Nghị định 13/CP năm 1995 về việc thành lập tổng công ty than việt nam và ban hành điều lệ của Tổng công ty

Số hiệu 13-CP
Ngày ban hành 27/01/1995
Ngày có hiệu lực 27/01/1995
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Doanh nghiệp

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13-CP

Hà Nội, ngày 27 tháng 1 năm 1995


NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 13/CP NGÀY 27 THÁNG 1 NĂM 1995 VỀ THÀNH LẬP TỔNG CÔNG TY THAN VIỆT NAM VÀ BAN HÀNH ĐIỀU LỆ CỦA TỔNG CÔNG TY 

CHÍNH PHỦ 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ kết luận tại cuộc họp Chính phủ ngày 06 tháng 01 năm 1994;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Năng lượng trong việc thực hiện Quyết định số 91/TTg ngày 07 tháng 3 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thành lập tập đoàn kinh doanh,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1.- Thành lập Tổng công ty Than Việt Nam theo nội dung tại Quyết định số 563/TTg ngày 10 tháng 10 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2.- Ban hành kèm theo Nghị định này bản Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Than Việt Nam .

Điều 3.- Bộ trưởng các Bộ Năng lượng, Tài chính, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan Thuộc chính phủ có liên quan căn cứ Điều lệ này để hướng dẫn thực hiện.

Điều 4.- Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản lý và Tổng giám đốc Tổng công ty Than Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Võ Văn kiệt

(Đã ký)

 

ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔNG CÔNG TY THAN VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Nghị định số: 13/CP ngày 27 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Tổng Công ty Than Việt Nam (sau đây gọi tắt là Tổng Công ty ) là doanh nghiệp lớn của Nhà nước gồm nhiều doanh nghiệp thành viên và đơn vị sự nghiệp hoạt động trong phạm vi cả nước.

Tổng Công ty Than Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức thăm dò, khai thác và chế biến than, tổ chức màng lưới tiêu thụ than trên thị trường nội địa và xuất khẩu than, bảo đảm nhu cầu than cho yêu cầu xây dựng đất nước theo định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, theo nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao cho Tổng công ty trong từng thời kỳ. Tận dụng các năng lực hiện có, Tổng công ty Than Việt Nam thực hiện kinh doanh đa ngành trên cơ sở phát triển công nghiệp than trong những ngành nghề được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Trụ sở chính của Tổng công ty đặt tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Tổng công ty Than Việt Nam có tên viết tắt là: Than Việt Nam (TVN).

Tên giao dịch quốc tế là Vietnam National Coal Coporation, viết tắt là Vinacoal.

Điều 2.- Tổng công ty có tư cách pháp nhân, có con dấu, được mở tài khoản tại Ngân hàng trong nước và nước ngoài, được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ này. Tổng công ty thực hiện chế độ hạch toán kinh tế tổng hợp, được lập các quỹ tập trung theo quy định của Nhà nước. Các doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập, hạch toán phụ thuộc và đơn vị sự nghiệp đều có tư cách pháp nhân, hoạt động theo luật pháp và theo Điều lệ Tổng công ty.

Điều 3.- Tổng công ty được Nhà nước giao nguồn tài nguyên khoáng sản, đất đai để quản lý, khai thác và sử dụng vào việc thực hiện nhiệm vụ nói tại Điều 1 trên đây. Tổng công ty có trách nhiệm quy hoạch, phân vùng quản lý địa giới, quản lý và khai thác tài nguyên, bảo vệ và sử dụng đất đai, quản lý mỏ và bảo vệ môi trường đúng mục đích và luật pháp, thực hiện nghĩa vụ và quyền hạn tại các vùng được Nhà nước cấp phép quản lý, bảo vệ và khai thác.

Điều 4.- Tổng công ty được Nhà nước giao vốn và tài sản, được huy động mọi nguồn vốn trong và ngoài nước dưới các hình thức khác nhau theo quy định của Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ của mình. Tổng công ty có trách nhiệm bảo toàn vốn được giao, không ngừng tích luỹ vốn để đầu tư phát triển, làm tròn nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Tổng công ty phải thường xuyên cải tiến thiết bị, công nghệ và công tác quản lý để hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Điều 5.- Tổng công ty được quyền tuyển chọn và sử dụng nguồn nhân lực tướng ứng với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện phát huy quyền làm chủ của người lao động trong sản xuất kinh doanh và quản lý doanh nghiệp, tăng năng xuất lao động và hiệu suất công tác, chăm lo đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực của Tổng công ty, cải thiện điều kiện sống và điều kiện làm việc của người lao động.

Điều 6.- Cơ cấu tổ chức của Tổng công ty gồm:

1/ Hội đồng quản lý. Giúp việc Hội đồng quản lý có Ban Kiểm soát và Văn phòng

2/ Tổng giám đốc. Giúp việc Tổng Giám đốc có một số Phó Tổng Giám đốc, Văn phòng và các Ban chức năng.

3/ Các đơn vị thành viên Tổng công ty .

[...]