Nghị định 65-CP năm 1963 điều lệ tạm thời về việc xử lý các vụ vi phạm chế độ hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 65-CP
Ngày ban hành 15/05/1963
Ngày có hiệu lực 30/05/1963
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Vi phạm hành chính

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 65-CP

Hà Nội, ngày 15 tháng 05 năm 1963

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ VIỆC XỬ LÝ CÁC VỤ VI PHẠM CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA TRONG NƯỚC

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị định số 004-TTg ngày 04-01-1960 của Thủ tướng Chính phủ ban hành điều lệ tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế giữa các xí nghiệp quốc doanh và các cơ quan Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 29-CP ngày 23-02-1962 của Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ tạm thời quy định những nguyên tắc xử lý trong việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế;
Theo đề nghị của ông Chủ tịch Hội đồng trọng tài trung ương;
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong hội nghị của Thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 23-01-1963,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. – Nay ban hành, kèm theo nghị định này, điều lệ tạm thời về việc xử lý các vụ vi phạm chế độ hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước.

Điều 2. – Ông Chủ tịch Hội đồng trọng tài trung ương chịu trách nhiệm giải thích và quy định chi tiết thi hành bản điều lệ này.

Điều 3. – Ông Chủ tịch Hội đồng trọng tài trung ương, các ông Bộ trưởng các Bộ, các ông Tổng cục trưởng các Tổng cục có liên quan, các ông Chủ tịch các Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh, chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

 

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

 

ĐIỀU LỆ TẠM THỜI

VỀ VIỆC XỬ LÝ CÁC VỤ VI PHẠM CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA TRONG NƯỚC

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. – Bản điều lệ tạm thời này cụ thể hóa những nguyên tắc và thể lệ đã ban hành về chế độ hợp đồng kinh tế, nhằm làm cơ sở cho việc xử lý các vụ tranh chấp về từ chối ký kết hợp đồng và vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước.

Điều 2. – Trong khi xử lý các vụ tranh chấp về từ chối ký kết hợp đồng và vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước, cần phải quán triệt các mục đích sau đây:

1. Đẩy mạnh sản xuất và lưu thông hàng hóa, đưa sản xuất và lưu thông hàng hóa đi vào kế hoạch.

2. Đề cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức và ý thức kỷ luật trong việc thực hiện chế độ hợp đồng, tăng cường sự hợp tác xã hội chủ nghĩa giữa các cơ quan Nhà nước và các đơn vị sản xuất, kinh doanh.

3. Tăng cường ý thức đảm bảo chất lượng hàng hóa, góp phần nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng hàng hóa, khắc phục khuynh hướng chạy theo số lượng, coi nhẹ phẩm chất, tránh ứ động vốn, ứ đọng hàng hóa.

4. Bảo đảm lợi ích vật chất của cả hai bên đã ký kết hợp đồng, củng cố và tăng cường chế độ hạch toán kinh tế.

Điều 3. - Hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước nói trong điều lệ này bao gồm:

- Hợp đồng cung cấp vật tư kỹ thuật, cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho sản xuất, xây dựng và vận tải;

-  Hợp đồng mua bán hàng công nghệ, hàng nông sản, lâm sản, thổ sản, hải sản, sách báo;

- Hợp đồng gia công đặt hàng, hợp đồng bán nguyên liệu, vật liệu, thu mua thành phẩm.

THỂ LỆ KÝ KẾT, THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG VÀ XỬ PHẠT CÁC VỤ VI PHẠM

A. Trước lúc ký kết hợp đồng:

Điều 4. – Cơ sở để ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa là chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước và chỉ tiêu kế hoạch của các Bộ, Tổng cục, Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh đã được Nhà nước phê chuẩn.

Số lượng và giá trị những loại hàng chủ yếu ghi trong hợp đồng cụ thể phải phù hợp với số lượng và giá trị ghi trong hợp đồng nguyên tắc. Đối với các mặt hàng mà trong khi chỉ ghi bằng chỉ tiêu giá trị, không ghi bằng chỉ tiêu hiện vật, thì hai bên phải căn cứ vào chỉ tiêu giá trị để quy định cụ thể với nhau. Hai bên mua và bán có thể thỏa thuận với nhau để ký kết thêm về những sản phẩm vượt chỉ tiêu.

[...]