Nghị định 121-CP năm 1963 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 121-CP
Ngày ban hành 20/08/1963
Ngày có hiệu lực 04/09/1963
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 121-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 08 năm 1963 

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN VÀ TRUYỀN THANH

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14 tháng 7 năm 1960;
Căn cứ Quyết định của Hội đồng Chính phủ số 63-CP ngày 15 tháng 5 năm 1961 tách Tổng cục Bưu điện ra khỏi Bộ Giao thông và Bưu điện, và đặt thành một cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ;
Căn cứ Quyết định của Hội đồng Chính phủ số 15-CP ngày 09 tháng 02 năm 1962 giao Tổng cục Bưu điện nhiệm vụ quản lý các điện đài, quản lý, phát triển màng lưới truyền thanh ở địa phương,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh là cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm quản lý toàn bộ công tác bưu điện và truyền thanh theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ và kế hoạch về bưu chính, phát hành báo chí, điện báo, điện thoại, vô tuyến điện, vô tuyến truyền thanh, hữu tuyến truyền thanh; bảo đảm việc thông tin liên lạc giữa trung ương với địa phương, giữa các địa phương với nhau, giữa nước ta với nước ngoài một cách chính xác, an toàn, kịp thời và thuận lợi; bảo đảm sử dụng tốt các phương tiện truyền thanh trong công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Điều 2. – Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh có nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ ban hành các chính sách, chế độ, thể lệ về bưu điện và truyền thanh; tổ chức và chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ, thể lệ ấy.

2. Nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ phê chuẩn kế hoạch dài hạn và ngắn hạn về bưu điện và truyền thanh; tổ chức và chỉ đạo thực hiện kế hoạch ấy.

3. Xây dựng, quản lý và bảo đảm kinh doanh tốt các cơ sở bưu điện và truyền thanh, các xí nghiệp xây lắp, các xí nghiệp công nghiệp bưu điện và truyền thanh trực thuộc Tổng cục; chỉ đạo các địa phương xây dựng, quản lý và kinh doanh tốt các cơ sở bưu điện và truyền thanh thuộc địa phương.

4. Trong phạm vi quyền hạn của mình, quy định các nguyên tắc và thủ tục về nghiệp vụ bưu điện và truyền thanh; chỉ đạo thực hiện các nguyên tắc, thủ tục ấy,

5. Chỉ đạo về kỹ thuật các đài, các trạm, các hệ thống vô tuyến, hữu tuyến chuyên dùng của các ngành; quản lý và phân phối tần số cho các đài vô tuyến điện theo quy định của Nhà nước.

6. Tổ chức và chỉ đạo việc sản xuất, sửa chữa các phương tiện thông tin liên lạc, các phương tiện thu thanh và phát thanh.

7. Tổ chức việc nghiên cứu khoa học, kỹ thuật về bưu điện và truyền thanh, chú trọng việc nghiên cứu thiết bị thông tin liên lạc và truyền thanh thích hợp với vùng nhiệt đới, thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm không ngừng cải tiến việc sử dụng các thiết bị và phương tiện thông tin liên lạc và truyền thanh, nâng cao năng suất lao động và hạ giá thành. Cùng với Đài tiếng nói Việt-nam và Ủy ban Khoa học Nhà nước nghiên cứu xây dựng ngành vô tuyến truyền hình.

8. Thi hành các hiệp định mà nước ta đã ký kết với nước ngoài về nghiệp vụ bưu điện và truyền thanh, về các hợp tác khoa học kỹ thuật thông tin và truyền thanh. Trong phạm vi được Chính phủ ủy quyền, ký kết với các cơ quan bưu điện và truyền thanh nước ngoài các hiệp định về bưu điện và truyền thanh.

9. Quản lý tài sản, tài vụ, vật tư, quản lý vốn của Nhà nước giao cho Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh; bảo đảm tích lũy vốn cho Nhà nước.

10. Quản lý tổ chức, cán bộ, biên chế, lao động, tiền lương trong ngành theo chế độ chung của Nhà nước.

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân kỹ thuật của ngành bưu điện và truyền thanh.

Điều 3. – Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh chịu trách nhiệm trước Hội đồng Chính phủ lãnh đạo toàn bộ công tác của Tổng cục như điều 2 đã quy định. Các Tổng cục phó Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh giúp Tổng cục trưởng trong việc lãnh đạo chung và có thể được Tổng cục trưởng ủy nhiệm chỉ đạo từng phần công tác của Tổng cục.

Trong phạm vi quyền hạn của mình, trên cơ sở và để thi hành pháp luật và các nghị định, nghị quyết, quyết định, thông tư, chỉ thị của Hội đồng Chính phủ, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh ra những thông tư, quyết định và kiểm tra các ngành, các cấp, trong việc thi hành các thông tư, quyết định ấy; sửa đổi hoặc bãi bỏ những thông tư, quyết định không thích đáng của cơ quan cấp dưới thuộc ngành mình; đề nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ những thông tư, quyết định không thích đáng có liên quan đến công tác bưu điện và truyền thanh của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ hay của Ủy ban hành chính địa phương.

Điều 4. – Tổ chức bộ máy của Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh gồm có:

- Văn phòng,

- Ban Thanh tra,

- Vụ Tổ chức cán bộ,

- Vụ Kế hoạch tài vụ,

- Cục Kiến thiết cơ bản,

- Cục Cung cấp,

- Cục Bưu chính và phát hành báo chí,

[...]