Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Nghị định 095-TTg năm 1959 về việc cho phép Ngân hàng quốc gia phát hành tiền mới, thay đổi tiền đang lưu hành do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 095-TTg
Ngày ban hành 27/02/1959
Ngày có hiệu lực 14/03/1959
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Tài chính nhà nước

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 095-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 1959 

 

NGHỊ ĐỊNH

CHO PHÉP NGÂN HÀNG QUỐC GIA PHÁT HÀNH TIỀN MỚI, THAY ĐỔI TIỀN ĐANG LƯU HÀNH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Trên cơ sở những thắng lợi to lớn về các mặt đã đạt được trong thời kỳ khôi phục kinh tế và trong năm đầu thực hiện kế hoạch 3 năm;
Xét thấy nền kinh tế quốc dân ở miền Bắc Việt Nam hiện nay đã căn bản ổn định và đương phát triển;
Xét thấy cần thiết phải thay đổi đơn vị tiền tệ để nâng cao giá trị đồng tiền, làm yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế đẩy mạnh sản xuất, mở rộng giao lưu hàng hóa, cải thiện đời sống nhân dân, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, đề cao hơn nữa tính chất ưu việt của chế độ ta;
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ và sắc lệnh số 015/SL ngày 27 tháng 02 năm 1959 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Ngân hàng quốc gia Việt Nam được phép phát hành tiền mới thay đổi tiền đang lưu hành.

Những loại tiền mới gồm có:

- Các loại giấy bạc 10 đồng, 5 đồng, 2 đồng, 1 đồng, 5 hào, 2 hào, 1 hào.

- Các loại tiền 5 xu, 2 xu, 1 xu bằng kim khí hay bằng giấy.

Tổng giám đốc Ngân hàng quốc gia Việt Nam sẽ ra nghị định phát hành từng loại tiền mới (giấy bạc và tiền kim khí). Nghị định ấy sẽ ghi rõ những đặc điểm của từng loại tiền như kích thước, hình vẽ, màu sắc, v.v…

Điều 2. – Đơn vị tiền tệ thay đổi theo tỷ lệ một đồng tiền mới ăn một nghìn đồng tiền cũ, nhưng giá trị hàng hóa không thay đổi, nghĩa là một đồng tiền mới vẫn mua được số hàng giá trị bằng một nghìn đồng tiền cũ.

Điều 3. – Các giấy bạc Ngân hàng đang lưu hành gồm các loại 5.000 đ, 1.000 đ, 500 đ và 200 đ được Ngân hàng quốc gia Việt Nam thu đổi theo tỷ lệ nhất luật là một đồng tiền mới ăn một nghìn đồng tiền cũ, không phân biệt các tầng lớp nhân dân có nhiều tiền hay có ít tiền, không phân biệt là tiền mặt hay tiền gửi ở Ngân hàng.

Các loại giấy bạc Ngân hàng cũ 100 đ, 50 đ, 20 đ và 10 đ được để lại lưu hành song song với tiền mới làm tiền hào và xu, và thành giấy bạc 1 hào, 5 xu, 2 xu và 1 xu.

Điều 4. – Việc thu đổi phải nhằm phương châm: nhanh, gọn, tốt, để thuận tiện cho việc làm ăn của nhân dân và cho việc ổn định thị trường.

Điều 5. – Để khỏi ảnh hưởng đến lưu thông tiền tệ trên thị trường và sinh hoạt của nhân dân, nhưng đồng thời phải ngăn chặn được những hành động đầu cơ, tung tiền tích trữ hàng hóa, các loại giấy bạc Ngân hàng cũ 5.000 đ, 1.000 đ, 500 đ và 200 đ được song song lưu hành với tiền Ngân hàng mới trong một thời gian rất ngắn. Sau khi đình chỉ lưu hành, sẽ tiếp tục thu đổi hết trong thời gian do chính quyền và Ban thu đổi địa phương quy định tùy theo tình hình cụ thể của địa phương, nhưng không được quá 3 ngày ở thành thị, 7 ngày ở nông thôn và 20 ngày ở miền xa xôi.

Kể từ ngày đình chỉ lưu hành, các loại giấy bạc Ngân hàng cũ 5.000 đ, 1.000 đ, 500 đ và 200 đ không có giá trị tiêu dùng trên thị trường nữa, và chỉ có thể đem đổi lấy tiền Ngân hàng mới tại các Bàn đổi tiền.

Điều 6. – Ngân hàng quốc gia Việt Nam được ủy nhiệm tổ chức việc thu đổi giấy bạc Ngân hàng cũ đang lưu hành.

Để lãnh đạo công tác thu đổi được chặt chẽ và giúp Ngân hàng quốc gia Việt Nam trong việc thu đổi giấy bạc cũ, sẽ thành lập các Ban thu đổi ở Trung ương, các thành phố, các tỉnh, các thị trấn, các huyện và các xã có điều kiện.

Thủ tướng Chính phủ và các Chủ tịch Ủy ban hành chính các cấp chính quyền địa phương sẽ định thành phần các Ban thu đổi và chỉ định những người vào các Ban đó.

Ban thu đổi Trung ương có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo công tác thu đổi trong toàn miền Bắc Việt Nam và làm việc dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ.

Các Ban thu đổi địa phương có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo công tác thu đổi trong địa phương mình phụ trách, và làm việc dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban Hành chính cấp mình và của Ban thu đổi cấp trên.

Ủy ban Hành chính các cấp có trách nhiệm huy động và bố trí lực lượng giúp Ban thu đổi tiến hành việc thu đổi nhanh, gọn và tốt.

Điều 7. – Việc thu đổi giấy bạc Ngân hàng cũ cho nhân dân tiến hành ở thành thị theo hộ khẩu và ở nông thôn theo nông hộ, trừ những trường hợp đặc biệt nói ở điều 10 của nghị định này.

Ở thành thị, mỗi hộ khẩu cho người mang sổ hộ khẩu và tất cả tiền mặt của mình có đến Bàn đổi tiền ở khu phố mình ở để đổi lấy tiền Ngân hàng mới.

Ở nông thôn, các Bàn đổi tiền ở xã tiến hành việc thu đổi theo các nông hộ.

Mỗi hộ cũng như cá nhân, ai có bao nhiêu tiền mặt bằng giấy bạc 5.000 đ, 1.000 đ, 500 đ, 200 đ đều phải kê khai và đem đổi hết.

Điều 8. – Mỗi hộ chỉ được đổi tiền của mình và không được nhận tiền của hộ khác để đổi thay. Ai làm trái điều này coi là phạm pháp và sẽ bị xử lý tùy theo trường hợp nặng nhẹ đối với người nhờ đổi cũng như người đổi thay.

Nhân dân có nhiệm vụ theo dõi và báo cáo chính quyền địa phương biết những sự thông đồng đổi tiền thay cho nhau.

[...]