Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Nghị định 46/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Nhà nước

Số hiệu 46/2003/NĐ-CP
Ngày ban hành 09/05/2003
Ngày có hiệu lực 11/06/2003
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 46/2003/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 09 tháng 5 năm 2003

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 46/2003/NĐ-CP NGÀY 09 THÁNG 5 NĂM 2003 QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA THANH TRA NHÀ NƯỚC

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 02/2002/QH11 ngày 05 tháng 8 năm 2002 của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khoá XI, kỳ họp thứ nhất, quy định danh sách các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Theo đề nghị của Tổng Thanh tra Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. Vị trí và chức năng

Thanh tra Nhà nước là cơ quan ngang bộ của Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện quyền thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng theo thẩm quyền.

Điều 2 . Nhiệm vụ và quyền hạn

Thanh tra Nhà nước có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây :

1. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, và phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng;

2. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, chương trình, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng;

3. Ban hành các quyết định, chỉ thị, thông tư về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng;

4. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt và các văn bản pháp luật khác thuộc phạm vi quản lý; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng;

5. Về thanh tra:

a) Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thanh tra việc liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, việc có liên quan đến trách nhiệm của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thanh tra các vụ việc do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp giao;

b) Hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra của bộ, ngành, địa phương;

c) Chỉ đạo, hướng dẫn công tác chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra đối với các tổ chức thanh tra; hướng dẫn nghiệp vụ cho các tổ chức thanh tra nhân dân;

d) Yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành thanh tra hoặc phúc tra những vụ việc thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của bộ, ngành, địa phương;

đ) Chủ trì giải quyết khi có sự trùng lắp về thời gian, nội dung thanh tra, kiểm tra đối với một doanh nghiệp của các đoàn thanh tra, kiểm tra do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định;

e) Đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ kiến nghị, quyết định không đúng của tổ chức thanh tra nhà nước cấp dưới; giải quyết vấn đề chưa thống nhất giữa thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, giữa thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với thủ trưởng cùng cấp về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo;

f) Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra được trưng tập cán bộ, công chức thanh tra ở các cấp, các ngành, được yêu cầu cơ quan, đơn vị có liên quan cử cán bộ, công chức tham gia; thực hiện quyền và trách nhiệm của tổ chức thanh tra theo quy định của pháp luật; xử lý các vi phạm về kinh tế, hành chính theo quy định của Chính phủ;

6. Về giải quyết khiếu nại, tố cáo :

a) Tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; tổ chức tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền;

b) Xác minh, kết luận và kiến nghị giải quyết hoặc ra quyết định giải quyết theo ủy quyền đối với khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng Chính phủ;

c) Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi phát hiện có vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật;

d) Xác minh, kết luận, kiến nghị biện pháp xử lý đối với các vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng Chính phủ khi được Thủ tướng Chính phủ giao;

[...]