CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 98/2014/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 24
tháng 10 năm 2014
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY
ĐỊNH VIỆC THÀNH LẬP TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ, CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI TẠI DOANH
NGHIỆP THUỘC MỌI THÀNH PHẦN KINH TẾ
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Doanh
nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Đầu tư
ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Bộ luật Lao
động ngày 08 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Công
đoàn ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Hợp
tác xã ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Luật Thanh
niên ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Pháp lệnh Cựu
chiến binh ngày 18 tháng 10 năm 2005;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc thành
lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi
thành phần kinh tế.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định thành lập tổ chức Đảng Cộng
sản Việt Nam (sau đây viết tắt là tổ chức Đảng); các tổ chức chính trị - xã hội
(gồm Công đoàn Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu Chiến
binh Việt Nam) tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; trách nhiệm của
cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện để người lao động có
nhu cầu, hoặc mong muốn được thành lập và tham gia hoạt động tại các tổ chức đó
khi đủ điều kiện theo quy định.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần,
công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân, bao gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn,
công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, doanh nghiệp
của tổ chức Đảng và của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp có vốn đầu
tư của nhà đầu tư nước ngoài.
2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà đầu tư nước
ngoài không đăng ký lại theo Nghị định số 101/2006/NĐ-CP
ngày 21 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định về việc đăng ký lại, chuyển đổi
và đăng ký đổi Giấy chứng nhận đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước
ngoài theo quy định của Luật Doanh nghiệp
và Luật Đầu tư.
3. Hợp tác xã.
4. Người quản lý doanh nghiệp và người lao động
trong các loại hình doanh nghiệp nêu tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 của Điều
này.
Đối tượng nêu tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 của Điều
này được gọi chung là doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Điều 3. Nguyên tắc, điều kiện
thành lập
1. Tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội
trong doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ Hiến
pháp, pháp luật và theo Điều lệ Đảng, Điều lệ các tổ chức chính trị - xã hội
và phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị -
xã hội trong doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế khi có đủ số người lao động
là đảng viên, đoàn viên, hội viên theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ
chức đó.
3. Người lao động trong doanh nghiệp có nhu cầu, hoặc
mong muốn tham gia hoạt động, được cấp ủy đảng cấp trên cơ sở, tổ chức chính trị
- xã hội cấp trên hướng dẫn thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã
hội tại doanh nghiệp.
4. Doanh nghiệp có nghĩa vụ tôn trọng, tạo điều kiện
thuận lợi để người lao động thành lập và tham gia hoạt động trong tổ chức Đảng,
các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp.
Điều 4. Quy định thành lập tổ
chức Đảng tại doanh nghiệp
Doanh nghiệp có từ 3 người lao động là đảng viên
chính thức trở lên đủ điều kiện thành lập tổ chức Đảng theo quy định của Điều lệ
Đảng Cộng sản Việt Nam, việc thành lập và hoạt động được thực hiện như sau:
1. Doanh nghiệp đã có tổ chức Đảng: Tổ chức Đảng tại
doanh nghiệp tiến hành rà soát số người lao động là đảng viên đang làm việc ổn
định từ 12 tháng trở lên trong doanh nghiệp đang sinh hoạt đảng ở nơi khác và đề
nghị cấp ủy đảng cấp trên chuyển số người lao động là đảng viên đó về sinh hoạt
tại tổ chức Đảng của doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng: Cấp ủy đảng cấp
trên cơ sở nơi doanh nghiệp hoạt động tiến hành rà soát khi có đủ từ 3 người
lao động là đảng viên chính thức đang làm việc ổn định từ 12 tháng trở lên
trong doanh nghiệp đang sinh hoạt đảng ở nơi khác, tiến hành chuyển số đảng
viên đó về tổ chức Đảng cấp trên cơ sở, phối hợp với doanh nghiệp làm các thủ tục
thành lập tổ chức Đảng ở doanh nghiệp.
3. Doanh nghiệp chỉ có 1 hoặc 2 người lao động là đảng
viên chính thức, cấp ủy đảng cấp trên cơ sở chuyển số lao động là đảng viên đó
về tổ chức Đảng cấp trên cơ sở, quyết định lập chi bộ ghép hoặc phân công đảng
viên của tổ chức Đảng cấp trên cơ sở về sinh hoạt và lập tổ chức Đảng tại doanh
nghiệp; chi bộ ghép có trách nhiệm thực hiện công tác phát triển đảng ở doanh
nghiệp, khi có đủ 3 người lao động là đảng viên chính thức làm việc cùng doanh
nghiệp, cấp ủy đảng cấp trên cơ sở quyết định thành lập tổ chức Đảng tại doanh
nghiệp.
4. Doanh nghiệp chưa có người lao động là đảng
viên, cấp ủy đảng cấp trên cơ sở chỉ đạo cấp ủy đảng cơ sở nơi doanh nghiệp đặt
trụ sở chính, phân công cấp ủy viên, đảng viên có kinh nghiệm phối hợp với các
tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp phát hiện, bồi dưỡng tạo nguồn, kết
nạp đảng viên, khi đủ điều kiện theo quy định của Điều lệ Đảng cộng sản Việt
Nam, cấp ủy đảng cấp trên cơ sở quyết định thành lập tổ chức Đảng tại doanh
nghiệp.
Điều 5. Quy định thành lập các
tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp
1. Tổ chức Công đoàn
a) Doanh nghiệp có từ 5 đoàn viên công đoàn, hoặc người
lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam, đủ điều kiện thành lập tổ
chức Công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn
và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
b) Chậm nhất sau sáu tháng kể từ ngày doanh nghiệp
được thành lập và đi vào hoạt động, công đoàn địa phương, công đoàn ngành, công
đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất phối hợp cùng doanh nghiệp thành lập tổ chức
Công đoàn theo quy định của Bộ luật Lao động,
Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt
Nam để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động,
tập thể lao động.
c) Sau thời gian quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều
này, nếu doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn, công đoàn cấp trên có
quyền chỉ định Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời của doanh nghiệp để đại diện, bảo
vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể lao động.
2. Tổ chức Đoàn thanh niên, tổ chức Cựu chiến binh
a) Đối với doanh nghiệp có tổ chức Đảng, tổ chức
Đoàn thanh niên, tổ chức Cựu chiến binh cấp trên cơ sở cùng với tổ chức Đảng tại
doanh nghiệp căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp nêu tại Điều 2 Nghị định này phối hợp với doanh nghiệp thành lập tổ chức
Đoàn thanh niên và tổ chức Cựu chiến binh tại doanh nghiệp.
b) Đối với doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng, căn cứ
vào quy định của pháp luật, Luật Thanh niên,
Pháp lệnh Cựu chiến binh và Điều lệ của các
tổ chức đó, người lao động có nhu cầu, hoặc mong muốn thành lập thì tổ chức Đảng
cấp trên cơ sở phối hợp với doanh nghiệp và tổ chức Đoàn thanh niên, tổ chức Cựu
chiến binh cấp trên cơ sở xem xét, quyết định thành lập phù hợp với từng doanh
nghiệp nêu tại Điều 2 Nghị định này.
Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan
quản lý nhà nước
1. Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm giúp đỡ,
phối hợp, tạo điều kiện để doanh nghiệp thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức
chính trị - xã hội tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thường xuyên
kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị định này.
2. Các khoản chi hỗ trợ của doanh nghiệp cho tổ chức
Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội để phục vụ hoạt động được tính là khoản
chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định
của pháp luật.
Điều 7. Trách nhiệm của tổ chức
Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội
Tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội cấp
trên nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính có trách nhiệm:
1. Hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp chưa thành lập tổ
chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện các thủ tục thành lập khi đủ
điều kiện theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức đó.
2. Kiểm tra, đôn đốc việc thành lập tổ chức Đảng,
các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp để đại diện, bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần doanh nghiệp phát triển bền
vững.
Điều 8. Trách nhiệm của doanh
nghiệp
Doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản
lý nhà nước, tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội cấp trên nơi doanh
nghiệp đóng trụ sở chính thực hiện:
1. Tôn trọng, tạo điều kiện và bảo đảm các quyền
thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội của người lao động tại
doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, Điều lệ của tổ chức đó.
2. Phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức Đảng,
các tổ chức chính trị xã hội cấp trên tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn người
lao động tham gia thành lập tổ chức phù hợp với điều kiện hoạt động và phát triển
doanh nghiệp.
3. Tạo điều kiện thuận lợi, phối hợp với tổ chức Đảng,
các tổ chức chính trị - xã hội đã được thành lập tại doanh nghiệp giải quyết kịp
thời những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp, chính đáng
của người lao động.
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Căn cứ nguyên tắc, điều kiện và quy định tại Điều 3, Điều 4 và Điều 5 của Nghị định này, cơ quan, tổ chức,
doanh nghiệp và người lao động phối hợp tiến hành thành lập tổ chức Đảng, các tổ
chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
2. Đối với doanh nghiệp tư
nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài còn gặp khó khăn
trong việc thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh
nghiệp thì trong thời gian từ năm 2014 - 2016 giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp
với các Bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, địa phương và cơ quan có liên
quan tổ chức làm điểm tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sau đó
tổ chức sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng trong cả nước.
3. Định kỳ hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm
việc với tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp để kiểm điểm,
đánh giá tình hình thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội tại
doanh nghiệp thuộc tỉnh; đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các vấn đề
phát sinh liên quan đến thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội
tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
4. Bộ Tài chính có trách nhiệm
hướng dẫn thực hiện Khoản 2 Điều 6 của Nghị định này.
5. Hàng năm trước ngày 15 tháng 11, Ủy ban nhân dân
cấp tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức
chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế về Bộ Nội vụ để
tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức
Trung ương làm việc với Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, các tổ chức chính
trị - xã hội ở Trung ương đánh giá tình hình thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức
chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, kịp thời đề
xuất, kiến nghị những vấn đề phát sinh liên quan.
6. Sau 5 năm tổ chức triển khai thực hiện, Chính phủ
chủ trì tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị định này.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10
tháng 12 năm 2014.
Điều 11. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, V.III (3b).
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|