Dự thảo Nghị định quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 28/08/2024
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:       /           /NĐ-CP

Hà Nội, ngày         tháng         năm

DỰ THẢO

 

 

NGHỊ ĐỊNH

QUẢN LÝ THỰC VẬT RỪNG, ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM VÀ THỰC THI CÔNG ƯỚC VỀ BUÔN BÁN QUỐC TẾ CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT, THỰC VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Chính phủ ban hành Nghị định quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định Danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; chế độ quản lý, bảo vệ, trình tự, thủ tục khai thác các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (sau đây viết tắt là CITES); nuôi động vật rừng thông thường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động liên quan đến thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm; động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES; nuôi động vật rừng thông thường trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ được hiểu như sau:

1. Loài dùng để chỉ một loài, một phân loài hoặc một quần thể động vật, thực vật cách biệt về địa lý.

2. Loài lai là kết quả giao phối hay cấy ghép hai loài hoặc hai phân loài động vật hoặc thực vật với nhau. Trong trường hợp loài lai là kết quả giao phối hay cấy ghép giữa hai loài được quy định trong các Nhóm hoặc Phụ lục khác nhau hoặc với loài thông thường thì loài lai đó được quản lý của loài thuộc Nhóm hoặc Phụ lục mức độ bảo vệ cao hơn.

3. Phụ lục CITES là Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp được Hội nghị các quốc gia thành viên CITES thông qua và có hiệu lực phù hợp với quy định của Công ước, gồm:

a) Phụ lục I gồm những loài động vật, thực vật hoang dã bị đe doạ tuyệt chủng, bị cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật khai thác từ tự nhiên vì mục đích thương mại;

b) Phụ lục II gồm những loài động vật, thực vật hoang dã hiện chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có thể sẽ bị tuyệt chủng nếu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật những loài này khai thác từ tự nhiên vì mục đích thương mại không được kiểm soát;

c) Phụ lục III gồm những loài động vật, thực vật hoang dã mà một quốc gia thành viên CITES yêu cầu các quốc gia thành viên khác hợp tác để kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu vì mục đích thương mại.

4. Bộ phận của động vật, thực vật là bất kỳ phần nào của động vật (như da, lông, móng, sừng…), thực vật (như vỏ, rễ...) ở dạng thô hoặc đã qua sơ chế (như bảo quản, làm bóng…) hoặc chế biến thành sản phẩm hoàn chỉnh có khả năng nhận dạng được của loài đó.

5. Dẫn xuất của các loài động vật, thực vật là toàn bộ các dạng vật chất được tách, chiết xuất ra từ động vật, thực vật, như: máu, xạ, dịch, mật, mỡ của động vật; nhựa, tinh dầu, dịch chiết từ thực vật.

6. Mẫu vật các loài động vật, thực vật bao gồm động vật, thực vật còn sống hay đã chết, tinh, phôi, trứng, ấu trùng, bộ phận, dẫn xuất của các loài đó.

7. Động vật rừng thông thường là các loài động vật thuộc các lớp thú, chim, bò sát, lưỡng cư và không thuộc: Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm do Chính phủ ban hành hoặc Danh mục các loài thuộc Phụ lục I, II CITES; Danh mục động vật được nuôi, thuần hoá thành vật nuôi theo quy định của pháp luật về chăn nuôi.

8. Khai thác mẫu vật các loài động vật, thực vật là hoạt động lấy mẫu vật loài động vật, thực vật ra khỏi môi trường sống của chúng.

9. Vì mục đích thương mạicác hoạt động giao dịch đối với mẫu vật các loài động vật, thực vật nhằm mục đích lợi nhuận.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ