Nghị định 24-CP năm 1996 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng

Số hiệu 24-CP
Ngày ban hành 18/04/1996
Ngày có hiệu lực 18/04/1996
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Quyền dân sự

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 24-CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 4 năm 1996

 
NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 24-CP NGÀY 18-4-1996 VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUỐC PHÒNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ vào Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6 tháng 7 năm 1995;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng:

Tổ chức, cá nhân thuộc các đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 5 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng thì bị xử phạt theo hình thức, mức phạt quy định trong Nghị định này.

Những trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng một số giấy phép của quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng do quân đội cấp, hoạt động vì mục đích quốc phòng - an ninh, thì người có thẩm quyền xử phạt thông báo và đề nghị cơ quan của quân đội đã cấp giấy phép xử lý theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Điều 2.- Nguyên tắc xử phạt hành chính trong lĩnh vực quốc phòng.

1- Việc xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng do Uỷ ban nhân dân các cấp, cảnh sát nhân dân, quản lý thị trường, thanh tra quốc phòng các cấp tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.

2- Mọi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng phải được phát hiện kịp thời; phải bị đình chỉ ngay. Việc xử phạt phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, mọi hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định; tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3- Một hành vi vi phạm hành chính chỉ xử phạt một lần. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Người có thẩm quyền xử phạt quyết định hình thức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm.

Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.

4- Việc xử phạt hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân và những tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng đã quy định tại các Điều 7, 8 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính để quyết định hình thức xử phạt và các biện pháp xử lý thích hợp.

5- Không xử phạt hành chính trong trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ, hoặc vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.

Điều 3.- Xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền xử phạt hành chính.

1- Người có thẩm quyền xử phạt hành chính phải xử phạt đúng người, đúng hành vi vi phạm, đúng thẩm quyền, đúng pháp luật, kiến nghị ngay với các cơ quan hữu quan thực hiện những biện pháp cần thiết để thực hiện các quy định về quản lý trong lĩnh vực quốc phòng.

2- Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính mà sách nhiễu, dung túng, bao che, không xử phạt hoặc xử phạt không kịp thời, không đúng mức, xử phạt quá thẩm quyền quy định thì tuỳ theo mức độ tính chất vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương 2:

CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUỐC PHÒNG

Mục 1: CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI VI PHẠM TRONG VIỆC THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ, VỀ XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN

Điều 4.- Vi phạm các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự.

1- Phạt cảnh cáo đối với công dân nam giới đủ 17 tuổi trong năm không chấp hành đúng những quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự.

2- Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với công dân nam giới trong diện làm nghĩa vụ quan sự từ 18 tuổi đến hết 45 tuổi đã hoặc chưa qua phục vụ tại ngũ trong quân đội nhân dân Việt Nam hoặc thôi phục vụ trong lực lượng công an nhân dân; phụ nữ từ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có chuyên môn cần cho quân đội phải đăng ký vào diện sẵn sàng nhập ngũ, vào diện quân nhân dự bị các hạng 1, 2 mà không chấp hành đúng những quy định về đăng ký lần đầu, đăng ký bổ sung, đăng ký di chuyển, đăng ký vắng mặt dài hạn, đăng ký nghĩa vụ quân sự riêng và đăng ký giải ngạch dự bị theo quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự.

3- Ngoài việc bị xử phạt người vi phạm buộc phải chấp hành các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Điều 5.- Vi phạm quy định về khám sức khoẻ.

1- Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với công dân trong diện gọi nhập ngũ khi có lệnh gọi khám sức khoẻ nhưng không có mặt để khám sức khoẻ mà không có lý do chính đáng.

[...]