Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Nghị định 96-CP năm 1971 hệ thống chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh, áp dụng ở ba xí nghiệp thí điểm cải tiến quản lý do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 96-CP
Ngày ban hành 19/05/1971
Ngày có hiệu lực 03/06/1971
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc
*******

SỐ: 96-CP

Hà Nội, ngày 19  tháng 5  năm 1971

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ HỆ THỐNG CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH PHÁP LỆNH, ÁP DỤNG Ở BA XÍ NGHIỆP THÍ ĐIỂM CẢI TIẾN QUẢN LÝ

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào kết quả thí điểm bước I cải tiến quản lý tại các nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, dệt 8-3 và rượu Hà-nội;
Xét sự cần thiết phải cải tiến chế độ xét duyệt và đánh giá hoàn thành kế hoạch của xí nghiệp công nghiệp quốc doanh nhằm nâng cao quyền chủ động của xí nghiệp trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch, trong việc củng cố hạch toán kinh tế, nâng cao hiệu quả kinh tế của xí nghiệp;
Theo đề nghị của ông Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay quy định hệ thống chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh để áp dụng kể từ kế hoạch năm 1971 cho các nhà máy thí điểm cải tiến quản lý xí nghiệp công nghiệp: cơ khí Trần Hưng Đạo thuộc Bộ Cơ khí và luyện kim, dệt 8/3 thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ và rượu Hà-nội thuộc Bộ Lương thực và thực phẩm.

Điều 2. – Hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh gồm có:

1. Giá trị sản lượng hàng hóa thực hiện (sau khi đã được xuất kho cung tiêu và nhận được giấy báo trả tiền của ngân hàng).

2. Sản lượng sản phẩm chủ yếu bằng hiện vật (theo tiêu chuẩn chất lượng quy định, tính theo đơn vị quy ước).

3. Tổng quỹ tiền lương.

4. Lãi và các khoản nộp ngân sách.

5. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản do Nhà nước cấp và công suất huy động.

6. Thiết bị, vật tư kỹ thuật chủ yếu do Nhà nước cấp.

Năm chỉ tiêu đầu thể hiện nhiệm vụ bắt buộc của xí nghiệp công nghiệp đối với Nhà nước là căn cứ để đánh giá kết quả hoàn thành kế hoạch Nhà nước của xí nghiệp. Chỉ tiêu thứ sáu thể hiện nhiệm vụ của cơ quan cung cấp vật tư của Nhà nước đối với xí nghiệp; việc thực hiện chỉ tiêu này được Nhà nước tính đến trong khi đánh giá kết quả hoàn thành kế hoạch Nhà nước của xí nghiệp.

Điều 3. – Nội dung và phương pháp tính toán các chỉ tiêu pháp lệnh được quy định trong bản quy định kèm theo nghị định này.

Căn cứ vào kế hoạch của Nhà nước, vào hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh đã quy định, Bộ trưởng các Bộ chủ quản xí nghiệp sẽ quyết định các chỉ tiêu pháp lệnh cụ thể và xét duyệt kế hoạch toàn diện của xí nghiệp thí điểm trực thuộc Bộ mình.

Điều 4. – Các chỉ tiêu khác như: năng suất lao động, tổng số công nhân viên chức, lương bình quân, giá thành v.v…do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước hướng dẫn, giám đốc xí nghiệp làm và báo cáo lên Bộ chủ quản.

Điều 5. – Để xúc tiến công tác cải tiến quản lý xí nghiệp công nghiệp chung, hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh nói trong nghị định này được áp dụng cho những xí nghiệp khác, khi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ chủ quản xét thấy có đầy đủ điều kiện.

Điều 6. – Các ông Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ trưởng các Bộ Cơ khí và luyện kim, Công nghiệp nhẹ, Lương thực và thực phẩm, giám đốc các nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, dệt 8/3 và rượu Hà-nội chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

 

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

QUY ĐỊNH

NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP TÍNH TOÁN VÀ QUẢN LÝ CÁC CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH PHÁP LỆNH ÁP DỤNG Ở BA XÍ NGHIỆP THÍ ĐIỂM CẢI TIẾN QUẢN LÝ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 96-CP ngày 19-5-1971 của Hội đồng Chính phủ)

1. Giá trị sản lượng hàng hóa thực hiện:

a) Tính theo hai loại giá: giá cố định năm 1970 và giá bán buôn xí nghiệp hiện hành.

b) Tính giá trị sản lượng hàng hóa đã xuất kho thành phẩm của cung tiêu và đã nhận được giấy báo trả tiền của ngân hàng.

Giá trị sản lượng hàng hóa thực hiện không bao gồm thành phẩm còn nằm trong kho của xí nghiệp, hoặc đã xuất kho cung tiêu còn trên đường đi, chưa nhận được giấy báo trả tiền của ngân hàng.

[...]