Nghị định 20/2001/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh giáo sư và phó giáo sư

Số hiệu 20/2001/NĐ-CP
Ngày ban hành 17/05/2001
Ngày có hiệu lực 01/06/2001
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20/2001/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 2001

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 20/2001/NĐ-CP NGÀY 17 THÁNG 5 NĂM 2001 QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN, THỦ TỤC BỔ NHIỆM VÀ MIỄN NHIỆM CÁC CHỨC DANH GIÁO SƯ VÀ PHÓ GIÁO SƯ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 02 tháng 12 năm 1998;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chủ tịch Hội đồng Học hàm Nhà nước,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nghị định này quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh giáo sư và phó giáo sư.

Điều 2. Thủ tục bổ nhiệm các chức danh giáo sư và phó giáo sư bao gồm việc xét công nhận các chức danh này và việc bổ nhiệm vào các ngạch giáo sư và phó giáo sư. Thủ tục miễn nhiệm các chức danh giáo sư và phó giáo sư bao gồm việc xét tước bỏ các chức danh này và việc miễn nhiệm khỏi các ngạch giáo sư và phó giáo sư tương ứng.

Điều 3. Đối tượng được xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư gồm :

1. Nhà giáo thuộc biên chế giảng viên của các loại trường đại học (sau đây gọi tắt là trường đại học);

2. Nhà giáo không thuộc biên chế giảng viên của các trường đại học nhưng đang tham gia đào tạo đại học và sau đại học theo quyết định làm nhiệm vụ giảng dạy hoặc hợp đồng thỉnh giảng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ký;

3. Nhà giáo nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học ở Việt Nam.

Điều 4. Đối tượng bị tước bỏ chức danh giáo sư, phó giáo sư :

1. Những người đã được công nhận chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư bị phát hiện và xác định là không đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định ở thời điểm được công nhận;

2. Những người đã được công nhận chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư phạm tội bị Toà án phạt tù mà không được hưởng án treo kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

Điều 5. Đối tượng được bổ nhiệm vào ngạch giáo sư, phó giáo sư gồm các nhà giáo đã được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc đã có học hàm giáo sư, phó giáo sư thuộc biên chế giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học.

Điều 6. Đối tượng miễn nhiệm khỏi ngạch giáo sư, phó giáo sư :

1. Những người đã được bổ nhiệm vào ngạch giáo sư hoặc phó giáo sư nhưng không hoàn thành các nhiệm vụ;

2. Những người đã bị tước bỏ chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư.

Điều 7. Những người đã được bổ nhiệm vào ngạch giáo sư hoặc phó giáo sư nhưng chuyển sang vị trí công tác khác mà ở đó không có ngạch giáo sư hoặc phó giáo sư thì xếp chuyển ngạch tương ứng.

Điều 8. Công nhận chức danh và bổ nhiệm vào ngạch giáo sư, phó giáo sư :

1. Việc xét công nhận các chức danh giáo sư và phó giáo sư, được căn cứ vào tiêu chuẩn và thực hiện hàng năm;

2. Việc bổ nhiệm vào ngạch giáo sư và phó giáo sư căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí công tác, cơ cấu các chức danh công chức, chỉ tiêu biên chế.

Chương 2:

TIÊU CHUẨN CỦA CÁC CHỨC DANH GIÁO SƯ VÀ PHÓ GIÁO SƯ

Điều 9. Người được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư phải có các tiêu chuẩn và điều kiện chung sau:

1. Có đủ các tiêu chuẩn của nhà giáo quy định tại khoản 2 Điều 61 Luật Giáo dục, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của nhà giáo quy định tại Điều 63 Luật Giáo dục, trung thực, có tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và khách quan trong công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ;

[...]