Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi)

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 20/10/2016
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nguyễn Thị Kim Ngân
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số:         /2017/QH14

 

DỰ THẢO 5

 

 

LUẬT

BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG (SỬA ĐỔI)

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi).

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến các hoạt động lâm nghiệp tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Lâm nghiệp là ngành kinh tế, xã hội bao gồm các hoạt động về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản, dịch vụ môi trường rừng; đồng thời đảm bảo phát triển bền vững về môi trường quốc phòng an ninh.

2. Rừng là hệ sinh thái bao gồm quần thể thực vật rừng, động vật rừng, vi sinh vật rừng và các yếu tố khác, trong đó thành phần chính là cây gỗ, tre, nứa, họ dừa có chiều cao trên 5 mét đối với hệ thực vật núi đất hoặc trên 2 mét đối với các hệ thực vật khác đạt độ tàn che từ 0,1 trở lên; diện tích liền vùng từ 0,5 héc-ta trở lên.

3. Độ tàn che là mức độ che kín của tán cây gỗ, tre, nứa, họ dừa có chiều cao trên 5 mét đối với hệ thực vật núi đất hoặc trên 2 mét đối với các hệ thực vật khác theo phương thẳng đứng được biểu thị bằng tỷ lệ phần mười trên một đơn vị diện tích rừng.

4.  Độ che phủ rừng là tỷ lệ phần trăm giữa diện tích rừng so với tổng diện tích tự nhiên trên một phạm vi địa lý nhất định.

5. Giá trị rừng gồm tổng giá trị các yếu tố cấu thành hệ sinh thái rừng và các giá trị môi trường, cảnh quan rừng tại một thời điểm, trên một diện tích rừng xác định.

6. Giá trị quyền sử dụng rừng gồm tổng giá trị tính bằng tiền của các quyền năng của quyền sử dụng rừng tại một thời điểm, trên một diện tích rừng xác định.

7. Loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp là loài bị đe dọa, có nguy cơ tuyệt chủng cao trong môi trường tự nhiên theo quy định của pháp luật.

8. Lâm sản là sản phẩm khai thác từ rừng gồm thực vật rừng, động vật rừng và các sinh vật rừng khác; bao gồm gỗ, lâm sản ngoài gỗ và sản phẩm đồ gỗ đã chế biến.

9. Dịch vụ môi trường rừng là việc cung ứng các giá trị sử dụng của môi trường rừng để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

10. Chi trả dịch vụ môi trường rừng là trách nhiệm bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trong việc thanh toán giá trị dịch vụ môi trường rừng cho bên cung ứng dịch vụ.

11. Quản lý rừng bền vững là phương thức quản trị rừng đảm bảo đạt được các mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng, không làm suy giảm các giá trị và nâng cao giá trị rừng, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường, góp phần giữ vững quốc phòng an ninh.

12. Mẫu vật các loài động vật rừng, thực vật rừng là động vật rừng, thực vật rừng còn sống hay đã chết, bộ phận, dẫn xuất của chúng.

13. Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán; có quy ước, hương ước phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động lâm nghiệp

1. Quản lý rừng bền vững cả về diện tích rừng, chất lượng rừng, đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao giá trị dịch vụ môi trường rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Bảo đảm hài hoà giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của chủ rừng, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp; giữa lợi ích kinh tế với phòng hộ, bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên; giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài.

[...]