ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 24/KH-UBND
|
Hà Nội,
ngày 28 tháng 01 năm 2011
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015.
Thực hiện văn Quyết định số 01/2011/QĐ-UBND ngày
10/01/2011 của UBND Thành phố về việc ban hành Chuẩn nghèo, cận nghèo của Thành
phố Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015.
UBND Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện mục tiêu
giảm nghèo Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015 như sau:
I. THỰC TRẠNG HỘ NGHÈO CỦA THÀNH
PHỒ:
Chuẩn nghèo, cận nghèo của Thành phố Hà Nội giai đoạn
2011 – 2015 quy định thu nhập bình quân/người/tháng:
Khu vực
|
Chuẩn nghèo
|
Chuẩn cận nghèo
|
Thành thị
|
Từ 750.000 đồng trở xuống
|
Từ 751.000 đến 1.000.000 đồng
|
Nông thôn
|
Từ 550.000 đồng trở xuống
|
Trên 551.000 đến 750.000 đồng
|
Kết quả điều tra xác định hộ nghèo, cận nghèo toàn
thành phố:
- Số hộ nghèo 148.148 hộ, chiếm 9,6% tổng số hộ
chung toàn thành phố (trong đố có 2.008 hộ nghèo thuộc diện chính sách người có
công, 21.831 hộ nghèo có thành viên đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, có
11.250 hộ có người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, gia đình không có khả
năng thoát nghèo, 2.826 hộ nghèo có thành viên là người dân tộc thiểu số,
49.257 hộ nghèo có chủ hộ là nữ).
- Số hộ nghèo khu vực các huyện chiếm 91,87% tổng số
hộ nghèo toàn thành phố. Có 9 quận cơ bản không còn hộ nghèo (tỷ lệ nghèo dưới
2,5%).
- Về tỷ lệ hộ nghèo của các xã, phường, thị trấn:
+ 38 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 25% trở lên (xã
nghèo), tập trung ở 9 huyện: Phú Xuyên, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Sóc Sơn,
Thanh Oai, Thường Tín, Gia Lâm, Hoài Đức.
+ 141 xã, thị trấn có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% đến dưới
25%.
+ 110 xã, phường, thị trấn có tỷ lệ hộ nghèo dưới
2% (xã phường cơ bản không còn hộ nghèo).
- Hộ cận nghèo: Thành phố còn có 61.465 hộ, chiếm
3,98% tổng số hộ dân.
- Cuối năm 2010, toàn thành phố cơ bản không còn hộ
nghèo có nhà ở xuống cấp, hư hỏng nặng.
Nguyên nhân nghèo cơ bản: Mỗi hộ có từ 1 đến
2 nguyên nhân nghèo
TT
|
NGUYÊN NHÂN
NGHÈO CỦA CÁC HỘ
|
TỶ LỆ
(so với tổng số hộ nghèo)
|
1
|
Thiếu vốn sản xuất, kinh doanh
|
37,46%
|
2
|
Thiếu đất canh tác, phương tiện sản xuất
|
10,38%
|
3
|
Thiếu lao động chính, đông người ăn theo
|
23,65%
|
4
|
Không có việc làm, không có tay nghề
|
13,88%
|
5
|
Ốm đau, mắc tệ nạn xã hội, chây lười lao động
|
25,1%
|
II. MỤC TIÊU:
1. Mục tiêu tổng quát:
Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải
thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với hộ nghèo. Tăng cường các
biện pháp giảm nghèo bền vững, tránh tái nghèo, hỗ trợ, khuyến khích nghèo vươn
lên mức sống khá. Tập trung nguồn lực, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo diện chính
sách có công, hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn Thành phố từ 1,5%
đến 1,8%/năm, hạn chế thấp nhất số hộ tái nghèo.
- Phấn đấu đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới
2% và không còn xã nghèo (xã có tỷ lệ nghèo từ 25% trở lên).
- Năm 2011 – 2012, tập trung giải pháp hỗ trợ chính
sách có công thoát nghèo.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện có
hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo bền vững, tác động chung vào phát
triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
III. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP
CHỦ YẾU:
Đổi mới và tăng cường thực hiện các cơ chế, chính
sách thiết thực, hiệu quả tác động trực tiếp tới các nguyên nhân nghèo cơ bản của
các hộ nghèo, cận nghèo; Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp an sinh xã hội,
trong đó tập trung vào các giải pháp sau:
1. Nhóm chính sách huy động, bổ
sung, đổi mới cơ chế chính sách tín dụng ưu đãi ngân sách các cấp:
a) Tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo:
- Bổ sung nguồn từ ngân sách địa phương (ngân sách
Thành phố và ngân sách quận huyện) ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội
(NHCSXH) để cho vay thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
- Điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung chính sách tín dụng
ưu đãi từ ngân sách địa phương đáp ứng cơ bản nhu cầu của các hộ nghèo, cận
nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh dịch vụ.
- Tập trung và ưu tiên nguồn vốn tín dụng ưu đãi với
các huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% trở lên, trong đó ưu tiên các xã nghèo.
- Hộ nghèo có nhu cầu được vay vốn phát triển sản
xuất, kinh doanh, dịch vụ, học tập, học nghề và đi xuất khẩu lao động từ nguồn
vốn của NHCSXH, các hội đoàn thể… Gắn vay vốn dạy nghề, hướng dẫn làm ăn, khuyến
công, khuyến nông và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất.
Dự kiến: Có 75.000 đến 85.000 hộ nghèo, cận nghèo
được vay vốn/năm.
b) Chương trình hỗ trợ hộ nghèo các huyện bằng hình
thức vay bò sinh sản:
Quản lý có hiệu quả đàn bò hiện có và thực hiện
chuyển giao bò (pha 2) cho hộ nghèo khác theo đúng quy định. Tiếp tục đầu tư
kinh phí mua bò sinh sản cho hộ nghèo chăm sóc, nuôi dưỡng.
Dự kiến: Năm 2011 – 2012 tiếp tục đầu tư cho hộ
nghèo vay 1.000 con bò/năm.
2. Nhóm chính sách dạy nghề và
giải quyết việc làm:
- Tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai các
lớp dạy nghề ngắn hạn cho người nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, ưu tiên
thành viên các hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân
tộc thiểu số, người khuyết tật, người bị thu hồi đất canh tác.
- Tập trung nhân rộng các mô hình dạy nghề gắn
với tạo việc làm cho người nghèo. Khuyến khích và tạo điều kiện để người nghèo trong
độ tuổi lao động, tiếp cận, tham gia chương trình xuất khẩu lao động và việc
làm tại các nghề, doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố.
- Hỗ trợ tạo việc làm bền vững, tăng thu nhập
cho người nghèo.
- Vận động các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị
trên địa bàn tiếp nhận lao động nghèo vào việc làm việc.
Dự kiến: Mỗi năm có khoảng 2.300 người nghèo được hỗ
trợ dạy nghề miễn phí.
3. Nhóm chính sách hỗ trợ đầu
tư trực tiếp tác động đến sản xuất, kinh doanh, khu vực nông nghiệp, khu, cụm
công nghiệp, làng nghề; tác động tới việc làm và đời sống của nhân dân vả của
người nghèo:
- Tập huấn, phổ biến kiến thực sản xuất, xây dựng
các mô hình sản xuất khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, nuôi trồng thủy sản,
mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, mô hình công nghệ cao, chuyển
giao khoa học công nghệ.
- Hỗ trợ cây giống, con giống, công cụ sản xuất, chế
biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và vật tư chủ yếu (phân bón, thuốc bảo vệ
thực vật, thuốc thú y…).
- Khuyến khích phát triển kinh tế nông thôn, phát
triển ngành nghề, đặc biệt các nghề truyền thống, ngành nghề quy mô nhỏ, nhóm hộ
gia đình.
Dự kiến: Mỗi năm có 80.000 đến 100.000 lượt hộ
nghèo được hỗ trợ khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư.
4. Nhóm chính sách và giải pháp
tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội:
a) Về y tế:
Cấp Thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho 100% người
nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi từ 90 tuổi trở lên, người mù có
hoàn cảnh khó khăn, người bị bệnh phong. Đồng thời nâng cao chất lượng khám chữa
bệnh của các đơn vị y tế cơ sở và đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa chăm sóc sức
khỏe cho người nghèo.
Hỗ trợ 50% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho thành
viên hộ cận nghèo.
b) Về giáo dục:
- Miễn phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh
phổ thông, trẻ em học mẫu giáo thuộc hộ nghèo; học sinh, sinh viên mồ côi cả
cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật có khó khăn về kinh tế. Giảm 50%
học phí cho học sinh phổ thông, trẻ em học mẫu giáo thuộc hộ có thu nhập tối đa
bằng 50% thu nhập của hộ nghèo.
- Vận động tặng sách vở, đồ dùng học tập, học bổng
cho học sinh nghèo vượt khó.
c) Cải thiện nhà ở cho hộ nghèo:
Tiếp tục huy động các nguồn lực để hỗ trợ cải thiện
nhà ở cho hộ nghèo. Ưu tiên hộ nghèo có thành viên đang hưởng trợ cấp người có
công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo dân tộc thiểu số.
d) Miễn giảm kinh phí chữa trị, cai nghiện bắt buộc
tại các Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội của Thành phố cho thành viên hộ
nghèo.
đ) Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho hộ nghèo.
e) Trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã
hội; Người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo gia đình không có khả năng thoát
nghèo.
g) Hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp
pháp lý:
Thực hiện hỗ trợ pháp lý miễn phí trực tiếp cho người
nghèo. Tăng cường năng lực cho các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực
hiện trợ giúp pháp lý, tư pháp cấp xã, tổ chức hòa giải.
h) Tăng cường công tác tuyên truyền và hỗ trợ dịch
vụ kế hoạch hóa gia đình đối với các hộ nghèo.
5. Tăng cường cơ chế, quy chế
phối hợp trách nhiệm giữa các cấp, ngành và các tổ chức chính trị, xã hội để thực
hiện các mục tiêu chỉ tiêu giảm nghèo hiệu quả, bền vững; Tăng cường các hoạt động
kiểm tra, giám sát, đánh giá, biểu dương khen thưởng kịp thời với các tổ chức,
cá nhân, các mô hình tích cực trong việc thực hiện công tác giảm nghèo.
a) Tập trung sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính
quyền và nâng cao, năng lực, nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, người
dân về chương trình giảm nghèo.
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các Cấp ủy Đảng,
chính quyền. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội,
doanh nghiệp và nhân dân cùng tham gia vào chương trình giảm nghèo. Đẩy mạnh cuộc
vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” và các hoạt động xã hội hóa công tác giảm
nghèo. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo.
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền chủ
trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Thành phố về giảm nghèo, giúp đỡ các hộ tự
phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến
thức, giáo dục pháp luật, kế hoạch hóa gia đình, kinh nghiệm sản xuất kinh
doanh thoát nghèo, làm giàu với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với hộ nghèo.
b) Phát triển kinh tế xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng
thiết yếu, công trình văn hóa, xã hội.
- Lồng ghép chương trình, chính sách giảm nghèo với
chính sách an sinh xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương
trình mục tiêu khác để huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho phát triển
kinh tế - xã hội và giảm nghèo.
- Phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế
theo hướng dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu
trong lĩnh vực nông nghiệp. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng kết hợp
với du lịch sinh thái, phát triển các cây, con có giá trị kinh tế - thương mại
cao.
- Hỗ trợ xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu
phục vụ sản xuất và dân sinh (công trình thủy lợi, đường liên thôn, liên xã,
trường, trạm y tế, điện, nước sạch, chợ…) đặc biệt ưu tiên các xã nghèo, xã có
đông hộ nghèo, xã miền núi.
c) Tập trung nguồn lực, các giải pháp hỗ trợ nghèo
dân tộc thiểu số và các xã nghèo (xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 25% trở lên); Xây dựng
các dự án lồng ghép đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã nghèo, xã miền
núi (thủy lợi nhỏ, trường học, trạm y tế, đường dân sinh, chợ, điện, nước sạch…)
d) Tăng cường hoạt động giám sát, đánh giá:
- Xây dựng hệ thống chỉ tiêu theo dõi giám sát
chương trình mục tiêu giảm nghèo cấp Thành phố, huyện, xã giai đoạn 2011 –
2015.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực
hiện các chính sách trợ giúp người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội tại địa
phương.
- Xây dựng phần mềm quản lý hộ nghèo, cận nghèo.
6. Tổng hợp nguồn vốn thực hiện
chương trình:
Dự kiến nguồn vốn thực hiện Chương trình giảm nghèo
của Thành phố giai đoạn 2011 – 2015 là 4.605,8 tỷ đồng (bình quân khoảng trên
900 tỷ đồng/ năm), chưa kể vốn tín dụng và kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng,
trong đó:
- Ngân sách Thành phố: 3.527,6 tỷ đồng
- Ngân sách quận, huyện, thị xã: 988 tỷ đồng
- Vận động, nguồn khác: 90,2 tỷ đồng
(Phụ lục kèm theo)
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. UBND các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị
trấn:
- Kiện toàn Ban Chỉ đạo trợ giúp người nghèo
các cấp.
- Tổ chức rà soát hộ nghèo, cận nghèo hàng
năm. Nắm chắc thông tin về hộ nghèo (địa chỉ, hoàn cảnh, nguyên nhân nghèo, nhu
cầu cần hỗ trợ…); tăng cường quản lý, theo dõi chặt chẽ di, biến động của hộ
nghèo, cận nghèo tại xã, phường, thị trấn bằng việc áp dụng công nghệ thông tin
để quản lý đối tượng kịp thời, chính sách.
- Xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách hàng
năm và huy động các nguồn lực để thực hiện kế hoạch giảm nghèo tại địa phương,
chú trọng các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Quản lý, sử dụng có hiệu quả, đúng đối
tượng và mục đích các nguồn lực phục vụ giảm nghèo; Gắn công tác giảm nghèo với
kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Giao chỉ tiêu giảm nghèo cụ
thể cho từng hội, đoàn thể trong công tác giảm nghèo. Chỉ đạo các xã, phường,
thị trấn bố trí đủ và ổn định cán bộ làm công tác giảm nghèo.
- Đề xuất kế hoạch phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở
hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã, phường, thị trấn, đặc
biệt ưu tiên các xã nghèo, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.
- Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành Thành phố
trong việc triển khai, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các chỉ tiêu, chính sách,
giải pháp giảm nghèo. Phối hợp với các hội, đoàn thể vận động, thuyết phục, hướng
dẫn cách làm ăn, chỉ tiêu, vận động kế hoạch hoạch hóa gia đình… cho các hộ
nghèo, tập trung các giải pháp để các hộ đông con, lười lao động, mắc tệ nạn xã
hội… có ý thực vươn lên thoát nghèo. Xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm
nghèo có hiệu quả.
- Vận động các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đống
trên địa bàn hỗ trợ dạy nghề, tiếp nhận con em hộ nghèo vào làm việc.
- Bổ sung các nguồn lực cho công tác giảm nghèo.
2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (làm Thường trực
Ban chỉ đạo Trợ giúp người nghèo) chủ trì và phối hợp với các Sở, ngành có liên
quan:
- Hướng dẫn các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị
trấn nghiệp vụ điều tra, rà soát xác định hộ nghèo, cận nghèo.
- Xây dựng và thống nhất trình UBND Thành phố Kế hoạch
giảm nghèo hàng năm và nguồn lực để thực hiện chương trình. Đề xuất cơ chế,
chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, tập trung ưu tiên hộ nghèo diện chính
sách có công, hộ nghèo dân tộc thiểu số và chính sách hỗ trợ các xã có tỷ lệ hộ
nghèo cao.
- Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch giảm nghèo
hàng năm và tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm
nghèo các cấp.
- Triển khai dự án dạy nghề cho người nghèo, người
tàn tật, lao động nông thôn;
- Hỗ trợ hộ nghèo cải thiện về nhà ở.
- Phối hợp triển khai, thực hiện tốt chính sách hỗ
trợ hộ nghèo về cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, chương trình vay bò
sinh sản, miễn giảm kinh phí chữa trị cai nghiện...
- Xây dựng hệ thống chỉ tiêu giám sát chương trình
giảm nghèo các cấp. Tổ chức giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả thực hiện kế
hoạch giảm nghèo và tổng hợp báo cáo UBND Thành phố và Bộ Lao động – Thương binh
và Xã hội.
- Xây dựng phần mềm và quản lý dữ liệu hộ nghèo
toàn Thành phố để phục vụ các nhiệm vụ và cập nhật thường xuyên hàng năm.
3. Cục Thống kê Thành phố:
Chủ trì nghiên cứu và phối hợp với Sở Lao động
Thương binh và Xã hội đề xuất chuẩn nghèo của Thành phố phù hợp với từng giai
đoạn.
4. Ban Dân tộc Thành phố:
Phối hợp đề xuất và triển khai thực hiện các chính
sách hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, các xã miền núi.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chỉ đạo thực hiện Chương trình khuyến nông, khuyến
lâm.
- Chỉ đạo Trung tâm khuyến nông, Chi cục Phát triển
Nông thôn phối hợp với các hội, đoàn thể và các quận, huyện, thị xã tập trung
công tác khuyến nông, lâm…
+ Tập huấn, hướng dẫn hộ nghèo kiến thức, kỹ năng
xây dựng kế hoạch sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất, kinh
doanh, tăng thu nhập, chú trọng các sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
+ Chỉ đạo, hướng dẫn các huyện hỗ trợ trực tiếp hộ
nghèo cây, con giống có năng suất cao, phân bón, vật tư nông nghiệp phục vụ sản
xuất…
+ Tiếp tục thực hiện dự án đầu tư cơ sở vật chất,
phát triển kinh tế của các huyện ngoại thành và chương trình hỗ trợ nước sạch
sinh hoạt cho hộ nghèo ưu tiên các xã nghèo và các xã có đông hộ nghèo.
6. Sở Y tế:
- Thực hiện việc khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y
tế và phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh miễn
phí cho người nghèo.
- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan, quận, huyện,
thị xã đề xuất đầu tư, nâng cấp các cơ sở khám chữa bệnh xã, phường, thị trấn đạt
chuẩn quốc gia, ưu tiên các xã nghèo. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại
các cơ sở y tế xã, phường, thị trấn.
- Chỉ đạo Chi cục Dân số tăng cường công tác tuyên
truyền, hỗ trợ các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đối với các hộ nghèo, tập
trung vào các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn có hộ nghèo đông con,
người ăn theo, thiếu lao động chính
7. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Chỉ đạo, hướng dẫn các trường thực hiện
chính sách miễn giảm học phí, tiền xây dựng và các khoản đóng góp khác đối với
học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh mồ côi, học sinh khuyết tật, gia
đình có hoàn cảnh khó khăn.
- Vận động các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ sách vở,
đồ dùng học tập, cấp học bổng cho học sinh nghèo vượt khó.
8. Sở Công thương:
- Tham mưu, đề xuất, triển khai các dự án khuyến
công, phát triển làng nghề.
- Phối hợp vận động các doanh nghiệp ủng hộ Quỹ Vì
người nghèo và hỗ trợ trực tiếp các hộ nghèo.
9. Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội:
- Chủ trì phối hợp và có kế hoạch cụ thể về
huy động, bổ sung, đề xuất và thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ tín dụng thực
hiện mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo và chính sách an sinh xã hội; khuyến khích
xây dựng hạ tầng khu vực nông nghiệp nông thôn.
- Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, hội, đoàn thể,
UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn hộ nghèo, cận nghèo sử dụng vốn vay có
hiệu quả.
10. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:
- Đề xuất về: nguồn lực cho chương trình giảm nghèo
giai đoạn 2011 – 2015 và từng năm; cơ chế, chính sách; lồng ghép chương trình
giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác của Thành phố.
- Hướng dẫn việc quản lý sử dụng, thanh quyết toán
nguồn kinh phí thực hiện chương trình giảm nghèo theo đúng chế độ tài chính hiện
hành.
11. Bảo hiểm xã hội Thành phố:
Phối hợp chỉ đạo thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế
cho người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi từ 90 tuổi
trở lên, người mù có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân phong đảm bảo đúng tiến độ
và thanh toán chi phí khám chữa bệnh với các cơ sở y tế.
12. Sở Tư pháp:
- Chủ trì thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho
người nghèo.
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo
dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người nghèo bằng nhiều hình thức phù hợp;
Biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu, tờ gấp tuyên truyền. Nâng cao năng lực và
hiệu quả các cơ sở tư vấn trợ giúp pháp lý.
13. Sở Thông tin và Truyền thông:
Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền
về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Thành phố về công tác giảm nghèo,
kinh nghiệm và những mô hình giảm nghèo thành công của các xã, phường, thị trấn,
khích lệ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
14. Đề nghị Thường trực Hội đồng Thi đua khen
thưởng Thành phố:
Đưa kết quả thực hiện kế hoạch giảm nghèo của các cấp,
các ngành thành một trong các tiêu chí để bình xét khen thưởng hàng năm.
15. Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy:
Chỉ đạo các Báo, Đài của Thành phố Hà Nội tăng cường
tuyên truyền vận động thực hiện kế hoạch giảm nghèo của Thành phố và các chương
trình khuyến nông, khuyến công, gương các hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm
giầu.
16. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố: Chỉ
đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Ngày vì
người nghèo”. Tăng cường các biện pháp vận động xây dựng và phát huy hiệu quả
nguồn “Quỹ vì người nghèo” các cấp để hỗ trợ hộ nghèo xây dựng sửa chữa nhà ở,
trợ cấp khó khăn…
17. Đề nghị Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ,
Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ, Liên đoàn lao động, Đoàn Thanh niên Cộng sản
Hồ Chí Minh Thành phố, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, Hội Cứu trợ trẻ
em tàn tật, Hội người khuyết tật, Hội Nạn nhân chất độc da cam:
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan tuyên truyền
vận động, hướng dẫn cách thức làm ăn cho các hộ nghèo. Vận động các tổ chức, cơ
quan, đơn vị, các hộ khá, hộ giàu nhận giúp đỡ các hộ nghèo.
- Tăng cường vận động xây dựng, quản lý phát huy hiệu
quả nguồn quỹ của tổ chức mình để hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất tăng thu
nhập, trợ cấp khó khăn cho các đối tượng tàn tật, già yếu, trẻ mồ côi, người gặp
rủi ro…
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011 –
2015, UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan của Thành phố, UBND
các quận, huyện, thị xã; Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ủy ban MTTQ Thành phố,
các tổ chức, đoàn thể Thành phố phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch. Định kỳ
6 tháng, 1 năm báo cáo kết quả thực hiện, các chỉ tiêu theo dõi, giám sát
Chương trình Mục tiêu giảm nghèo về UBND Thành phố (qua Sở Lao động Thương binh
và Xã hội để tổng hợp báo cáo)./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hoàng Mạnh Hiển
|