thuê nhà theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trường hợp Hợp đồng thuê nhà hoặc
Thỏa thuận khác quy định trách nhiệm bảo dưỡng, sửa chữa nhà thuộc Bên cho thuê
nhà thì kinh phí thực hiện theo chế độ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp theo
quy định của pháp luật.
MỤC 2.
ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CÁC CƠ SỞ NHÀ, ĐẤT PHỤC VỤ ĐỐI NGOẠI THEO HÌNH THỨC LIÊN
DOANH, LIÊN KẾT
Điều 8.
Nguyên tắc thực hiện việc đầu tư phát triển các cơ sở nhà, đất phục vụ đối ngoại
theo hình thức liên doanh, liên kết
1. Việc đầu tư phát triển cơ sở
nhà, đất phục vụ đối ngoại được thực hiện dưới hình thức liên doanh, liên kết theo quy
định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn có liên
quan được cấp có thẩm quyền quyết định.
2. Việc đầu tư phát triển cơ sở
nhà, đất phục vụ đối ngoại theo hình thức liên doanh, liên kết không
làm thay đổi chủ sở hữu nhà nước đối với các cơ sở nhà, đất và không làm ảnh hưởng
đến nhiệm vụ phục vụ đối ngoại được giao.
3. Việc đầu tư phát triển cơ sở
nhà, đất phục vụ đối ngoại theo hình thức liên doanh, liên kết phải đảm
bảo hiệu quả, công khai, minh bạch. Ngân sách nhà nước không cấp kinh phí cho
hoạt động đầu tư theo hình thức liên doanh, liên kết và không bù lỗ
cho hoạt động đầu tư này (nếu có).
4. Đơn vị được Bộ Ngoại giao
giao nhiệm vụ phát triển cơ sở nhà, đất phục vụ đối ngoại có trách nhiệm nộp
thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các khoản phải nộp khác cho ngân sách
nhà nước theo quy định pháp luật.
5. Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm
toàn diện về hoạt động đầu tư, phát triển cơ sở nhà, đất phục vụ đối ngoại.
Điều
9. Đầu tư phát triển các cơ sở nhà, đất phục vụ đối ngoại theo hình thức
liên doanh, liên kết
1. Đơn vị sử dụng nhà, đất phục
vụ đối ngoại để góp vốn, liên doanh, liên kết phải lập đề án theo Mẫu
số 02/TSC-ĐA ban hành kèm theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017, báo
cáo Bộ trưởng Bộ Ngoại xem xét.
2. Thẩm quyền xem xét, phê duyệt
đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với từng trường hợp cụ thể trên cơ
sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính.
3. Điều kiện sử dụng nhà, đất
phục vụ đối ngoại để liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và
ngoài nước:
a) Nhà, đất được giao, được
đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng
hết công suất;
b) Nhà, đất được đầu tư xây dựng,
mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để liên doanh,
liên kết mà không do ngân sách nhà nước đầu tư;
c) Việc sử dụng nhà, đất để
liên doanh, liên kết đem lại hiệu quả cao hơn trong việc cung cấp dịch vụ công
theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
d) Việc sử dụng nhà, đất để
liên doanh, liên kết không hình thành pháp nhân mới.
4. Trường hợp tài sản được tính
thành vốn góp khi liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật, việc xác định
giá trị tài sản phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Đối với tài sản là quyền sử
dụng đất đủ điều kiện góp vốn theo quy định của pháp luật về đất đai, giá trị
quyền sử dụng đất được xác định theo giá thị trường tại thời điểm góp vốn liên
doanh, liên kết.
b) Đối với tài sản gắn liền với
đất đủ điều kiện góp vốn theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có
liên quan, giá trị tài sản được xác định phù hợp với giá trị thực tế còn lại
theo kết quả đánh giá lại tại thời điểm góp vốn liên doanh, liên kết.
5. Việc lựa chọn đối tác tham
gia liên doanh liên kết thực hiện theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP
ngày 26/12/2017 của Chính phủ.
6. Việc quản lý, sử dụng nhà, đất
phục vụ đối ngoại để liên doanh, liên kết phải thực hiện theo các quy định của
Luật Quản lý sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày
26/12/2017 của Chính phủ.
MỤC 3.
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG SỐ TIỀN THU ĐƯỢC VIỆC SỬ DỤNG NHÀ, ĐẤT PHỤC VỤ ĐỐI NGOẠI
Điều 10. Quản
lý, sử dụng số tiền thu được từ việc sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại để cho
thuê; liên doanh, liên kết
1. Quản lý nguồn thu
a) Đối với nguồn thu từ
việc sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê phục vụ đối ngoại, sau khi chi
trả các chi phí có liên quan, đơn vị quản lý, sử dụng tài sản công có trách nhiệm
nộp ngân sách nhà nước.
b) Đối với các khoản thu từ
liên doanh, liên kết được quản lý, sau khi chi trả các chi phí hợp lý có
liên quan, trả nợ vốn vay, vốn huy động (nếu có), thực hiện nghĩa vụ tài chính
với Nhà nước, phần được chia còn lại của đơn vị sự nghiệp công lập được quản
lý, sử dụng theo quy định của Chính phủ về cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp
công lập.
2. Chi phí hợp lý có liên quan
đến việc sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại vào mục đích cho thuê; liên doanh,
liên kết gồm:
a) Chi phí khấu hao tài sản cố
định;
b) Chi phí định giá, thẩm định
giá, đấu giá tài sản;
c) Chi phí quản lý, vận hành
tài sản trong thời gian cho thuê; liên doanh, liên kết;
d) Chi phí hợp lý khác có liên
quan.
Chương
III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ
QUAN NHÀ NƯỚC
Điều 11.
Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao
1. Quyết định hoặc trình cấp có
thẩm quyền quyết định việc quản lý, sử dụng, đầu tư, nâng cấp các cơ sở nhà, đất
phục vụ đối ngoại theo đúng quy định tại Nghị định này.
2. Quản lý, sử dụng, đầu tư,
nâng cấp các cơ sở nhà, đất phục vụ đối ngoại theo đúng quy định của pháp luật
về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có
liên quan.
3. Phối hợp với các cơ quan
liên quan đảm bảo điều kiện hoạt động của các tổ chức nước ngoài có chức năng
ngoại giao, văn phòng nước ngoài trong thời gian sử dụng nhà, đất phục vụ đối
ngoại tại Việt Nam.
4. Chỉ đạo đơn vị được giao trực
tiếp quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện hạch toán và báo cáo đối với
các tài sản là nhà, đất được giao quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật
về kế toán, pháp luật về thống kê.
Nội dung báo cáo tài sản gồm:
a) Báo cáo kê khai tài sản;
b) Báo cáo tình hình quản lý, sử
dụng tài sản.
Nội dung báo cáo kê khai tài sản
và báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản là nhà, đất phục vụ hoạt động đối
ngoại thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương XIV Nghị định số 151/2017/NĐ-CP
ngày 26/12/2017 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Điều 12.
Trách nhiệm của Bộ Tài chính
Hướng dẫn các đơn vị liên quan
trong việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ công tác đối ngoại theo quy định của
pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan.
Điều 13.
Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Chỉ đạo các cơ quan chức năng
có liên quan phối hợp với Bộ Ngoại giao, đơn vị được giao trực tiếp quản lý
nhà, đất phục vụ đối ngoại trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đất đai, đầu
tư xây dựng, an toàn an ninh cho các tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại
giao, văn phòng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Điều
14. Điều khoản chuyển tiếp
Đối với các cơ sở nhà, đất phục
vụ hoạt động đối ngoại đang cho đối tượng không phải tổ chức nước ngoài có chức
năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài thuê trước ngày Nghị định này có hiệu lực
thi hành thì Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chỉ đạo đơn vị được giao nhiệm vụ trực
tiếp quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại chấm dứt việc cho thuê đối với đối tượng
này khi hết hợp đồng cho thuê; việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ công tác
đối ngoại sau khi chấm dứt việc cho thuê thực hiện theo quy định tại Nghị định
này.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều
15. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi
hành từ ngày tháng năm 2020.
Bãi bỏ Quyết định số
56/2014/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản
lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước phục vụ hoạt động đối ngoại của nhà
nước.
Điều
16. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định
này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng,
- VP Quốc hội; VP Chủ tịch nước,
- Viện KSND tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan trung ương của các Đoàn thể;
- VPCP: Bộ trưởng CN, các Phó CN, Website Chính phủ, Người phát ngôn của Thủ
tướng CP, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH.
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|