NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 80-CP NGÀY 05 THÁNG 12 NĂM 1996 QUY ĐỊNH TỔ
CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA CHUYÊN NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông ngày 2 tháng 12 năm 1994;
Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6 tháng 7 năm 1995;
Để thực hiện các Nghị định của Chính phủ số 36/CP ngày 29 tháng 5 năm 1995 về
bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị,
số 49/CP ngày 26 tháng 7 năm 1995 quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm
trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị, số
39/CP ngày 5 tháng 7 năm 1996 về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt,
số 40/CP ngày 5 tháng 7 năm 1996 về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường
thuỷ nội địa;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bộ trưởng - Trưởng ban Tổ
chức - Cán bộ Chính phủ;
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.-
Nghị định này quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra chuyên ngành giao
thông vận tải đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa (gọi tắt là Thanh tra
giao thông).
Điều 2.-
Thanh tra giao thông thực hiện chức năng thanh tra việc chấp hành các quy định
của pháp luật về bảo vệ công trình giao thông và an toàn giao thông vận tải, xử
lý các vi phạm hành chính về bảo vệ công trình giao thông và an toàn giao thông
vận tải theo quy của Pháp luật.
Điều 3.-
Tổ chức Thanh tra giao thông có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở
tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.
Kinh phí hoạt động của Thanh tra
giao thông do ngân sách Nhà nước cấp theo quy định của Chính phủ.
Điều 4.-
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra hoạt động của
Thanh tra giao thông trong phạm vi cả nước.
Điều 5.-
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp, lực lượng vũ trang nhân dân và mọi
công dân có trách nhiệm hỗ trợ hoạt động của Thanh tra giao thông.
Chương 2:
TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA
THANH TRA GIAO THÔNG
Điều 6.-
Hệ thống tổ chức Thanh tra giao thông.
1. Thanh tra giao thông trực thuộc
các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa
bao gồm:
a) Ban Thanh tra giao thông đường
bộ;
b) Ban Thanh tra giao thông đường
sắt;
c) Ban Thanh tra giao thông đường
thuỷ nội địa.
2. Ban Thanh tra giao thông trực
thuộc các Sở Giao thông vận tải (Sở Giao thông công chính) do Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương thành lập theo hướng dẫn của bộ Giao thông vận
tải.
Bộ Giao thông vận tải và Ban Tổ
chức - Cán bộ Chính phủ thống nhất hướng dẫn về tổ chức và biên chế Thanh tra
giao thông các cấp.
Điều 7.-
1. Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng ban Thanh tra giao thông thuộc
các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng ban Thành tra giao
thông thuộc Sở Giao thông vận tải (Sở Giao thông công chính).
Điều 8.-
Thanh tra giao thông có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Tuyên truyền, phổ biến, hướng
dẫn việc thực hiện pháp luật về bảo vệ công trình giao thông và an toàn giao
thông vận tải, phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan để thực hiện nhiệm
vụ đó.
2. Kiểm tra, thanh tra và xử lý
theo thẩm quyền các vi phạm hành chính về bảo vệ công trình giao thông và vi phạm
trật tự an toàn giao thông vận tải.
3. Thanh tra, xử lý việc cấp
phép, đưa ra sử dụng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa.
4. Kiểm tra, xử lý các hành vi
vi phạm thể lệ vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường bộ, đường sắt, đường
thuỷ nội địa.
5. Lập biên bản các vi phạm pháp
luật về bảo vệ công trình giao thông và trật tự an toàn giao thông vận tải, quyết
định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bảo
vệ công trình giao thông và trật tự an toàn giao thông vận tải theo thẩm quyền.
6. Kiểm tra, xử lý các hành vi
vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và chức danh của Thanh tra giao thông
chuyên ngành đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa.
Điều 9.-
Tiêu chuẩn của Thanh tra viên giao thông:
1. Có phẩm chất chính trị tốt,
có ý thức trách nhiệm, trung thực, công minh, khách quan, có sức khoẻ tốt;
2. Có trình độ kỹ thuật chuyên
ngành, có kiến thức về luật lệ giao thông vận tải và kiến thức pháp lý.
Điều 10.-
Thanh tra giao thông được trang cấp: phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, trang phục,
và các phương tiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
quy định cụ thể phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, màu sắc trang phục của Thanh tra
giao thông theo từng chuyên ngành và chế độ sử dụng trang phục.
Chương 3:
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI
PHẠM
Điều 11.-
Thanh tra viên giao thông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được khen thưởng theo
quy định chung của Nhà nước.
Điều 12.-
Thanh tra viên giao thông khi thực hiện nhiệm vụ mà có hành vi sách nhiễu,
không khách quan, dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời,
không đúng mức, xử lý vượt quá thẩm quyền quy định thì tuỳ theo tính chất, mức
độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây
thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 13.-
Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các hành vi của Thanh tra giao thông
phải tuân theo trình tự, thủ tục quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành của
Nhà nước về khiếu nại và tố cáo.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14.-
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Những quy định trước đây trái với
nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 15.-
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm hướng dẫn việc thi hành Nghị định
này.
Điều 16.-
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành
Nghị định này.