Nghị định 39/2024/NĐ-CP quy định về biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Số hiệu 39/2024/NĐ-CP
Ngày ban hành 16/04/2024
Ngày có hiệu lực 01/06/2024
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Trần Hồng Hà
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2024/NĐ-CP

Hà Nội ngày 16 tháng 4 năm 2024

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH BIỆN PHÁP QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TRONG CÁC DANH SÁCH CỦA UNESCO VÀ DANH MỤC DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định biện pháp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam theo quy định của Luật Di sản văn hóa trong các Danh sách của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể (sau đây gọi là Danh mục của quốc gia).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cộng đồng, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nhận diện di sản văn hóa phi vật thể là hoạt động xác định tên gọi, loại hình, chủ thể, không gian, thời gian, sức sống, hiện trạng, đặc điểm, giá trị của di sản và các yếu tố tác động tới di sản văn hóa phi vật thể.

2. Nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể là hoạt động tìm hiểu về hình thức biểu đạt, các đặc điểm lịch sử, quá trình sáng tạo, tái tạo và chức năng xã hội, văn hóa, kinh tế của một di sản văn hóa phi vật thể cụ thể cùng các hình thức truyền dạy, các đặc điểm lịch sử, văn hóa, khoa học của di sản đó.

3. Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể là hoạt động thu thập, đánh giá, nhận diện và thể hiện thông tin về các di sản văn hóa phi vật thể một cách có hệ thống.

4. Tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể là hoạt động ghi, thu lại di sản văn hóa phi vật thể ở tình trạng hiện tại trong trạng thái khác nhau và thu thập các tài liệu liên quan nhằm mục đích xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể phục vụ lưu giữ lâu dài, tra cứu, phục hồi, giới thiệu, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

5. Cộng đồng chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể (còn gọi là cộng đồng chủ thể) là tập hợp những cá nhân cùng cư trú tại một khu vực địa lý, có đặc tính chung về văn hoá, xã hội, cùng thừa nhận một hay nhiều di sản văn hóa phi vật thể là bản sắc; phân biệt với cộng đồng khác.

6. Người thực hành di sản văn hóa phi vật thể là thành viên của cộng đồng chủ thể di sản văn hóa phi vật thể, người tích cực tái tạo, trao truyền, truyền tải, sáng tạo và định hình văn hóa trong cộng đồng và vì lợi ích của cộng đồng, bằng cách thực hiện, duy trì các thực hành xã hội dựa trên kiến thức và kỹ năng chuyên môn.

7. Nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể là người thực hành, nắm giữ và trao truyền các kỹ năng, kỹ thuật, bí quyết và hiểu biết sâu sắc về di sản văn hóa phi vật thể.

8. Thực hành di sản văn hóa phi vật thể là hoạt động thể hiện các biểu đạt văn hóa của cộng đồng, nhóm, cá nhân chủ thể nhằm duy trì sức sống, bảo đảm tính liên tục, nội dung, quy trình thực hành, các yếu tố cấu thành, nguyên tắc, bản chất tự nhiên và giá trị của loại hình di sản văn hóa phi vật thể.

9. Biểu đạt của di sản văn hóa phi vật thể là những biểu hiện cụ thể bằng ngôn ngữ, hành động, cử chỉ, sản phẩm, được cộng đồng, nhóm hoặc cá nhân tạo ra trong quá trình thực hành nhằm truyền tải nội dung, thông tin, ý nghĩa, giá trị của di sản văn hóa phi vật thể.

10. Truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể là hoạt động của nghệ nhân, người thực hành gồm hướng dẫn, truyền đạt, chỉ bảo cho thế hệ kế cận những kỹ năng, kỹ thuật, tri thức, biểu đạt văn hóa và nội dung liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể của họ thông qua thực hành hoặc đào tạo có chủ đích.

11. Tính liên tục của di sản văn hóa phi vật thể là trạng thái di sản văn hóa phi vật thể được thường xuyên thực hành, sáng tạo, lưu truyền và tái tạo bởi cộng đồng, nhóm hoặc cá nhân chủ thể di sản đó.

12. Không gian thực hành di sản văn hóa phi vật thể là nơi di sản văn hóa phi vật thể được cộng đồng chủ thể sáng tạo, thể hiện, duy trì và lưu truyền với đầy đủ ý nghĩa, bản chất và giá trị.

13. Sức sống của di sản văn hóa phi vật thể là khả năng để di sản tiếp tục tồn tại và trao truyền trong cộng đồng chủ thể với đầy đủ các yếu tố cấu thành, quy trình thực hành, nội dung, bản chất tự nhiên và giá trị của di sản văn hóa phi vật thể.

14. Di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền là di sản mà khả năng tồn tại, thực hành và trao truyền của di sản trong cộng đồng chủ thể đang bị ngăn cản hoặc đe dọa nghiêm trọng, khó có khả năng phục hồi và có thể bị biến mất.

[...]
17
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ