CHÍNH
PHỦ
*****///
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******
|
Số:
173/2007/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2007
|
NGHỊ ĐỊNH
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HOA TIÊU HÀNG HẢI
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ
chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 06 năm 2005;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,
NGHỊ ĐỊNH :
Chương 1:
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Nghị định
này quy định về tổ chức và hoạt động của hoa tiêu hàng hải.
2. Nghị định
này áp dụng đối với tổ chức hoa tiêu hàng hải (gọi tắt là công ty hoa tiêu),
người thực hiện nhiệm vụ hoa tiêu hàng hải (gọi tắt là hoa tiêu) và cơ quan, tổ
chức, cá nhân liên quan đến tổ chức và hoạt động của hoa tiêu hàng hải tại Việt
Nam.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Vùng hoa tiêu
hàng hải bắt buộc (gọi tắt là vùng hoa tiêu bắt buộc) là phần giới hạn trong vùng
nước cảng biển hoặc khu vực khai thác dầu khí ngoài khơi, được xác định từ vùng
đón trả hoa tiêu đến cầu cảng, bến cảng, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh
bão, nhà máy đóng - sửa chữa tàu biển, cảng dầu khí ngoài khơi và ngược lại mà
tàu biển khi di chuyển phải sử dụng hoa tiêu dẫn tàu theo quy định của Bộ luật
Hàng hải Việt Nam. Một vùng hoa tiêu bắt buộc bao gồm một hoặc nhiều tuyến dẫn
tàu.
2. Vùng hoa tiêu
hàng hải không bắt buộc (gọi tắt là vùng hoa tiêu không bắt buộc) là vùng nước không phải vùng hoa tiêu bắt buộc quy định tại
khoản 1 Điều này.
3. Vùng đón trả
hoa tiêu là phần giới hạn trong vùng hoa tiêu bắt buộc để tàu thuyền neo
đậu đón trả hoa tiêu.
4. Tuyến dẫn tàu
là tuyến hành trình của tàu thuyền do hoa tiêu dẫn từ vùng đón trả hoa tiêu vào
cầu cảng, bến cảng, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão, nhà máy đóng -
sửa chữa tàu biển của một cảng biển hoặc cảng dầu khí ngoài khơi thuộc vùng hoa
tiêu bắt buộc.
Chương 2:
TỔ CHỨC VÀ HOẠT
ĐỘNG CỦA HOA TIÊU HÀNG HẢI
Điều 3. Nguyên
tắc tổ chức và hoạt động của hoa tiêu hàng hải
1. Dịch vụ hoa
tiêu hàng hải là dịch vụ công ích và dịch vụ kinh doanh có điều kiện thực hiện
theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này.
2. Một công ty
hoa tiêu chỉ hoạt động tại một vùng hoa tiêu bắt buộc.
3. Trong một
vùng hoa tiêu bắt buộc có thể có một hoặc nhiều công ty hoa tiêu hoạt động căn
cứ vào số tuyến dẫn tàu của vùng hoa tiêu bắt buộc đó.
4. Một tuyến dẫn
tàu chỉ do một công ty hoa tiêu đảm nhận cung cấp dịch vụ hoa tiêu hàng hải.
5. Nhà nước thống
nhất quản lý tổ chức và hoạt động của hoa tiêu hàng hải nhằm bảo đảm an toàn
hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
Điều 4. Điều kiện tổ chức và hoạt động của công ty hoa tiêu
1. Công ty hoa
tiêu là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
2. Có đủ số lượng
hoa tiêu các hạng và phương tiện đưa, đón hoa tiêu theo quy định của Cục trưởng
Cục Hàng hải Việt Nam.
3. Được giao kế
hoạch hoặc đặt hàng cung cấp dịch vụ dẫn tàu thuyền trong vùng hoa tiêu bắt buộc
hoặc trên tuyến dẫn tàu cụ thể.
Điều 5. Thành lập và đăng ký kinh doanh công ty hoa tiêu
Việc thành lập
và đăng ký kinh doanh của công ty hoa tiêu thực hiện theo quy định của Luật
Doanh nghiệp.
Điều 6. Thủ tục giao vùng hoạt động hoa tiêu hoặc
tuyến dẫn tàu
1. Hồ sơ đề nghị
giao vùng hoạt động hoa tiêu hoặc tuyến dẫn tàu:
a) Văn bản đề
nghị;
b) Bản sao Giấy
chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty;
c) Danh sách
hoa tiêu kèm theo bản sao Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải
và bản sao Giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải của từng hoa
tiêu;
d) Bản kê khai
phương tiện đưa, đón hoa tiêu kèm theo bản sao Giấy chứng nhận đăng ký của
phương tiện đó.
2. Trình tự
giao vùng hoạt động hoa tiêu hoặc tuyến dẫn tàu:
a) Công ty hoa
tiêu gửi Cục Hàng hải Việt Nam hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Cục trưởng Cục
Hàng hải Việt Nam quyết định giao vùng hoạt động hoa tiêu hoặc tuyến dẫn tàu
cho công ty trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;
trường hợp không chấp thuận phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Điều 7. Quyền,
nghĩa vụ và trách nhiệm của công ty hoa tiêu
1. Tổ chức cung
cấp và đáp ứng đầy đủ nhu cầu cung cấp dịch vụ hoa tiêu hàng hải trong vùng hoa
tiêu bắt buộc hoặc tuyến dẫn tàu được giao, bảo đảm chất lượng dịch vụ, an toàn
hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định của
pháp luật.
2. Xây dựng kế
hoạch để cơ quan có thẩm quyền xem xét giao kế hoạch hoặc đặt hàng và tổ chức
thực hiện.
3. Lập kế hoạch
bố trí hoa tiêu dẫn tàu hàng ngày, thông báo với cảng vụ hàng hải để thống nhất
thực hiện; trường hợp có thay đổi phải kịp thời thông báo và nêu rõ lý do. Nếu
hoa tiêu được chủ tàu hoặc đại diện của chủ tàu có yêu cầu đích danh thì Giám đốc
công ty hoa tiêu phải đáp ứng, trường hợp không đáp ứng phải nêu rõ lý do và bố
trí hoa tiêu khác thay thế.
4. Phối hợp với
tổ chức bảo đảm an toàn hàng hải, doanh nghiệp cảng, đại lý của chủ tàu và các
cơ quan, tổ chức liên quan tại khu vực để tổ chức cung cấp dịch vụ hoa tiêu
hàng hải an toàn, hiệu quả.
5. Quản lý hoạt
động của hoa tiêu bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu cung cấp dịch vụ hoa tiêu
hàng hải và sự mẫn cán của hoa tiêu trong khi thực hiện nhiệm vụ.
6. Thực hiện
các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm khác của công ty hoa tiêu theo quy định của
pháp luật.
Điều 8. Địa vị pháp lý của hoa tiêu
1. Hoa tiêu
hàng hải là người cố vấn cho Thuyền trưởng điều khiển tàu phù hợp với điều kiện
hàng hải ở khu vực dẫn tàu của hoa tiêu hàng hải. Việc sử dụng hoa tiêu hàng hải
không miễn trách nhiệm chỉ huy tàu của Thuyền trưởng.
2. Trong thời
gian dẫn tàu, hoa tiêu hàng hải thuộc quyền chỉ huy của Thuyền trưởng tàu được
dẫn.
3. Thuyền trưởng
tàu được dẫn có quyền lựa chọn hoa tiêu hàng hải hoặc đình chỉ hoạt động của
hoa tiêu hàng hải và yêu cầu thay thế hoa tiêu hàng hải trong trường hợp hoa
tiêu hàng hải không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn hoặc không đủ điều kiện
theo quy định của pháp luật. Trường hợp đình chỉ hoặc thay thế hoa tiêu hàng hải
thì Thuyền trưởng tàu được dẫn phải kịp thời thông báo cho Giám đốc công ty hoa
tiêu và Giám đốc Cảng vụ hàng hải liên quan.
Điều 9. Trách nhiệm của hoa tiêu
1. Thực hiện
quyền và nghĩa vụ theo quy định tại các Điều 172, 173, 175
và quy định có liên quan của Bộ luật Hàng hải Việt Nam.
2. Chấp hành
nghiêm chỉnh việc bố trí dẫn tàu của giám đốc công ty hoa tiêu trên cơ sở đề
nghị của Thuyền trưởng. Trường hợp từ chối dẫn tàu vì lý do chính đáng, phải
báo ngay cho Giám đốc công ty hoa tiêu và Giám đốc Cảng vụ hàng hải biết để giải
quyết kịp thời.
3. Sử dụng
trang phục theo quy định của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.
4. Nghiêm cấm
việc gây khó khăn, sách nhiễu hoặc các hành vi tiêu cực khác đối với doanh nghiệp,
tàu thuyền có yêu cầu cung cấp hoa tiêu.
Điều 10. Các trường hợp miễn trừ và được phép tự dẫn tàu trong vùng
hoa tiêu bắt buộc
1. Tàu thuyền
nước ngoài có tổng dung tích dưới 100 GT, tàu thuyền Việt Nam chở khách, chở dầu,
chở khí hóa lỏng có tổng dung tích dưới 1.000 GT và tàu thuyền Việt Nam khác có
tổng dung tích dưới 2.000 GT được miễn hoa tiêu hàng hải.
2. Tàu thuyền
có thuyền trưởng là công dân Việt Nam đã được cấp chứng chỉ khả năng chuyên môn
hoa tiêu hàng hải, giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải phù hợp với
loại tàu và vùng hoa tiêu hàng hải mà tàu đang hoạt động được phép tự dẫn tàu
nhưng phải báo trước cho Cảng vụ hàng hải liên quan biết.
3. Khuyến khích
các doanh nghiệp tổ chức đào tạo hoa tiêu để tự dẫn tàu theo quy định.
Điều 11. Cơ
chế tài chính đối với hoạt động của công ty hoa tiêu
1. Phí hoa tiêu
là nguồn thu thuộc ngân sách nhà nước. Cảng vụ hàng hải thu và nộp vào ngân
sách nhà nước.
2. Bộ Giao thông vận tải ban hành định mức dịch vụ công ích hoa
tiêu.
3. Bộ Tài chính
ban hành đơn giá sản phẩm dịch vụ công ích hoa tiêu trên cơ sở đề nghị của Bộ
Giao thông vận tải; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quy định cơ chế tài
chính đối với hoạt động dịch vụ hoa tiêu.
Điều 12. Trách nhiệm quản lý hoạt động hoa tiêu hàng hải
1. Bộ Giao
thông vận tải thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động hoa tiêu hàng hải tại Việt
Nam thông qua Cục Hàng hải Việt Nam.
2. Cục trưởng Cục
Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm:
a) Công bố tuyến
dẫn tàu trong vùng hoa tiêu bắt buộc;
b) Quy định số
lượng tối thiểu hoa tiêu các hạng và phương tiện đưa, đón hoa tiêu trên từng
tuyến dẫn tàu;
c) Quyết định giao
vùng hoạt động hoa tiêu hoặc tuyến dẫn tàu cho công ty hoa tiêu.
3. Cảng vụ hàng
hải chịu trách nhiệm quản lý hoạt động hoa tiêu hàng hải tại khu vực theo quy định
của Nghị định này và quy định khác của pháp luật.
Chương 3:
ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Điều 13. Tổ
chức lại hoa tiêu hàng hải hiện có trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam
Bộ trưởng Bộ
Giao thông vận tải quyết định việc tách, sáp nhập các tổ chức hoa tiêu hàng hải
hiện có thuộc Cục Hàng hải Việt Nam thành công ty hoa tiêu độc lập.
Điều 14. Hiệu lực thi hành
Nghị định này
có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và bãi bỏ các quy định
trước đây trái với Nghị định này.
Điều 15. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ Giao
thông vận tải có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng Cục Hàng hải
Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị
định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, CN (5b). A.
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|