Nghị định 174-CP năm 1970 điều lệ tổ chức thanh tra tài chính do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 174-CP
Ngày ban hành 10/09/1970
Ngày có hiệu lực 25/09/1970
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số : 174-CP

Hà Nội, ngày 10 tháng 9 năm 1970

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC THANH TRA TÀI CHÍNH

Xét Nghị định số 1077-TTg ngày 12 tháng 10 năm 1956 của Hội đồng Chính phủ về tổ chức thanh tra tài chính;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 12 tháng 3 năm 1970,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành điều lệ tổ chức thanh tra tài chính để thay thế Nghị định số 1077-TTg và tất cả các văn bản về tổ chức thanh tra tài chính đã ban hành trước đây.

Điều 2. Quan hệ giữa hệ thống thanh tra tài chính với hệ thống thanh tra của Chính phủ sẽ do Ủy ban Thanh tra của Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ quy định.

Điều 3. Ông Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành điều lệ này.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

 

ĐIỀU LỆ

TỔ CHỨC THANH TRA TÀI CHÍNH

Quản lý tài chính Nhà nước là một mặt rất quan trọng của việc quản lý Nhà nước; nó có vai trò rất lớn trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị và kinh tế của Đảng và Nhà nước từ trung ương đến địa phương. Quản lý tài chính Nhà nước đòi hỏi sự lãnh đạo tập trung và thống nhất, nhưng vì công tác tài chính lại do tất cả các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở thực hiện, cho nên phải tăng cường công tác kiểm tra và giám đốc.

Ngoài việc thúc đẩy công tác kiểm tra và giám đốc thường xuyên của hệ thống tài chính Nhà nước, thực hiện nghiêm chỉnh chế độ kiểm tra kế toán, việc tăng cường công tác thanh tra tài chính là một yêu cầu quan trọng và bức thiết để giữ vững sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Nhà nước, ngăn chặn những hành động vi phạm chính sách, chế độ, kỷ luật tài chính.

Chương 1.

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TỔ CHỨC THANH TRA TÀI CHÍNH

Điều 1. Thanh tra tài chính đặt ra nhằm:

1. Bảo đảm cho các chính sách, chế độ, kỷ luật tài chính được chấp hành nghiêm chỉnh ở các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở;

2. Đưa việc quản lý và giám đốc tài chính của các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở đi vào nền nếp, bảo đảm cho lao động, vật tư, tiền vốn của Nhà nước được sử dụng hợp lý và tiết kiệm, đem lại hiệu quả kinh tế hay lợi ích thiết thực.

Điều 2. Thanh tra tài chính thanh tra tất cả các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở (trừ trường hợp có quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ) bao gồm:

- Các cơ quan Nhà nước từ trung ương đến địa phương (các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Ủy ban hành chính tỉnh, huyện, xã, các cơ quan chuyên môn ở địa phương, v.v...);

- Các tổ chức kinh tế quốc doanh và công tư hợp doanh;

- Các tổ chức kinh tế tập thể;

- Các đoàn thể và tổ chức xã hội được Nhà nước trợ cấp về tài chính.

Điều 3. Thanh tra tài chính có nhiệm vụ:

1. Thanh tra việc chấp hành ngân sách của các ngành, các cấp, việc chấp hành kế hoạch thu chi tài vụ của các tổ chức kinh tế quốc doanh và công tư hợp doanh, việc chấp hành dự toán thu chi của các đơn vị dự toán.

2. Thanh tra việc bảo vệ và quản lý tài sản xã hội chủ nghĩa, thực hành tiết kiệm, hiệu quả của việc sử dụng lao động, vật tư, tiền vốn.

3. Thanh tra việc chấp hành các chính sách, chế độ, kỷ luật tài chính, kế toán, tín dụng, thanh toán, tiền mặt, và các chính sách, chế độ, kỷ luật khác có liên quan đến tài chính, như:

[...]