Nghị định 169/2016/NĐ-CP về xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam

Số hiệu 169/2016/NĐ-CP
Ngày ban hành 27/12/2016
Ngày có hiệu lực 01/07/2017
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu,Giao thông - Vận tải

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 169/2016/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2016

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ XỬ LÝ HÀNG HÓA DO NGƯỜI VẬN CHUYỂN LƯU GIỮ TẠI CẢNG BIỂN VIỆT NAM

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

Chính phủ ban hành Nghị định về xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định việc xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam.

2. Nghị định này không áp dụng đối với việc xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng biển. Việc xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng biển được thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hàng hóa bị lưu giữ là hàng hóa do người vận chuyển hoặc người được người vận chuyển ủy quyền lưu giữ tại cảng biển hoặc khu vực kho bãi để bảo đảm việc thanh toán giá dịch vụ vận chuyển, tiền bồi thường do lưu tàu và các khoản chi phí khác phát sinh liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.

2. Người lưu giữ là người quản lý hàng hóa trong thời gian hàng hóa bị lưu giữ trên cơ sở hợp đồng gửi giữ hàng hóa với người vận chuyển. Hợp đồng gửi giữ hàng hóa được giao kết giữa người vận chuyển và người lưu giữ theo quy định tại Điều 554 của Bộ luật dân sự năm 2015 và quy định tại Nghị định này.

3. Các khoản nợ bao gồm giá dịch vụ vận chuyển, các chi phí khác được ghi trong chứng từ vận chuyển, nếu các khoản tiền đó chưa được thanh toán trước, chi phí đóng góp vào tổn thất chung, tiền công cứu hộ được phân bổ cho hàng hóa theo quy định.

4. Hàng hóa mau hỏng bao gồm các loại hàng hóa là hàng thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh hoặc hàng hóa có thời hạn sử dụng chỉ còn dưới 60 ngày kể từ ngày bị lưu giữ.

Chương II

XỬ LÝ HÀNG HÓA BỊ LƯU GIỮ TẠI CẢNG BIỂN VIỆT NAM

Mục 1. LƯU GIỮ HÀNG HÓA

Điều 4. Quyền lưu giữ hàng hóa của người vận chuyển

Người vận chuyển quyền lưu giữ hàng hóa trong các trường hợp sau đây:

1. Người nhận hàng không đến nhận, từ chối nhận hàng.

2. Người nhận hàng trì hoãn việc nhận hàng và đã quá thời gian theo thỏa thuận trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.

3. nhiều người cùng xuất trình vận đơn, vận đơn suốt đường biển, giấy gửi hàng đường biển hoặc chứng từ vận chuyển khác có giá trị để nhận cùng một lô hàng.

4. Người giao hàng và người nhận hàng không thanh toán hết các khoản nợ đã được quy định tại hợp đồng vận chuyển hoặc không đưa ra bảo đảm cần thiết.

[...]