Nghị định 108/2005/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 51/CP về đăng ký và quản lý hộ khẩu

Số hiệu 108/2005/NĐ-CP
Ngày ban hành 19/08/2005
Ngày có hiệu lực 13/09/2005
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Quyền dân sự

CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 108/2005/NĐ-CP

Hà Nội , ngày 19 tháng 08 năm 2005 

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ  VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 51/CP NGÀY 10 THÁNG 5 NĂM 1997 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ KHẨU

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/CP ngày 10 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ khẩu như sau:

1. Điều 11 được sửa đổi như sau:

"Điều 11. Để được đăng ký hộ khẩu tại nơi mới đến, người chuyển đến phải có nhà ở hợp pháp. Nhà ở hợp pháp bao gồm:

1. Nhà ở thuộc sở hữu của người chuyển đến:

a) Nhà ở có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc nhà xây trên đất ở có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

b) Nhà ở có giấy tờ hợp lệ về nhà ở, đất ở theo quy định của pháp luật;

c) Trường hợp nhà ở chưa có một trong các loại giấy tờ quy định tại điểm a, b nêu trên, thì phải có xác nhận của ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn về tình trạng hợp pháp của nhà ở, đất ở.

2. Nhà ở được quyền sử dụng hợp pháp gồm:

a) Nhà ở có hợp đồng thuê nhà của cá nhân với cơ quan, tổ chức, cá nhân có chức năng kinh doanh nhà theo quy định của pháp luật;

b) Nhà ở thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức có quyết định giao cho cá nhân sử dụng.

3. Nhà ở được chủ nhà có nhà quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này cho thuê hoặc cho ở nhờ. Đối với nhà ở nhờ phải có sự đồng ý bằng văn bản của chủ nhà về việc cho nhập hộ khẩu và phải đảm bảo diện tích tối thiểu trên một đầu người theo quy định của ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Không giải quyết đăng ký hộ khẩu thường trú vào các loại nhà nêu trên nếu hiện tại đang có tranh chấp hoặc đang trong vùng quy hoạch đã có thông báo di dời trừ trường hợp bố, mẹ, vợ, chồng, con xin đăng ký hộ khẩu về với nhau.”

2. Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 12. Những người sau đây chuyển đến thành phố, thị xã (sau đây gọi tắt là thành phố) được đăng ký hộ khẩu thường trú:

1. Người được cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có thẩm quyền điều động, tuyển dụng (kể cả Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đang công tác tại các đơn vị quân đội, công an có trụ sở đóng tại địa bàn thành phố) đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức đó, hưởng lương từ ngân sách nhà nước và có nhà ở hợp pháp thuộc một trong các khoản quy định tại Điều 11 sửa đổi.

2. Người được cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có thẩm quyền điều động, tuyển dụng đến làm việc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn trong cơ quan, tổ chức đó (kể cả trong quân đội và công an) có nhà ở theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 11 sửa đổi.

3. Người có nhà ở quy định tại khoản 1 Điều 11 sửa đổi, không bị cấm cư trú ở thành phố.

Riêng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương thì cần có thêm điều kiện cư trú liên tục ở thành phố từ ba năm trở lên.

4. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây được chuyển đến đăng ký hộ khẩu với người đang có hộ khẩu thường trú tại thành phố:

a) Cán bộ, công chức đang công tác ngoài tỉnh, thành phố thường xuyên về ở với vợ, chồng, con hoặc bố, mẹ (nếu chưa có vợ, chồng);

b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc theo khoản 2 Điều 11 Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ chuyển đến ở với con hoặc anh, chị, em ruột (nếu không có vợ, chồng, con);

c) Người tàn tật mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi đến ở với bố, mẹ, con.

Trường hợp còn bố mẹ, vợ, chồng, con nhưng bố mẹ, vợ, chồng, con không có khả năng nuôi dưỡng hoặc không có bố, mẹ, vợ, chồng, con thì được chuyển đến ở với anh, chị, em ruột; cô, cậu, dì, chú, bác ruột hoặc người giám hộ;

[...]